1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Di sản Aquino và chiến lược xây dựng đồng minh

Một nước nghèo như Philippines có lẽ không khó để mua chuộc, nhưng giữa hai chọn lựa: hoặc theo Trung Quốc và cúi đầu chịu nhục đánh mất chủ quyền, hoặc xây dựng liên minh quốc phòng với nước khác để bảo vệ quốc gia, Manila, với quyết đoán của (cựu) Tổng thống Benigno Aquino III, đã chọn bước đi can đảm và không nhân nhượng…

Điều chỉnh lại sai lầm địa chính trị

Ngày 28-4-2014, Mỹ và Philippines ký Thỏa thuận hợp tác quốc phòng tăng cường (Enhanced Defense Cooperation Agreement – EDCA). Buổi lễ thực hiện tại Manila, giữa Bộ trưởng quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin và Đại sứ Hoa Kỳ Philip Goldberg.

“Đây là thỏa thuận quốc phòng quan trọng nhất mà chúng tôi thực hiện với Philippines trong nhiều thập niên” – phát biểu của Evan Medeiros, giám đốc cấp cao đặc trách châu Á thuộc Hội đồng An ninh quốc gia Hoa Kỳ.

Medeiros nói thêm, Mỹ muốn “một mối quan hệ xây dựng với Trung Quốc” nhưng Mỹ cũng quyết tâm theo đuổi các chính sách dựa vào những mục tiêu chiến lược của mình và của các đồng minh, và “khi có những mối đe dọa phát triển, tính chất các mối quan hệ đồng minh và đối tác an ninh cũng phải phát triển tương ứng”.

Rommel Banlaoi, giám đốc điều hành Viện nghiên cứu khủng bố bạo lực hòa bình Philippines, nhận xét rằng: “Người Philippines có thể dùng thỏa thuận này để làm đòn bẩy đối trọng với sự hiện diện quân sự và bán quân sự của Trung Quốc tại Trường Sa”.

Michael Green, Phó chủ tịch cấp cao đặc trách châu Á và Nhật thuộc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS), nói thêm, EDCA không chỉ là công cụ bảo vệ Philippines mà còn là cách để quân đội Mỹ dàn quân tại khu vực trong chính sách xoay trục như một chiến lược ngoại giao đáng kể nhất của Nội các Obama.

Nhắc lại vài ý kiến này để thấy rằng, trong quan hệ chiến lược quốc phòng, Mỹ và Philippines đều cần nhau.

Tổng thống Benigno Aquino III quyết liệt trong vấn đề chủ quyền.
Tổng thống Benigno Aquino III quyết liệt trong vấn đề chủ quyền.

EDCA là một bước ngoặt với Philippines. Năm 1992, Philippines, bằng thái độ quyết liệt, đã yêu cầu Mỹ phải rút quân khỏi căn cứ hải quân Subic, chấm dứt sự hiện diện quân đội Mỹ từ khi Mỹ giành Philippines từ Tây Ban Nha năm 1898.

Gần như cả nước Philippines vui mừng trước sự kiện lính Mỹ rút khỏi nước họ. Thượng nghị sĩ Agapito Aquino, chú của Tổng thống Benigno Aquino III, gọi sự kiện này là “bình minh cho sự khai sinh dân tộc chúng ta”. Tuy nhiên, cũng từ lúc đó, Trung Quốc bắt đầu kế hoạch “tằm ăn dâu” xâm chiếm và tuyên xưng chủ quyền tại các đảo tranh chấp.

Tháng 2-1995, Trung Quốc chiếm rạn san hô Đá Vành Khăn mà Philippines cho rằng thuộc quần đảo Kalayaan của họ. Taylor Fravel, Giáo sư chính trị học thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), nói rằng việc Manila tống khứ Mỹ là “sự đáng tiếc lớn nhất về địa chính trị của người Philippines”.

EDCA, điều chỉnh lại sai lầm địa chính trị đó, là phiên bản nâng cấp của Hiệp ước quốc phòng hỗ tương (MDT) mà Washington ký với Manila năm 1951. MDT nhấn mạnh cam kết hỗ trợ giải quyết trong hòa bình các tranh chấp quốc tế nhằm bảo vệ sự ổn định tại Thái Bình Dương. Tuy nhiên, MDT không bao gồm các điều khoản hỗ tương quốc phòng nếu các đảo tranh chấp chủ quyền của Philippines bị đe dọa hoặc tấn công.

Trong thực tế, vấn đề xung đột chủ quyền biển đảo chỉ xảy ra vào thập niên 1970, nhiều năm sau khi MDT ra đời. MDT có thể không bao giờ được nâng cấp thành EDCA nếu hòa bình khu vực không bị đe dọa bởi Trung Quốc.

Viết lại “bộ mã” mới cho quan hệ chiến lược

Từ khi được ký, EDCA đã thúc đẩy nhanh quan hệ quốc phòng Mỹ-Philippines. Tháng 4-2015, Mỹ yêu cầu Philippines được tiếp cận và sử dụng 8 căn cứ trong đó có căn cứ hải quân Subic và căn cứ không quân Clark.

Tháng 3-2016, cùng lời hứa viện trợ quân sự khoảng 40 triệu USD, Lầu Năm Góc và Bộ Quốc phòng Philippines đã thỏa thuận cho quân đội Mỹ sử dụng 5 căn cứ: Antonio Bautista (Palawan), Basa (Pampanga), Fort Magsaysay (Nueva Ecija), Lumbia (Cagayan de Oro), và Benito Ebuen (Cebu).

Gần đây, tháng 4-2016, Mỹ và Philippines tổ chức diễn tập quân sự 10 ngày. Sau thời gian diễn tập, 5 chiến đấu cơ A-10 Thunderbolt, 3 trực thăng H-60G Pavehawk và một máy bay chuyên dụng dùng cho lực lượng đặc nhiệm MC-130H Combat Talon, cùng 200 lính Mỹ, sẽ lưu lại căn cứ Clark.

Và chưa đầy một tuần sau phán quyết Tòa Trọng tài thường trực The Hague (PCA) khẳng định việc tuyên xưng chủ quyền qua “chứng cứ lịch sử” đường lưỡi bò của Trung Quốc là vô giá trị, hải quân Mỹ đã đưa 4 chiến đấu cơ, máy bay tác chiến điện tử E/A-18G Growler và 120 nhân sự đến Philippines để giúp huấn luyện quân đội nước này đồng thời tuần tra khu vực. Không chỉ với Mỹ, Philippines cũng xây dựng chiến lược hợp tác quốc phòng với Nhật Bản...

Tất cả chính sách đối ngoại và chiến lược quốc phòng vừa nói của Philippines đã được thực hiện trong nhiệm kỳ Tổng thống Benigno Aquino III (2010-2016). Sử dụng chính sách tái cân bằng chiến lược của Mỹ, Aquino đã biết cách “xoay trục” để thoát khỏi Trung Quốc.

Cần nhắc lại, Trung Quốc và Philippines từng có quan hệ hữu hảo. Tháng 4-2005, khi ông Hồ Cẩm Đào đến Philippines, Tổng thống Gloria Macapagal Arroyo đã miêu tả mối quan hệ hai nước là đang bước vào “giai đoạn vàng son”, khi Trung Quốc cam kết nhiều chương trình cho vay mà không cần điều kiện gì, từ việc tài trợ xây một tuyến hỏa xa nối Manila với khu vực sản xuất phía bắc đến việc trùng tu một con đập…

Aquino và quan hệ với Hoa Kỳ là một sự chuyển mình của Philippines.
Aquino và quan hệ với Hoa Kỳ là một sự chuyển mình của Philippines.

Trên chuyên san ngoại giao Foreign Policy số ra ngày 11-10-2011, trong bài “Americas Pacific Century”, bà Hillary Clinton viết: “Tương lai chính trị sẽ được quyết định tại châu Á, chứ không phải Afghanistan hay Iraq, và Mỹ sẽ hiện diện ở ngay trung tâm của hành động này”.

Trước đó, tại Bangkok ngày 21-7-2010, bà phát biểu: “Chúng tôi đã trở lại”; rồi sau đó bà khẳng định Mỹ có “quyền lợi quốc gia” tại biển Đông cũng như việc “Hoa Kỳ ủng hộ Tuyên bố ứng xử về biển Đông của ASEAN-Trung Quốc 2002” (tại Hà Nội ngày 23-7-2010).

Rồi trung tuần tháng 4-2014, tướng tư lệnh thủy quân lục chiến Mỹ John Wissler đóng tại Nhật, trong buổi nói chuyện với nhóm phóng viên quốc phòng tại Washington, đã nói rất thẳng và rất mạnh rằng, nếu Trung Quốc chiếm Senkaku, thủy quân lục chiến Mỹ sẽ lập tức vào cuộc.

Tướng Wissler thậm chí nói hải quân và không quân Mỹ có thể đánh gục Trung Quốc và tái chiếm Senkaku mà chẳng cần Nhật hỗ trợ (trong chuyến công du châu Á mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel cũng nói rằng việc bảo vệ Senkaku là điều hiển nhiên vì nó nằm trong khuôn khổ Hiệp ước quốc phòng Mỹ - Nhật).

Thông điệp cảnh cáo này được tô đậm hơn bằng một thông điệp gần tương tự của Daniel Russel, trợ lý ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á, rằng Trung Quốc không nên làm càn theo “kiểu Crimea” tại châu Á (dùng vũ lực chiếm các lãnh thổ - quần đảo đang tranh chấp). Có thể nói đây là những thông điệp trực diện và cứng rắn nhất của Mỹ đối với Trung Quốc kể từ khi Washington tuyên bố chính sách tái cân bằng.

Với Aquino, ông đã giải mã những thông điệp trên của giới chức Mỹ theo góc nhìn và vị trí của Philippines. Và Aquino đã viết lại “bộ mã” mới cho quan hệ chiến lược với Hoa Kỳ. Nếu thắt chặt hơn quan hệ quốc phòng với Mỹ, Scarborough có thể được giúp bảo vệ, theo cách như Mỹ bảo vệ Senkaku.

Hơn nữa, vấn đề còn là tự do hàng hải. Trung Quốc không thể độc chiếm những gì không thuộc về họ. Cần nhắc lại, năm 2002, Trung Quốc ký Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (Declaration on Conduct of the Parties in the South China Sea-DOC).

Điều 3 DOC nói rõ: “Các bên tái khẳng định sự tôn trọng và cam kết của mình đối với quyền tự do hoạt động hàng hải và bay trên vùng trời biển Đông như đã được quy định bởi các nguyên tắc được thừa nhận phổ biến trong luật pháp quốc tế, kể cả Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982”.

Điều 4 ghi: “Các bên liên quan chịu trách nhiệm giải quyết các tranh chấp về lãnh thổ và về quyền thực thi luật pháp bằng các phương tiện hòa bình mà không viện đến sự đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, thông qua các cuộc tham vấn thân thiện và những cuộc đàm phán bởi các quốc gia có chủ quyền có liên quan trực tiếp, phù hợp với những nguyên tắc được thừa nhận phổ quát của luật pháp quốc tế, kể cả Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982”.

Điều 5 ghi: “Các bên chịu trách nhiệm thực hiện sự tự kiềm chế trong việc thi hành các hoạt động có thể gây phức tạp hoặc leo thang tranh chấp, ảnh hưởng tới hòa bình và sự ổn định, kiềm chế không tiến hành đưa người đến sinh sống trên những hòn đảo hiện không có người sinh sống, trên các rặng đá ngầm, bãi cát ngầm, đảo nhỏ và những yếu tố khác và phải được xử lý những khác biệt của mình bằng phương pháp có tính xây dựng”…

Trung Quốc, ngạo mạn và ngang ngược, đã phá bỏ các cam kết DOC. Tháng 5-2009, Bắc Kinh thông báo với Liên Hiệp Quốc rằng họ “có chủ quyền không thể tranh cãi trên các đảo ở biển Đông”. Tháng 7-2010, Bộ ngoại giao Trung Quốc nói rằng họ có “bằng chứng lịch sử và pháp lý” cho tuyên bố chủ quyền của mình.

Tháng 11-2013, Bắc Kinh áp đặt vùng nhận biết phòng không (ADIZ) tại Đông Hải, không chỉ chồng lấn ADIZ Hàn Quốc và Nhật trong đó có không phận Senkaku mà còn yêu cầu tất cả máy bay đi vào “ADIZ” của họ phải báo cáo và tuân theo sự hướng dẫn của không lưu Trung Quốc!

Tất cả động thái này khiến khu vực rúng động. Manila nhận ra họ cần gì. Họ không mất nhiều thời giờ để xác định họ cần ai và ai cần họ. Những cuộc biểu tình chống sự vi phạm chủ quyền Philippines của Trung Quốc và các cuộc thăm dò dư luận đã cho thấy rõ ý nguyện người dân, rằng đất nước họ đang nguy nan như thế nào và làm thế nào để bảo vệ quốc gia.

“Philippines là một trong những nước ủng hộ nhiệt tình nhất về vai trò tích cực toàn cầu của Mỹ” - Richard Javad Heydarian, Giáo sư Đại học De La Salle (Manila), nhận xét.

Năm 2015, cuộc thăm dò do Trung tâm nghiên cứu Pew thực hiện cho thấy có đến 92% người Philippines có cái nhìn tích cực về Mỹ. Người Philippines có thể thấy rõ, Mỹ muốn bảo vệ lợi ích của tại khu vực. Và Philippines muốn Mỹ giúp họ bảo vệ chủ quyền mình. EDCA, có giá trị 10 năm, được thiết lập trên tinh thần lợi ích song phương như vậy.

Ngày 8-4-2012, Trung Quốc gây hấn Philippines tại Scarborough. Hai tháng sau, Bắc Kinh loan bố đầu tư khoảng 2,8 tỉ USD cho loạt dự án băng thông rộng và nhiều dự án khác tại Philippines. Tuy nhiên, Aquino đã không đơn giản nhận "củ cà rốt" ấy. Ông nhìn xa hơn. Aquino muốn chủ quyền quốc gia phải được giữ gìn. Ông muốn tương lai đất nước phải thuộc về thế hệ con cháu mai sau…

Theo Mạnh Kim

An ninh thế giới

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm