1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Delta đang thay đổi cuộc chiến chống đại dịch của thế giới

Minh Phương

(Dân trí) - Sự xuất hiện của biến chủng Delta khiến thế giới đối mặt với làn sóng lây nhiễm mới mạnh nhất từ trước đến nay, buộc các nước phải điều chỉnh chiến lược ứng phó.

Delta đang thay đổi cuộc chiến chống đại dịch của thế giới - 1

Sự xuất hiện của Delta gây sức ép lên hệ thống y tế của nhiều quốc gia (Ảnh minh họa: Getty).

"Cuộc chiến đã thay đổi"

Theo một tài liệu nội bộ của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ được tiết lộ tuần trước, cơ quan này nói rằng, cộng đồng nên thừa nhận "cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 đã thay đổi vì biến chủng Delta có tốc độ lây lan nhanh chóng".

CDC Mỹ đánh giá Delta dễ lây lan như bệnh thủy đậu, mỗi người nhiễm bệnh trung bình có thể truyền bệnh cho 8-9 người. Biến chủng này có thể truyền từ những người đã tiêm phòng và có khả năng gây bệnh thể nặng hơn so với những biến chủng trước.

"Hãy thừa nhận rằng cuộc chiến đã thay đổi. Hãy tăng cường tuyên truyền về rủi ro cả ở những người đã tiêm vắc xin", tài liệu của CDC nhấn mạnh.

Biến chủng Delta được phát hiện lần đầu tiên tại Ấn Độ vào đầu năm nay và nhanh chóng đẩy Ấn Độ vào cuộc khủng hoảng chưa từng có với hàng trăm ca nhiễm mới, hàng nghìn người tử vong mỗi ngày ở giai đoạn đỉnh dịch tháng 4 và tháng 5. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Delta đã lây lan ra 132 quốc gia, vùng lãnh thổ và tiếp tục biến đổi. Tính đến ngày 3/8, thế giới đã ghi nhận hơn 200 triệu ca Covid-19, tăng gấp đôi so với hồi cuối tháng 1.

Thậm chí những nơi từng được coi là hình mẫu chống dịch như các quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á đến nay cũng phải chật vật đối phó làn sóng lây nhiễm mới, gây sức ép lớn cho hệ thống y tế.

Một số nước như Singapore, Israel hay các nước châu Âu có kế hoạch mở cửa, trở lại cuộc sống bình thường sau khi về cơ bản kiểm soát được làn sóng Covid-19 đầu tiên nhờ chương trình tiêm chủng nhanh chóng và các biện pháp hạn chế hiệu quả. Tuy nhiên, sự xuất hiện của Delta đã ít nhiều làm thay đổi kế hoạch này, buộc các nước áp đặt trở lại các biện pháp hạn chế và điều chỉnh chiến lược ứng phó.

 "Dập dịch mềm" và sống chung với Covid-19

Delta đang thay đổi cuộc chiến chống đại dịch của thế giới - 2

Nhiều nước đã thay đổi chiến lược ứng phó để sống chung với Covid-19 (Ảnh minh họa: Tân Hoa Xã).

Chỉ 4 tuần sau khi Israel xóa bỏ mọi quy định về giãn cách xã hội, đeo khẩu trang, chính phủ nước này tháng trước tiếp tục yêu cầu người dân đeo khẩu trang trở lại vì số ca nhiễm tăng trở lại với sự xuất hiện của Delta. Tuy nhiên, chiến dịch ứng phó Covid-19 của Israel đã có sự thay đổi.

Theo chính sách mới được gọi là "dập dịch mềm", chính phủ Israel muốn người dân học cách sống chung với virus - áp đặt các biện pháp ít hạn chế nhất có thể, đồng thời tránh phong tỏa toàn quốc lần 4 để giảm thiểu thiệt hại về kinh tế.

Vì hầu hết công dân thuộc các nhóm nguy cơ đều đã tiêm vắc xin, Thủ tướng Naftali Bennett đánh giá sẽ có ít người nhiễm ở mức nghiêm trọng khi dịch bệnh gia tăng trở lại. Tất nhiên, việc thực thi chiến lược này sẽ bao gồm theo dõi sự lây lan, khuyến khích tiêm vắc xin, xét nghiệm nhanh, kết hợp với các chiến dịch tuyên truyền về khẩu trang.

"Chiến lược này sẽ kéo theo những rủi ro nhất định, nhưng xét về tổng thể, bao gồm cả các yếu tố kinh tế, đây là sự cân bằng cần thiết", Reuters dẫn lời ông Bennett hồi tháng 7.

"Sống chung với Covid-19" cũng là quan điểm của chính phủ Anh khi quyết định dỡ bỏ gần như toàn bộ các biện pháp hạn chế, cho phép người dân trở lại cuộc sống bình thường từ ngày 19/7. Bất chấp việc vẫn ghi nhận hàng chục nghìn ca nhiễm mỗi ngày do biến chủng Delta, nhưng tỷ lệ tử vong vì Covid-19 ở Anh hiện tương đối thấp, chỉ khoảng hơn 100 ca/ngày.

Khi đưa ra quyết định gây nhiều tranh cãi, Thủ tướng Boris Johnson thừa nhận số ca nhiễm, nhập viện và tử vong có thể tăng trong thời gian ngắn nhưng ông hy vọng rằng việc tiêm chủng nhiều hơn sẽ giúp Anh vẫn có thể kiểm soát được đại dịch đồng thời mở cửa kinh tế. Đến nay, Anh đã tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 đầy đủ cho khoảng 70% dân số, trong khi gần 90% dân số đã được tiêm ít nhất một liều.

Giống như Israel hay Anh, giới chức Singapore cũng bắt đầu có sự điều chỉnh chiến lược ứng phó Covid-19 theo hướng tập trung hạn chế tối đa số ca bệnh nặng và tử vong thay vì khống chế số ca nhiễm trước sự lây lan của Delta.

Kế hoạch của giới chức Singapore là nới dần các biện pháp hạn chế. Dữ liệu ca nhiễm hàng ngày sẽ không còn là yếu tố hàng đầu chi phối các quyết định ứng phó, thay vào đó, tập trung vào các dữ liệu về số ca nhập viện, số ca bệnh nặng và số ca tử vong để hạn chế những điều này.

Vắc xin được coi là công cụ hữu hiệu cho chiến lược trên cùng với sự hỗ trợ của các biện pháp hạn chế không quá khắt khe. Ước tính, Singapore đã tiêm chủng đầy đủ cho khoảng 50% dân số, nước này sẽ tiếp tục tăng tốc chương trình tiêm chủng bằng nhiều biện pháp như cung cấp dịch vụ tiêm tận nhà cho người cao tuổi hoặc người cao tuổi có thể đến bất cứ trung tâm tiêm chủng nào mà không cần đăng ký trước.

Xét nghiệm diện rộng và tiêm vắc xin mũi 3

Delta đang thay đổi cuộc chiến chống đại dịch của thế giới - 3

Israel là quốc gia đầu tiên triển khai tiêm vắc xin ngừa Covid-19 mũi 3 cho người trên 60 tuổi (Ảnh: Reuters).

Một trong những biện pháp mà Trung Quốc dùng để đối phó với Delta - biến chủng đang gây ra một đợt bùng phát rộng nhất ở nước này kể từ sau đợt bùng phát ở Vũ Hán cuối năm 2019.

Hàng loạt thành phố ở Trung Quốc đã tiến hành xét nghiệm toàn dân sau khi phát hiện các ca bệnh liên quan đến ổ dịch ở sân bay Nam Kinh hồi giữa tháng 7. Đặc biệt, Nam Kinh, vùng dịch lớn nhất hiện nay ở Trung Quốc, đã bắt đầu đợt xét nghiệm lần thứ 4 cho hơn 9 triệu dân. Giới chức Vũ Hán đầu tuần này cũng thông báo xét nghiệm toàn bộ hơn 11 triệu dân sau khi ghi nhận các ca nhiễm đầu tiên trong cộng đồng sau hơn một năm.

Cùng với xét nghiệm diện rộng, các địa phương ở Trung Quốc cũng siết các biện pháp phòng dịch như yêu cầu người dân không ra khỏi thành phố nếu không có lý do cần thiết, áp dụng quy định nghiêm ngặt với những người đến từ vùng dịch.
Ngoài các biện pháp trên, để đối phó với biến chủng Delta, một số nước đã cân nhắc việc tiêm vắc xin mũi thứ 3 để tăng cường miễn dịch. Từ 1/8, Israel trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai tiêm mũi tăng cường cho người trên 60 tuổi.

Theo Thủ tướng Israel Bennett, nghiên cứu cho thấy, khả năng miễn dịch của vắc xin sẽ giảm dần theo thời gian, việc tiêm mũi thứ 3 sẽ góp phần cường hệ thống miễn dịch, giảm nguy cơ lây nhiễm và giảm nguy cơ bệnh nặng và tử vong vì Covid-19.

Hãng dược Pfizer của Mỹ cho biết, họ đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng để xác định hiệu quả của hai loại vắc xin tăng cường gồm mũi thứ 3 của Pfizer hiện tại và liều vắc xin thứ 3 phiên bản mới. Pfizer tin rằng, mức độ bảo vệ của hai liều vắc xin Pfizer sẽ giảm dần theo thời gian, nên có thể phải tiêm liều thứ ba sau 6-12 tháng. Hãng Moderna cũng cho biết đang nghiên cứu có cần thiết tiêm mũi thứ 3 hay không.

Trong khi đó, CDC Mỹ và Cục Quản lý Thực và Dược phẩm Mỹ nói rằng, hiện chưa có đủ dữ liệu cho thấy việc tiêm liều thứ 3 là cần thiết. Theo hai cơ quan này, những người tiêm đủ vắc xin đã được bảo vệ khỏi bệnh nặng và tử vong, bao gồm cả các biến chủng đang lưu hành như Delta.