1. Dòng sự kiện:
  2. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Băng đảng ma túy giúp IS xâm nhập vào Mỹ?

Ngày 14-2, Giám đốc CIA John Brennan cảnh báo, IS sẽ thực hiện các cuộc tấn công tại Mỹ và CIA biết tổ chức khủng bố này lập kế hoạch tấn công ở đâu đó vài ngày trước khi xảy ra vụ khủng bố tại Paris tối 13-11-2015.

Trước đó (11-2), ông John Brennan cũng khuyến cáo, IS đã sử dụng vũ khí hóa học tại Iraq, Syria và có khả năng chế tạo một lượng nhỏ khí clo hoặc hơi ngạt ở cấp độ vũ khí. Phát biểu tại hội nghị an ninh Munich, Đức lần thứ 52, Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ James Clapper cảnh báo về nguy cơ IS có thể sử dụng vũ khí hóa học khủng bố các quốc gia phương Tây, đồng thời đề nghị các nước hữu quan cùng dân chúng nâng cao cảnh giác trước nguy cơ này.

Giám đốc Cơ quan tình báo quân đội Mỹ Vincent Stewart cũng cho rằng, IS có thể tiến hành khủng bố ở châu Âu và Mỹ trong năm 2016. Ngày 9-2, Trung tướng Vicent Stewart cho biết, IS có thể đang âm mưu tiến hành các vụ tấn công nhằm vào nước Mỹ trong năm nay.

Cảnh sát vũ trang Mỹ bảo vệ một ga tàu điện ngầm.
Cảnh sát vũ trang Mỹ bảo vệ một ga tàu điện ngầm.

Trong khi đó, Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ James Clapper bày tỏ quan ngại trước thông tin cho rằng, IS đã chiếm giữ các cơ sở cấp hộ chiếu của Syria, và từ đầu năm 2016 đến nay đã có khoảng 60 đối tượng liên quan tới IS bị bắt giữ tại Mỹ. Giới truyền thông cho biết, cuộc chiến chống IS có thể ngốn tới 7,5 tỷ USD trong dự thảo ngân sách tài khóa 2017 của Mỹ, tăng 50% so với năm trước.

Trước đó, ông Scott Mann, cựu Trung tá của lực lượng đặc nhiệm lục quân Mỹ (Green Berets) còn khuyến cáo, các tổ chức khủng bố như IS đang tìm mọi cách để xâm nhập vào Mỹ, trong đó có việc vãi tiền nhằm thuyết phục các băng đảng buôn bán ma túy giúp đỡ thực hiện âm mưu này. Theo ông Scott Mann (từng hoạt động tại Colombia, Ecuador, Peru và Panama), IS muốn tận dụng mạng lưới narcoterrorism (tổ chức khủng bố được tài trợ từ việc buôn bán ma túy) để vận chuyển hàng và người của chúng vào Mỹ.

Các quan chức Mỹ cũng cảnh báo về tình trạng 1.900 kẻ cực đoan từng gia nhập IS đã trở về châu Âu, khiến nguy cơ khủng bố tại châu Âu leo thang lên mức chưa từng thấy, trong đó Pháp và Bỉ là 2 quốc gia đối mặt với nguy cơ lớn nhất. Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian cũng từng cho rằng, việc các tay súng IS trà trộn vào dòng người tị nạn từ Libya tới Italia đang tạo ra một nguy cơ nghiêm trọng đối với châu Âu.

Theo ông Jean-Yves Le Drian, IS hiện chỉ cách đảo Lampedusa của Italia 350km và đó là một nguy cơ lớn. Hãng CNN vừa dẫn lời một quan chức cấp cao châu Âu tiết lộ, trước vụ khủng bố tại Paris tối 13-11-2015, IS đã triển khai 60 tay súng tới châu Âu để “tắm máu” 5 thành phố lớn như London (Anh), Berlin (Đức), Brussels (Bỉ)... và Abu Mohammed al-Adnani là kẻ chỉ huy các vụ tấn công quy mô này.

Trước đó, khi trả lời phỏng vấn đài phát thanh RMC hôm 4-2, chị Sonia (bạn của Hasna Aitboulahcen, em họ của Abdelhamid Abaaoud - kẻ tình nghi chủ mưu vụ khủng bố tại Paris), người đã báo cho cảnh sát về tung tích của Abdelhamid Abaaoud, cảm thấy bị chính quyền bỏ rơi và sợ bị IS trả thù.

Ngày 11-2, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cho biết, các nước đồng minh NATO đã nhất trí xem xét đề nghị của Đức, Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp về việc giúp hạn chế dòng người tị nạn đổ vào châu Âu. Cùng ngày 11-2, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã chỉ trích Liên minh châu Âu và Liên hợp quốc gây sức ép nhằm mở các cửa khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ để tiếp nhận thêm người tị nạn, đồng thời đe dọa Ankara sẽ gửi hàng triệu người tị nạn ở nước này tới các quốc gia khác.

Trước đó, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve và người đồng cấp Anh Theresa May cho biết, Paris và London sẽ tăng cường hợp tác để triệt phá các mạng lưới buôn người và chống tình trạng di cư trái phép. Trong khi đó, Giám đốc Europol Rob Wainwright cho biết, chỉ trong năm 2015, các băng nhóm tội phạm buôn người đã kiếm khoảng 3-6 tỷ USD từ việc đưa người di cư trái phép từ các nước Trung Đông tới châu Âu và thu nhập này tương đương với lợi nhuận từ buôn lậu ma túy.

Ông Rob Wainwright cũng nhấn mạnh, chỉ tính riêng năm 2015, Europol đã phát hiện 10.700 kẻ tình nghi tham gia vào hoạt động bất hợp pháp này. Viện Chính sách France Strategie thuộc Chính phủ Pháp vừa cảnh báo, việc kiểm soát biên giới tại châu Âu sẽ khiến các nước thuộc khu vực Schengen mất khoảng 110 tỷ euro trong thập kỷ tới.

Ngày 10-2, mạng Zee News dẫn cảnh báo của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon về nguy cơ IS đang vươn vòi bạch tuộc tới Nam Á thông qua các tổ chức như Tehreek-e-Khilafat ở Pakistan. Trước đó (6-2), Ngoại trưởng Serbia Ivica Dacic đã bày tỏ mối lo ngại trước các diễn biến ngày càng xấu đi liên quan đến cuộc khủng hoảng di cư đối với Serbia và các nước Balkan một khi ngừng thực thi Hiệp ước Schengen.

Theo Tuệ Sỹ

Cảnh sát toàn cầu