1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Đâu là trung tâm khoa học mới của thế giới

(Dân trí) - Chính sách thu hút nhân tài hấp dẫn, ngân sách dành cho nghiên cứu dồi dào và những tham vọng lớn đang biến châu Á thành trung tâm khoa học mới của thế giới.

Nếu xu hướng này tiếp tục được duy trì, nhiều nước trong khu vực sẽ vươn lên thách thức sự thống trị về khoa học-công nghệ của Mỹ và châu Âu. 

Châu Á có tiềm năng nghiên cứu rất lớn

 

Một buổi sáng cách đây vài năm, nhà khoa học Wang Zhugang, khi đó đang làm việc tại Trung tâm nghiên cứu ung thư Memorial Sloan-Kettering (New York) bất ngờ nhận được một cú điện thoại gọi đến từ Thượng Hải. Người nói chuyện ở đầu dây bên kia tự giới thiệu là một quan chức cao cấp của Bộ Khoa học Công nghệ Trung Quốc, mời ông về nước làm việc.

 

Ban đầu, Wang Zhugang từ chối. Ông đang có một vị trí tương đối tốt tại một viện nghiên cứu hàng đầu thế giới, tại sao lại phải rời bỏ tất cả để đến với những cơ sở khoa học của Trung Quốc, mà theo ông là vẫn nghèo nàn, lạc hậu. Nhưng đối tác lại giới thiệu cho ông một viễn cảnh rất hấp dẫn: Wang sẽ được cấp hàng chục triệu đôla để xây dựng một cơ sở nghiên cứu hiện đại, con gái ông sẽ được học trong trường tốt nhất thành phố, đặc biệt, ông sẽ được cung cấp không giới hạn các loại chuột để thí nghiệm. Wang xiêu lòng trước những lời đề nghị đó và năm 2001, ông về nước thành lập Trung tâm nghiên cứu mô hình sinh học Thượng Hải.

 

Trong 5 năm qua, trung tâm nghiên cứu này đã tạo ra hơn 100 giống chuột biến đổi gien để giải mã bí ẩn về những căn bệnh nan y như ung thư, tiểu đường. Dự kiến năm tới, Wang sẽ chuyển tới một phòng thí nghiệm mới trị giá 25 triệu đôla, có đủ hạ tầng nuôi tới 150.000 con chuột để nghiên cứu.

 

Với những thành tựu khoa học vượt bậc trong mấy năm qua, liệu có thể dự báo châu Á sẽ là nơi diễn ra một cuộc cách mạng khoa học mới? Ai cũng biết châu Á đã có nhiều phát minh quan  trọng trong lịch sử nhân loại - giấy, la bàn, tiêm chủng phòng bệnh đậu mùa, thậm chí số không (0) cũng được châu Á nghĩ ra đầu tiên. Trong thiên niên kỷ thứ nhất, châu Á từng phát triển mạnh hơn các châu lục khác. Do chính sách sai lầm của giới cai trị mà từ thế kỷ 18 họ dần dần bị châu Âu qua mặt.

 

Nhưng hiện nay, tình hình đã thay đổi. Dường như các nước châu Á không còn bằng lòng với vị trí thấp kém trên thang bậc khoa học công nghệ của thế giới, với những sản phẩm rẻ tiền chất lượng thấp như cây thông Noel, linh kiện máy tính nhái... Ngược lại, đầu tư khoa học công nghệ ở nhiều nước có nền kinh tế mới nổi đang không ngừng gia tăng. Từ năm 1995-2005, Trung Quốc đã tăng gấp đôi tỷ trọng ngân sách dành cho nghiên cứu khoa học trong GDP, từ 0,6% lên 1,3%. Ngân sách nghiên cứu khoa học của Hàn Quốc cũng tăng từ 9,8 tỷ USD năm 1994 lên 19,4 tỷ USD năm 2004.

 

Nguồn tài chính dồi dào này đã hút về nước nhiều nhà khoa học gốc châu Á từ phương Tây, nơi mà chi phí cho khoa học đang giảm dần (ngân sách liên bang dành cho nghiên cứu khoa học tại Mỹ giảm đều đặn trong 30 năm qua, hiện chỉ còn chiếm 0,05% GDP năm 2003). Riêng Trung Quốc đã thu hút 200.000 chuyên gia hàng đầu về nước, trong đó phần lớn là những sinh viên do chính nước này đưa ra nước ngoài đào tạo và có bằng cấp cao.

 

Đầu tư vào khoa học bước đầu đã có kết quả: Số liệu của Hiệp hội khoa học Mỹ cho biết, tỷ lệ hàng hoá xuất khẩu có hàm lượng khoa học công nghệ cao từ châu Á đối với thế giới đã tăng từ 7% năm 1980 lên 25% năm 2001, trong khi tỷ lệ của Mỹ giảm từ 31% xuống 18%. Cũng  trong thời gian này, số lượng báo cáo khoa học được xuất bản của châu Á đã tăng từ 16% năm 1990 lên 25% năm 2004. Nhà hóa học được giải thưởng Nobel Richard Smalley dự báo đến năm 2010, khoảng 90% số nhà khoa học có bằng Tiến sĩ sống ở châu Á.

 

Các nhà nghiên cứu châu Á thường tập trung vào các lĩnh vực tương đối mới mẻ, nhưng có tiềm năng ứng dụng thực tiễn. Chỉ sau hai năm ưu tiên phát triển công nghệ nano, năm 2004 Trung Quốc đã trở thành nước có nhiều bài báo được đăng tải về lĩnh vực này thứ hai thế giới. “Hiện nay ở các công ty công nghệ cao của Mỹ, có tới phân nửa nhân sự là người châu Á. Và họ đang chuẩn bị sẵn sàng về nước. Với đội ngũ này, châu Á đủ khả năng tiến hành một cuộc cách mạng khoa học mới”, nhà khoa học người Ấn Độ Sri Kumar nói. Năm ngoái, ông Kumar đã rời Chicago về Bangalore để thành lập một công ty nghiên cứu công nghệ sinh học.

 

Động lực lớn từ đầu tư của nhà nước

 

Cách đây mấy năm, Singapore vẫn còn chưa được biết đến trên bản đồ khoa học thế giới. Thế nhưng từ năm 2000, quốc gia nhỏ bé này đã dành 200 hécta trong quỹ đất ít ỏi của mình để thành lập một khu nghiên cứu khoa học hiện đại, đặt tên là One North (lấy theo vĩ độ của Singapore, 1o Bắc), nhằm thu hút các nhà khoa học tới làm việc. Trong vòng 3 năm, tại One North đã mọc lên một trung tâm công nghệ lớn, với trang thiết bị hiện đại bậc nhất thế giới, trung tâm Biopolis. Các nhà khoa học làm việc tại đây đã được cấp 54 bằng phát minh, từ xương nhân tạo dành cho phẫu thuật, kính áp tròng chứa thuốc điều trị mắt cho tới thiết bị phát hiện nhanh bệnh SARS.

 

Năm ngoái, Singapore thành lập thêm một khu nghiên cứu dành cho vật lý - chế tạo, mang tên Fusionopolis. Tuy vậy, với một nước nhỏ chỉ có 4,4 triệu dân, Singapore không thể tự cung cấp đủ chuyên gia cho trung tâm One North, mặc dù nước này đã cử 500 sinh viên đi đào tạo tại nước ngoài. Vì thế, họ áp dụng chính sách “nhập khẩu chất xám”. Trong số các chuyên gia hàng đầu thế giới làm việc tại đây có nhà khoa học Sydney Brenner (người từng dành giải Nobel về di truyền học), Edison Liu (cựu giám đốc nghiên cứu lâm sàng Viện Ung thư quốcgia Mỹ). Một số tập đoàn dược phẩm lớn như Novartis, Eli Lilly đã thiết lập cơ sở nghiên cứu trong Biopolis. Nhà di truyền học người Anh Alan Colma, một trong những “cha đẻ” của cừu Dolly cũng tới có mặt. “Người ta đang xếp hàng để tới làm việc tại đây”, ông David Lane, một trong những chuyên gia về ung thư hàng đầu thế giới, nói. 

 

Nếu Singapore là thử nghiệm nhỏ cho mô hình phát triển khoa học, thì Trung Quốc được coi là cậu thanh niên với nhiều khát vọng lớn. Tháng 2 vừa qua, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã công bố một kế hoạch thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ lớn, trong đó dự tính sẽ tăng ngân sách dành cho R&D hiện nay (khoảng 29,4 tỷ đôla) lên gấp đôi vào năm 2010. Phần lớn nguồn tài chính dồi dào này sẽ được bơm vào các lĩnh vực mà Trung Quốc cho rằng sẽ có tác động dài hạn, như di truyền học, công nghệ nano.

 

Năm 2004, Trung Quốc đã trao 200.000 bằng kỹ sư, 30.000 bằng tiến sỹ, tăng 2,5 lần so với năm 2001. Chính phủ cũng áp dụng biện pháp  khuyến khích các nhà khoa học từ nước ngoài trở về, như giảm thuế tới 90%, hạ giá thuê nhà tại 100 khu công nghệ mới. Hiện nay các nhà khoa học đào tạo ở nước ngoài về chiếm 81% số thành viên của Viện hàn lâm khoa học Trung Quốc. Chính sách thu hút nhân tài này đã phát huy tác dụng. Trong 5 năm qua, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ và Nhật để trở thành nước đầu tiên giải mã thành công bộ gien của lúa, tằm, lợn và gà. Hiện nay, 750 phòng thí nghiệm đa quốc gia đã mở cơ sở tại Trung Quốc và cho ra mắt nhiều phát minh mới có giá trị.

 

Ngoài sự trở về của các nhà nghiên cứu, một nguyên nhân khác tạo nên sự bùng nổ của khoa học châu Á là các tập đoàn lớn ngày càng tìm cách chuyển hướng sản xuất sang châu lục này. Tại Ấn Độ, trung bình cứ một tuần lại có một công ty công nghệ sinh học xuất hiện. Chi phí thử nghiệm thuốc mới tại Ấn Độ chỉ bằng nửa so với phương Tây và có rất nhiều người sẵn sàng cho thí nghiệm trên cơ thể mình. Điều này hấp dẫn nhiều hãng dược phẩm mở cơ sở tại Ấn Độ. Với cách làm như vậy, nhiều người sẽ nghi ngờ chính sách thu hút nghiên cứu khoa học của Ấn Độ, thế nhưng với một nước đang phát triển, đây có thể coi là một hướng đi cần thiết. Nhờ vào nguồn đầu tư từ phương Tây, Ấn Độ có điều kiện đào tạo được một thế hệ các nhà khoa học mới. “Chúng tôi cần xây dựng cơ sở cho những phát minh mới”, bà Kiran Mazumdar-Shaw, giám đốc điều hành công ty Biocon, đồng thời là nữ tỷ phú đầu tiên của Ấn Độ, nói. “Tôi cho rằng cách hay nhất để tạo ra sự nhảy vọt là hãy bắt đầu làm một đối tác tốt”. 

 

Tuy nhiên, nói tới sự phát triển mạnh mẽ của nền khoa học châu Á mấy năm gần đây, cũng phải nhắc tới một vấn nạn đang làm giảm uy tín của các nhà khoa học châu Á trên thế giới: đó là tình trạng giả mạo kết quả nghiên cứu. Gần đây nhất là vụ bê bối liên quan tới tiến sỹ Hwang Woo Suk, người từng được coi là biểu tượng mới của Hàn Quốc khi tuyên bố đã phát triển thành công kỹ thuật nhân bản vô tính tế bào phôi người. Ngoài tiến sỹ Hwang, thực tế đang có không ít nhà khoa học châu Á cũng có những hành động tương tự.

 

Trong một hội nghị khoa học tại Bắc Kinh đầu năm nay, một quan chức chính phủ Trung Quốc công bố kết quả một cuộc thăm dò dư luận cho thấy có 60% trong số 180 nhà khoa học nước này thừa nhận đã hối lộ để công trình của họ được đăng tải trên báo chí. Cũng từng ấy người đã “đạo” công trình của người khác nhận làm của mình. Bên cạnh đó, nạn vi phạm quyền sở hữu trí tuệ phổ biến ít nhiều làm xói mòn khát vọng sáng tạo của giới nhà nghiên cứu. Năm 2004, tiến sỹ Lu Ke phát minh ra thiết bị dán một lớp nano siêu cứng lên bề mặt một vật liệu khác, làm tăng tuổi thọ của máy móc. Nhưng đến nay, những loại máy móc bắt chước thiết bị của ông đang được bán nhan nhản tại Trung Quốc. 

 

Bất chấp những trở ngại này, nền khoa học châu Á vẫn tiếp tục tiến bộ  mạnh mẽ. Sau cú sốc tiến sỹ Hwang, Hàn Quốc tiếp tục là trung tâm nghiên cứu về tế bào gốc của thế giới. Nguồn ngân sách dồi dào của chính phủ là một động lực lớn, nhưng điều quan trọng nhất là sự cần cù của các nhà khoa học đã làm cho trình độ của khoa học Hàn Quốc được nâng lên rõ rệt trên thang bậc thế giới. Ông Chung Hyung Min, giám đốc trung tâm Cha Biotech tại Seoul nói: “Nhiều người cho rằng nghiên cứu tế bào gốc là lĩnh vực ít người muốn lao vào, vì nó đòi hỏi phải lao động cật lực và dài ngày”.

 

Ngọc Nhàn
Theo Time