1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Đến Singapore uống nước thải tái chế “cực sạch”

(Dân trí) - Tuyên bố của Singapore không ký tiếp thỏa thuận cung cấp nước ngọt từ Malaysia hầu như không làm gợn lên làn sóng rì rầm nào ở quốc gia nhỏ nhất Đông Nam Á này - nơi công nghệ đang chảy qua những vòi nước.

Đến Singapore uống nước thải tái chế “cực sạch” - 1

Khi nước tái chế mới xuất hiện, ông Goh Chok Tong, khi đó là Thủ tướng, đã dùng trước để nêu gương
 
Trước đây, ý tưởng trên bị coi là nguy hiểm ở hòn đảo khốn khổ vì nguồn tài nguyên nước này - nơi đã phải mua hầu như tất cả lượng nước sinh hoạt từ nước láng giềng lớn hơn. Nhưng Singapore đã dần dần tiến tới tự cung tự cấp và xuất khẩu công nghệ “tái chế nước thải thành nước uống cực sạch” để thoát khỏi áp lực liên quan đến vấn đề nước.

“Điều này có nghĩa là người dân Singapore không còn phải lo âu vì vấn đề an ninh nước”, một quan chức phụ trách cung cấp nước tự hào nói. “Thoát khỏi sự phụ thuộc vào Malaysia là ưu tiên hàng đầu của Singapore”.

Singapore tách khỏi liên bang Malaysia từ năm 1965 và có hai thỏa thuận mua nước chưa qua xử lý với nước này – một hết hạn vào năm tới và một sẽ hết hiệu lực vào năm 2061. Singapore tin rằng khi đó, nước này có thể cung cấp mọi nhu cầu nước nếu cần thiết – một tiến bộ vượt bậc trong chiến lược an ninh của họ.
 
Đến Singapore uống nước thải tái chế “cực sạch” - 2
Quy trình đến NEWater...
Đến Singapore uống nước thải tái chế “cực sạch” - 3
 
Và những chai nước sạch
 
“Nhờ nỗ lực không ngừng, chúng ta đã tiến được cả một bước dài trong việc tự cung nguồn nước”, cựu Thủ tướng Singapore Goh Chok Tong tuyên bố. “Cắt giảm sự phụ thuộc vào nước từ Malaysian sẽ giúp giảm căng thẳng vì bất kỳ khi nào có những bất đồng song phương nghiêm trọng, một số chính khách Malaysia lại đưa vấn đề nước ra làm đòn bẩy gây áp lực buộc chúng ta thỏa hiệp theo hướng có lợi cho họ”.

Công nghệ đóng vai trò sống còn trong thành công đầy ấn tượng của Singapore. Công nghệ đã giúp nước này biến điểm yếu của mình thành một cơ hội để không những không phụ thuộc vào nước mà còn kiếm được hàng tỷ USD từ xuất khẩu công nghệ tái chế nước.

Hồi tháng 5, Singapore đã khai trương nhà máy hiện đại nhất và lớn nhất tinh chế nước đã qua sử dụng thành nước cho con người sử dụng và dùng trong các nhà máy. Nước dội toa lét hay dùng trong nhà bếp được thải qua một loạt hệ thống màng loại bỏ những chất bẩn để cho ra sản phẩm cuối cùng là nước đóng nhãn NEWater (nước mới).
 
Đến Singapore uống nước thải tái chế “cực sạch” - 4
 
Dùng nước tái chế trở thành “chuyện thường ngày” và được người dân ủng hộ

Ban đầu, dư luật không phải là không ghê sợ, nhưng giờ thì loại nước này lại được chấp nhận rộng rãi. Nhà máy sản xuất NEWater từ nước thải mới nhất – nhà máy thứ 5 loại này ở Singapore, có thể sản xuất 228.000m3 nước cực sạch một ngày. Số nước này đủ để đổ đầy 90 bể bơi tiêu chuẩn Olympic – Cơ quan Nước Quốc gia tiết lộ. “Tôi uống NEWater hàng ngày”, một lái xe taxi nói. “Nó giống như mọi thứ nước uống khác, tinh khiết và sạch sẽ. Tôi tin là chính phủ đã xử lý nước thải bằng cách tốt nhất để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng”.

Niềm tin “bác tài” bày tỏ với du khách nước ngoài đến đây cũng là ý kiến chung của người dân Singapore. NEWater giờ phục vụ 30% tổng nhu cầu về nước của gần 5 triệu người ở nước này và dự kiến sẽ lên đến 40% vào năm 2020. Nước khử muối – tốn kém hơn nhiều nước tái chế - chiếm 10% nhu cầu; số còn lại là nhờ nước từ hệ thống hứng nước mưa và nước nhập khẩu từ Malaysia. Singapore có hệ thống riêng, bao gồm 7.000km hệ thống dẫn lưu dẫn trực tiếp nước mưa vào các bể chứa.

Quốc gia này đang đăng cai Tuần lễ Nước sạch Quốc tế với sự tham dự của các chuyên gia hàng đầu thế giới về lĩnh vực này. “Nước, nền tảng của sự sống, là trung tâm của những cuộc khủng hoảng mỗi ngày mà hàng triệu người trên thế giới phải đối mặt”, Noeleen Heyzer, thư ký điều hành Ủy ban Kinh tế và Xã hội của châu Á-Thái Bình Dương trong Liên Hợp Quốc, nói. Theo bà, trên thế giới có khoảng 1,1 tỷ người không được tiếp cận với nước sạch và tin tức về công nghệ tái chế nước thải của Singapore là niềm hy vọng với họ.

Việt Hà