1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Dấu mốc lịch sử với Myanmar

Cuộc bầu cử tự do và công bằng ngày 8-11 tại Myanmar là bước cuối cùng trong “lộ trình 7 bước” trên con đường xây dựng đất nước hòa bình và dân chủ từ chế độ quân sự cầm quyền.

Dấu mốc lịch sử với Myanmar - 1

Đảng đối lập NLD của bà San Suu Kyi đang dẫn đầu theo kết quả thăm dò dư luận sau cuộc bầu cử ngày 8-11

Phó Chủ tịch Ủy ban Bầu cử liên bang Myanmar (MUEC) Thant Zin Aung cho biết, khoảng 80% trong số 32 triệu cử tri nước này đã đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử tự do đầu tiên suốt 25 năm qua. Những kết quả thăm dò dư luận đầu tiên cho thấy, đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) đối lập của bà San Suu Kyi chiếm ưu thế lớn so với đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển (USDP) cầm quyền.

Dù chưa có kết quả chính thức song Chủ tịch Quốc hội kiêm Chủ tịch Hạ viện Myanmar U Shwe Mann, một đại diện của đảng USDP cầm quyền, đã lên tiếng thừa nhận thất bại và gửi lời chúc mừng tới đối thủ của mình. Trong khi đó, theo các nguồn tin từ NLD, Chủ tịch đảng này là bà Aung San Suu Kyi đã chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử với việc giành được 1 ghế Hạ viện trong Quốc hội nhiệm kỳ tới.

Với những dự báo giành chiến thắng lớn trong cuộc tổng tuyển cử ngày 8-11, đảng NLD của lãnh tụ đối lập San Suu Kyi có thể từ vị trí đảng đối lập trở thành đảng cầm quyền. Tuy nhiên, bà San Suu Kyi không thể trở thành nhà lãnh đạo mới của Myanmar bởi nhà lãnh đạo đối lập này có chồng và con mang quốc tịch Anh.

Giới phân tích cho rằng trong trường hợp NLD của bà San Suu Kyi lên cầm quyền thì có khả năng xảy ra xung đột với lực lượng quân đội mà hiện vẫn đóng vai trò quyết định trên chính trường Myanmar. Tuy nhiên, giới quân sự Myanmar đã lên tiếng trấn an rằng, họ tôn trọng kết quả bầu cử tự do,  công bằng và hợp tác với bất cứ chính đảng nào lên cầm quyền sau cuộc bầu cử thể hiện ý chí và nguyện vong của cử tri.

Myanmar liên tục chìm trong các khủng hoảng chính trị và xung đột sắc tộc kể từ khi giành độc lập từ Anh năm 1948, trong đó nhiều chục năm được điều hành bởi chính quyền quân sự. Trong nỗ lực hòa giải để có môi trường hòa bình và ổn định, lực lượng quân đội và các đảng phái chính trị từ năm 2003 đã đạt được thỏa thuận về “Lộ trình 7 bước” nhằm xây dựng và phát triển đất nước. Cuộc bầu cử tự do, công bằng và dân chủ ngày 8-11 chính là bước cuối cùng trong lộ trình này.

Cũng không phải đợi đến cuộc bầu cử được xem là một cột mốc lịch sử, Myanmar từ sau khi có bản Hiến pháp mới năm 2008 để chuyển giao từ chính quyền quân sự sang chính quyền dân sự đã bước chuyển nhanh theo hướng dân chủ hóa cả về chính trị và kinh tế-xã hội. Đây chính là những tiền đề quyết định để quốc gia ASEAN không chỉ cải thiện rất nhanh các quyền cơ bản của người dân mà còn phát triển mạnh mẽ thời gian qua.

Những năm qua, Myanmar với những chính sách đổi mới và mở cửa mạnh mẽ đã trở thành một thị trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn ở Đông Nam Á với hơn 60 triệu dân, đồng thời cũng có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực.

Cho dù hiện vẫn là một trong những nước nghèo nhất Đông Nam Á với thu nhập khoảng 900 USD/người/năm song Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự đoán kinh tế Myanmar sẽ đạt nhịp độ tăng trưởng bình quân khoảng 9,5%/năm tới năm 2030 và GDP cũng sẽ tăng lên gần 5.000 USD vào năm 2030. Dấu mốc lịch sử ngày 8-11 vì thế không chỉ hoàn tất một “lộ trình lịch sử” mà còn được xem là điểm tựa then chốt để Myanmar phát triển mạnh mẽ hơn về mọi mặt thời gian tới.

Theo Hoàng Hà

An ninh Thủ đô

Dấu mốc lịch sử với Myanmar - 2