1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Đế chế kinh doanh của nhà Trump ra sao sau khi ông rời Nhà Trắng?

Minh Phương

(Dân trí) - Khi vài ngày nữa Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể trở lại với công việc kinh doanh thì cũng là lúc đế chế kinh doanh của gia đình ông đối mặt với vô vàn thách thức cả về tài chính và pháp lý.

Đế chế kinh doanh của nhà Trump ra sao sau khi ông rời Nhà Trắng? - 1
Tập đoàn của gia đình Trump có thể đối mặt không ít thách thức sau khi ông rời Nhà Trắng. (Ảnh minh họa: EPA)

Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ hết nhiệm kỳ sau một tuần nữa nhưng những "sóng gió" với vị tổng thống xuất thân từ tỷ phú này chưa có dấu hiệu dừng lại. Các thành viên Dân chủ ở Hạ viện Mỹ đang tìm cách luận tội và phế truất ông ở những ngày cuối cùng nhiệm kỳ với cáo buộc ông "kích động bạo lực" trong vụ bạo loạn ở trụ sở quốc hội hôm 6/1.

Giới chuyên gia cho rằng, kịch bản ông Trump bị phế truất khó xảy ra, nhưng ông hoàn toàn có thể bị luận tội lần hai sau cuộc bỏ phiếu dự kiến vào hôm nay của Hạ viện. Những gì xảy ra tuần qua và những ngày sắp tới sẽ càng làm tăng thêm những thách thức cho Trump Organization - đế chế kinh doanh của gia tộc Trump.

Thách thức tài chính

Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến công việc kinh doanh của gia đình ông Trump, mặc dù vậy lãnh đạo của Trump Organization vẫn khẳng định công việc kinh doanh của tập đoàn vẫn rất tốt với "vốn chảy vào mạnh". "Chúng tôi chưa bao giờ mạnh thế này", họ nói.

Ban điều hành của Trump Organization nói rằng trọng tâm của họ sẽ là mở rộng thương hiệu ra toàn cầu khi ông Trump kết thúc nhiệm sở. Tuy nhiên, kế hoạch này chắc chắn phải đối mặt không ít thách thức.

Tại Trung Quốc, một thị trường tiềm năng cho Trump Organization, chiến tranh thương mại đã khiến mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới căng thẳng. Tại châu u, một số thương hiệu của nhà Trump đã bị hủy bỏ do các thách thức pháp lý. Tại Scotland, Trump Organization đã chi hơn 100 triệu USD để mua và nâng cấp khu nghỉ dưỡng kết hợp sân golf Turnberry năm 2014. Kể từ đó đến nay, nó vẫn chưa mang lại lợi nhuận cho gia đình ông Trump.

Trump Organization có thể sẽ phải sớm cắt giảm quy mô, phải rao bán một số bất động sản như khách sạn hạng sang ở Washington, hai tòa tháp ở New York và San Francisco. Ngoài ra, tập đoàn này cũng có thể cân nhắc chuyển nhượng tòa nhà Seven Springs ngoại ô thành phố New York.

Đế chế kinh doanh của nhà Trump ra sao sau khi ông rời Nhà Trắng? - 2
Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: AFP)

Thách thức chưa dừng lại ở đó, nguồn tin của CNN đầu tuần này cho biết, ngày càng nhiều doanh nghiệp cắt hoặc cân nhắc cắt quan hệ làm ăn với nhà Trump sau vụ bạo động ở quốc hội hôm 6/1.

Shopify đã ngừng các gian hàng online của Trump Organization. Trong khi đó, PGA thông báo sẽ rút một giải golf lớn của họ khỏi khu nghỉ dưỡng của ông Trump. Giải đấu này tuy không phải là nguồn mang lại lợi nhuận chính cho nhà Trump, nhưng là một sự kiện quốc tế có giá trị quảng cáo thương hiệu Trump, đặc biệt khi ông sở hữu 16 câu lạc bộ golf trên thế giới.

Hiện chưa rõ ông Trump có ý định tiếp quản trở lại điều hành Trump Organization sau khi rời Nhà Trắng hay không. Ông đã bàn giao công việc này cho hai con trai khi trở thành chủ nhân Nhà Trắng.

Thách thức pháp lý

Ngoài các thách thức tài chính, Trump Organization cũng phải đối mặt với các thách thức pháp lý. New York sẽ tiếp tục điều tra công việc làm ăn của tập đoàn này sau khi ông Trump rời Nhà Trắng. Trong hồ sơ tòa án, các công tố viên đề xuất rằng cuộc điều tra này có thể xác minh liệu ông Trump và tập đoàn gia đình ông có dính líu tới các gian lận ngân hàng, gian lận bảo hiểm, gian lận thuế và giả mạo các hồ sơ kinh doanh hay không. Trump Organization nhiều lần bác bỏ cáo buộc và cho rằng các cuộc điều tra này mang mục đích chính trị.

Khi ông Trump làm tổng thống, Trump Organization tuyên bố tạm ngừng các thương vụ làm ăn với nước ngoài. Con trai Eric Trump cho biết trong một cuộc trả lời phỏng vấn hồi mùa hè năm ngoái rằng phát triển toàn cầu là trọng tâm khi cha rời nhiệm sở.

Gần đây, Trump Organization đã thua hàng loạt vụ kiện về độc quyền sử dụng thương hiệu Trump ở các nước Liên minh châu u (EU). Các thách thức về thương hiệu có thể làm phức tạp nỗ lực của tập đoàn gia đình ông Trump trong việc sử dụng nhãn hiệu trên nhiều lĩnh vực kinh doanh, trong đó có bất động sản, sòng bạc và golf.

Đó là thách thức với đế chế kinh doanh của gia đình, còn ở thời điểm hiện tại, bản thân ông Trump cũng đang đối mặt với thách thức pháp lý ở những người cuối cùng của nhiệm kỳ. Ông có thể sẽ trở thành tổng thống đầu tiên trong lịch sử Mỹ bị luận tội hai lần và nếu bị kết tội ở Thượng viện, ông sẽ bị phế truất, bị cấm tái tranh cử và bị tước nhiều quyền lợi dành cho cựu tổng thống.

Cơ hội kinh doanh mới

Đế chế kinh doanh của nhà Trump ra sao sau khi ông rời Nhà Trắng? - 3
Thay vì bất động sản, khách sạn, ông Trump có thể có cơ hội ở trong các lĩnh vực kinh doanh khác sau khi rời Nhà Trắng. (Ảnh: Reuters)

Michael D'Antonio, một khách mời của CNN, nhận định, khi ông Trump rời nhiệm sở, với hàng chục triệu người hâm mộ, ông vẫn có thể có những cơ hội kinh doanh mới, những nguồn thu mới. Ông Trump có thể lập một mạng truyền thông riêng. Nếu thu hút được 7 triệu lượt đăng ký, chưa đầy 10% số phiếu đã bầu cho ông trong cuộc bầu cử năm 2020, và họ phải trả phí 6 USD/tháng, thì ông Trump vẫn có thể thu về hơn 500 triệu USD/năm.

New York Times cho biết, thậm chí trước khi một số mạng xã hội như Facebook, Twitter xóa vĩnh viễn hoặc khóa vô thời hạn tài khoản của ông Trump, gia đình ông đã cân nhắc lập một mạng truyền thông riêng để phục vụ hàng chục nghìn người vẫn ủng hộ ông. "Không thiếu những cơ hội tốt trong lĩnh vực bất động sản và các lĩnh vực khác", con trai Eric Trump nói.

Ông Trump từng hoạt động trong nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau từ sòng bạc, hàng không, bất động sản đến truyền hình thực tế, có những mô hình thành công và cả những mô hình thất bại. Ở thời điểm này, những thách thức với sự nghiệp kinh doanh của ông còn lớn hơn. Ngay cả khi ông Trump được cho là có cơ hội kiếm bộn tiền từ mạng truyền thông riêng sau khi rời Nhà Trắng, thì trước mắt để làm được điều đó đòi hỏi những nguồn lực lớn, các khoản vay lớn. Đây sẽ là thách thức không nhỏ khi nhiều ngân hàng tuyên bố tạm ngừng làm ăn với ông Trump và gia đình ông.

Ngân hàng Đức Deutsche Bank ngày 12/1 thông báo sẽ không thực hiện thêm bất cứ giao dịch nào với Tổng thống Trump và Trump Organization trong lúc chờ ông trả khoản vay khoảng 300 triệu USD đáo hạn trong vài năm tới. Signature Bank, ngân hàng của Mỹ có trụ sở tại Manhattan, cũng thông báo đóng hai tài khoản của ông Trump có 5,3 triệu USD. Trên trang chủ của mình, Signature Bank thậm chí kêu gọi ông Trump nên từ chức bởi điều đó tốt nhất cho lợi ích quốc gia. Ngân hàng Professional Bank của Mỹ hôm qua cũng tuyên bố sẽ không thực hiện thêm giao dịch với Trump Organization và sẽ ngay lập tức hạn chế mối quan hệ này.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm