1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Davos kết thúc trong nỗi lo bảo hộ mậu dịch sẽ gia tăng

(Dân tri) - Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thuỵ Sĩ đã bế mạc hôm qua với cam kết hợp tác ngăn chặn khủng hoảng tài chính toàn cầu, nhưng vẫn bị phủ bóng bởi nỗi lo bảo hộ mậu dịch sẽ gia tăng.

Davos kết thúc trong nỗi lo bảo hộ mậu dịch sẽ gia tăng  - 1
 
Hơn 40 nguyên thủ các quốc gia cùng 1.400 đại diện kinh tế và các tổ chức quốc tế đã nhấn mạnh cam kết mở cửa và chống lại bảo hộ kinh tế để chung tay đưa kinh tế thế giới vượt qua cuộc khủng hoảng.

Nhiều Bộ trưởng Thương mại và các nhà lãnh đạo chính trị đồng ý rằng gia tăng bảo hộ mậu dịch sẽ làm nghiêm trọng thêm cuộc khủng hoảng kinh tế và hiện là thời điểm hơn lúc nào hết, cần một thoả thuận thương mại để mở cửa nền kinh tế thế giới để khuyến khích cạnh tranh và làm hạ giá cả.

Các đại biểu cũng kêu gọi điều chỉnh cơ cấu tài chính quốc tế, thiết lập trật tự kinh tế mới bằng các quy định mang tính quốc tế chặt chẽ hơn.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng chủ nghĩa bảo hộ sẽ có xu hướng trầm trọng hơn trong năm nay. Nhiều tiếng nói hôm qua đã cảnh báo về nguy cơ các quốc gia sẽ có phản ứng tự vệ là bảo hộ mậu dịch, để chống đỡ khủng hoảng tài chính và kinh tế.

Đề nghị của Tổng thống Mỹ Barack Obama về việc bảo hộ ngành công nghiệp thép nước này đã làm xôn xao diễn đàn Davos. Tất cả các vị nguyên thủ quốc gia có mặt tại đây đều nhất loạt phản đối chính sách bảo hộ mậu dịch, trong khi mà các kế hoạch thúc đẩy kinh tế dù là của châu Âu, châu Á hay Mỹ đều chứa đựng những biện pháp theo kiểu này.
 
Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã thống kê có khoảng hai chục biện pháp như vậy.

Theo ông Pascal Lamy, Tổng giám đốc WTO, điều khó khăn nhất đối với các bộ trưởng thương mại là phải kiềm chế để chính sách bảo hộ mậu dịch đi quá xa.

Ông Pascal Lamy khẳng định rằng các cuộc thương lượng về thương mại của WTO sẽ được đưa vào chương trình của hội nghị thượng đỉnh G20 và ông hy vọng nỗ lực này sẽ  ngăn được chính sách bảo hộ mậu dịch.

Nhật Mai
Theo Reuters, AFP