1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Di sản của bà Clinton để lại cho ông Kerry

(Dân trí) – Bà Hillary Clinton đã để lại một chương trình nghị sự đầy các nhiệm vụ nặng nề cho người kế nhiệm John Kerry, người chính thức bắt đầu công việc của Ngoại trưởng thứ 68 của nước Mỹ vào thứ hai tuần tới.

Di sản của bà Clinton để lại cho ông Kerry

Bà Hillary Clinton đã chính thức rời nhiệm sở, để lại cho người kế nhiệm Kerry nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn.


Trong cuộc trả lời phỏng vấn cuối cùng với báo giới trên cương vị người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ, bà Hillary Clinton đã hé lộ nhiều trọng trách sẽ được dồn lên vai ông John Kerry.

Theo bà, tân Ngoại trưởng Mỹ sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong thời gian tới như khủng hoảng tại Trung Đông- Bắc Phi; vấn đề hạt nhân của Iran, Triều Tiên; các cuộc tấn công mạng…

Về cuộc xung đột tại Syria, bà Clinton gọi đây là "cuộc khủng hoảng gây bất ổn trên mọi mặt" khi cho rằng “mọi dự đoán tồi tệ nhất về những điều có thể xảy ra cả ở trong và ngoài lãnh thổ Syria đều có thể trở thành hiện thực”. Bà cũng không ngần ngại cáo buộc Nga và Iran đã hỗ trợ, xúi giục chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad, nhất là khi sự ủng hộ của Tehran dành cho Damascus ngày càng tăng lên.

"Iran đã nhiều lần nhấn mạnh rằng việc hậu thuẫn Tổng thống Assad tại vị là một trong những ưu tiên cao nhất của họ. Chúng tôi tin rằng Tehran đang hiện thực hóa ưu tiên ấy bằng việc cung cấp thêm nguồn lực, không chỉ hỗ trợ ông Assad mà còn giúp đỡ và cố vấn cho lực lượng an ninh Syria", Ngoại trưởng sắp mãn nhiệm của Mỹ nói trong buổi phỏng vấn kéo dài một giờ đồng hồ.

“Chúng tôi có lý do tin rằng Nga vẫn đang tiếp tục cung cấp viện trợ về tài chính và quân sự cho ông Assad. Cuộc khủng hoảng này cần tới nỗ lực của tất cả chúng ta”, bà Clinton nói thêm sau khi bày tỏ tin tưởng rằng ông Kerry “sẽ tiếp tục những công việc còn dang dở” của bà, nhất là trong việc chấm dứt làn sóng bạo loạn ở Trung Đông – Bắc Phi và cuộc chiến tại quốc gia Tây Phi Mali hiện nay.

Đề cập tới chương trình hạt nhân của Iran, bà Clinton cánh bảo rằng mặc dù Mỹ chưa bao giờ từ bỏ các nỗ lực kiềm chế chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Nhà nước Hồi giáo và cũng liên tục thúc ép nước này trở lại bàn đàm phán, song thời gian sẽ không còn nhiều.

“Tôi không cho rằng cánh cửa sẽ mãi mở rộng với Iran”, bà nói sau khi cho biết thêm rằng Iran có thể phải tiếp tục gánh chịu thêm các biện pháp cấm vận và áp lực ngày càng tăng từ cộng đồng quốc tế trong bối cảnh giới lãnh đạo nước này đang phải bận tâm tới các cuộc bầu cử sắp tới.

Trong khi đó, với vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, bà Clinton nhấn mạnh đây sẽ là vấn đề nổi cộm mà ông Kerry phải đối mặt ngay khi bắt đầu nhiệm kỳ và rằng thế giới cần lưu ý đặc biệt tới nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un của Triều Tiên.

 “Việc Triều Tiên lên kế hoạch thử hạt nhân lần ba là vấn đề nổi cộm hàng đầu hiện nay. Tôi cho rằng chúng ta đã đạt được một số tiến triển nhất định trong quan hệ với nhà lãnh đạo Kim Jong-il nhưng con trai ông ấy sẽ là người mà cả Mỹ và các đối tác phải dành sự chú ý đặc biệt”, nữ Ngoại trưởng nói.

Trong vấn đề Afghanistan, Ngoại trưởng sắp mãn nhiệm Clinton cam kết sẽ nỗ lực để bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em tại quốc gia Nam Á này, sau khi Mỹ và các đồng minh NATO rút hết binh sĩ chiến đấu tại đây sau năm 2014.

Cũng trong buổi trả lời phỏng vấn ngắn trước khi rời nhiệm sở, bà Clinton đã bày tỏ quan ngại thực sự đối với nguy cơ khủng bố công nghệ cao. Theo bà, các vụ tấn công mạng đang gia tăng chóng mặt, đẩy thế giới vào một trạng thái chiến tranh mới.

“Mỹ cần phải có những hành động hợp lý để bảo vệ không chỉ chính phủ, mà còn cả khu vực tư nhân trước các cuộc tấn công bất hợp pháp này. Mặc dù Mỹ đã nỗ lực tìm kiếm các biện pháp đối phó với các diễn biến này, song hiện vẫn thiếu các nỗ lực quốc tế để có thể thực sự ngăn chặn các vụ khủng bố mạng một cách hiệu quả”, bà Clinton cảnh báo.

Bà cũng bày tỏ hy vọng sẽ sớm có một liên minh quốc tế được thành lập để giải quyết tình trạng này, bởi chiến tranh mạng đe dọa tất cả mọi người chứ không riêng gì các thể chế phương Tây.

Bà Clinton đã dành buổi phỏng vấn cuối cùng cho báo chí trên cương vị là Ngoại trưởng thứ 67 của nước Mỹ sau khi chính thức nói lời tạm biệt với các nhân viên tại Bộ Ngoại giao, khép lại nhiệm kỳ 4 năm đầy sóng gió nhưng cũng nhiều thành công mà bà gọi là “một trải nghiệm độc nhất, thú vị và đầy thách thức”.

Mặc dù bày tỏ vui mừng trước những thành công đã đạt được trong 4 năm đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ dưới thời của Tổng thống Barack Obama, song bà Clinton cũng không quên nhắc nhở những người ở lại về “một thời kỳ phức tạp và đầy nguy hiểm” như những gì nước Mỹ từng chứng kiến sau hai cuộc tấn công nhằm vào Lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi (Libya) và Đại sứ quán Mỹ ở Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ). Theo bà, các vụ tấn công này là lời nhắc nhở rõ ràng nhất về những mối đe dọa hàng ngày mà người kế nhiệm Kerry sẽ phải đối mặt, cho dù ở góc độ nào đó nước Mỹ đã an toàn hơn so với thời điểm bà nhậm chức cách đây 4 năm.

Việc bà Clinton rời bỏ cương vị Ngoại trưởng Mỹ ở tuổi 65 sau những đóng góp không mệt mỏi mang lại nhiều hiệu quả cho nền ngoại giao Mỹ nhìn chung đã để lại tâm trạng tiếc nuối trong nhiều người dân Mỹ và thế giới. Sự hoạt động năng nổ của bà, những tuyên bố và sáng kiến ngoại giao giúp củng cố vững chắc vị thế và sức mạnh Mỹ đã tạo ra vầng hào quang quanh người phụ nữ được mến mộ nhất nước, nhưng đồng thời cũng để lại gánh nặng lớn cho ông Kerry, người đã chính thức nhậm chức chưa đầy 2 giờ sau khi bà Clinton từ biệt nhiệm sở.

 Linh Giang