DEA dành ngân sách khổng lồ nuôi dưỡng đội quân chỉ điểm
Không có gì bí mật trong chuyện Cơ quan Bài trừ Ma túy Mỹ (DEA) sử dụng một đội quân chỉ điểm hùng hậu bao gồm những người bị ép buộc hay dụ dỗ để chia sẻ thông tin mật cho cơ quan hành pháp...
... Và họ chấp nhận hợp tác vì tiền hay cũng nhằm thoát khỏi một số vấn đề rắc rối với luật pháp.
Mới đây, một tài liệu kiểm toán được Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) công bố tiết lộ DEA dành khoản ngân sách đến hàng triệu USD trong vòng 5 năm để nuôi dưỡng hàng ngàn phần tử chỉ điểm - trong đó bao gồm nhân viên giao hàng, nhân viên công ty xe buýt và cả nhân viên Cơ quan An ninh Giao thông (TSA).
Theo hồ sơ báo cáo kiểm toán từ năm 2010 đến 2015 được Tổng thanh tra DOJ công bố hồi cuối tháng 9 vừa qua, DEA có hơn "18.000 nguồn thông tin mật với 9.000 nguồn trong số đó được trả xấp xỉ 237 triệu USD cho dịch vụ hay thông tin mà họ cung cấp".
Để so sánh, Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) sử dụng khoảng 15.000 nguồn thông tin mật. Đội quân chỉ điểm này đã làm việc cho DEA trong nhiều năm hay thậm chí nhiều thập niên.
Theo báo cáo của DOJ, đội quân chỉ điểm được DEA trả tiền để tìm kiếm thông tin nhạy cảm về hàng hóa và nhân viên chứa trong cơ sở dữ liệu các công ty tư nhân nhằm hỗ trợ nhiệm vụ chống ma túy của cơ quan. Hồ sơ kiểm toán xác định ít nhất 33 nguồn của DEA làm việc trong Tổng công ty đường sắt Amtrak - trong đó bao gồm nhân viên soát vé, tiếp viên đường sắt - và họ được trả tổng cộng hơn 1,4 triệu USD trong hơn 4 năm.
Hàng ngày, những nguồn từ Amtrak sẽ cung cấp cho DEA dữ liệu về các bảng kê khai hàng hóa hành khách kết hợp với một số thông tin khác giúp cho đặc vụ cơ quan tiến hành những biện pháp kiểm tra cần thiết.
Trong một trường hợp, DOJ xác định một nhân viên Amtrak làm việc cho DEA trong suốt 20 năm và được trả số tiền lên đến 962.615 USD. Trong một cuộc tiếp xúc với báo chí, đại diện Amtrak tiết lộ công ty "tham gia vào một đơn vị đặc nhiệm phối hợp với DEA để chia sẻ thông tin tình báo về hành vi nghi ngờ tội phạm và không tính phí với chính quyền liên bang".
Đại diện Amtrak cũng tuyên bố "DEA đã vi phạm luật pháp liên bang khi sử dụng nhân viên Amtrak để mua những thông tin mà lẽ ra cơ quan được cung cấp miễn phí. Amtrak không dung thứ cho sự lừa dối, lãng phí, lạm dụng hay bất cứ hành vi nào trái ngược với những giá trị và chuẩn mực hành vi của công ty. Nhân viên chúng tôi không được phép chia sẻ thông tin do cá nhân thu thập".
DOJ cũng phát hiện ít nhất 8 nhân viên TSA đã bí mật làm người chỉ điểm cho DEA. Theo điều tra của DOJ, một số người chỉ điểm của DEA cũng làm việc cho các công ty xe buýt liên thành phố tư nhân cũng như trong ngành hàng không dân dụng. DOJ đặc biệt tập trung vào những người chỉ điểm của DEA làm việc trong ngành chuyển phát bưu kiện và hàng hóa.
Bởi vì, theo báo cáo DOJ, những người này "có thể sử dụng cơ sở dữ liệu công ty, kiểm tra hàng hóa trên đường đi hay có quyền mở bưu kiện mà không cần giấy phép". Trong một trường hợp, DOJ phát hiện một nhân viên công ty chuyển phát bưu kiện làm việc cho DEA suốt 12 năm và được trả hơn 1 triệu USD!
Trong suốt thời gian làm việc bí mật cho DEA, nhân viên này đã mở hàng trăm gói hàng hóa nhưng không hề phát hiện thấy ma túy. Ngoài ra, DEA cũng trả tiền cho nhân viên cơ quan chính quyền để làm tai mắt cho họ. Tài liệu báo cáo kiểm toán của DOJ cũng đề cập đến việc DEA chi trả hàng triệu USD cho hàng trăm "nguồn thông tin" có rắc rối với luật pháp (có lệnh bắt giữ hay phạm tội nặng) chấp thuận làm việc cho cơ quan để được "bảo lãnh" thân phận. Trong một trường hợp, người chỉ điểm (bị kết tội khai man tại tòa án) được DEA trả hơn 400.000 USD trong 5 năm.
Phòng Tình báo bí mật (IG) của DEA không cung cấp danh sách những khoản tiền trả cho đội quân chỉ điểm, song văn phòng IG tiết lộ "trong suốt giai đoạn 5 năm, IG đã trả hơn 30 triệu USD cho những nguồn cung cấp tin tình báo liên quan đến tội phạm ma túy và có đóng góp cho các chiến dịch của cơ quan, song 25 triệu USD trong số đó dành riêng trả cho chỉ 9 nguồn".
Cựu chuyên gia phân tích thông tin tình báo DEA Sean Dunagan cho rằng đội quân chỉ điểm sẽ là vấn đề đáng lo ngại nếu thiếu sự kiểm soát và chính sách quản lý chặt chẽ. Hiện nay, Sean Dunagan là thành viên tổ chức phi lợi nhuận LEAP (Thực thi Pháp luật chống Lệnh cấm).
Michael German, thành viên Trung tâm Công lý Brennan Trường Luật Đại học New York, đánh giá: "Nếu các chính sách về đội quân chỉ điểm lỏng lẻo, tôi thấy rất lo ngại về những gì xảy ra ở hải ngoại". Thực tế là vào năm 2014, báo chí Mỹ phanh phui vụ DEA dính líu đến chương trình gián điệp tuyệt mật NSA (Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ) thu thập thông tin của mỗi cuộc gọi điện thoại di động ở Bahamas.
Theo Di An (tổng hợp)
An ninh thế giới