1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Đâu là ổ tham nhũng lớn nhất Trung Quốc?

Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC), cơ quan điều hành kinh tế vĩ mô với quyền quản lý và lập kế hoạch kiểm soát toàn bộ nền kinh tế, đã trở thành ổ tham nhũng lớn nhất Trung Quốc, tuần báo Pháp Luật ở Bắc Kinh thông tin.

Từ tháng 5 đến tháng 9, có 19 cán bộ đương chức và nguyên lãnh đạo của NDRC (gồm cả Cơ quan Năng lượng Quốc gia và Văn phòng Cải cách và Phát triển Địa phương) bị bắt quả tang tham nhũng.

NDRC là cơ quan có nhiều quan tham nhất trong số 25 cơ quan trực thuộc Hội đồng Nhà nước Trung Quốc, thậm chí lớn hơn cả số quan tham bị điều tra tại tỉnh Sơn Tây trong chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” trên quy mô toàn quốc.

Quan chức cao cấp nhất của NDRC ngã ngựa là nguyên Phó chủ tịch Lưu Thiết Nam. Viện Kiểm sát buộc tội Lưu lợi dụng chức vụ để trục lợi cho người thân, và nhận những khoản tiền hối lộ rất lớn.

Với chức vụ tương đương thứ trưởng, Lưu còn lãnh đạo Cơ quan Năng lượng Quốc gia. Tháng 5/2013, Lưu bị bắt cùng với vợ, bị bãi nhiệm mọi chức vụ lãnh đạo và bị khai trừ đảng. Ngày 24/9, Lưu bị xét xử về tội nhận hối lộ. Ông này là quan chức cao nhất của NDRC bị Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương điều tra kể từ năm 2003.

Có 7 trong số 19 quan chức NDRC bị bắt giữ trong hai tháng gần đây, bao gồm Guo Jianying - giám sát viên thuộc Cục Vật giá bị điều tra hôm 22/9. Sáu ngày sau, 3 quan chức khác của Cục Vật giá bị bắt, gồm Giám đốc Liu Zhenqiu và hai phó giám đốc Zhou Wangjun và Li Caihua.

Người tiền nhiệm của Liu Zhenqiu là Cao Changqing cũng bị bắt giam từ ngày 24/8. Cục Vật giá chịu trách nhiệm kiểm tra và giám sát 11 lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, bao gồm điện, nước, dịch vụ công và các sản phẩm, dịch vụ độc quyền khác.

Cục này cũng đảm trách việc xây dựng các chính sách quan trọng về giá cả, giúp thiết lập hoặc điều chỉnh tiêu chuẩn giá cho các sản phẩm và dịch vụ do chính quyền trung ương kiểm soát. Trước đó, Cục còn kiểm soát cả giá dầu và dược phẩm. 

Hầu hết các nhà phân tích tin rằng, vấn đề chính yếu bắt nguồn từ thực tế quyền định giá và thông qua các quyết sách cũng như các dự án đều tập trung trong một thực thể duy nhất.

Giáo sư Ma Qingyu thuộc Trường Hành chính Quốc gia Trung Quốc cho rằng, chìa khóa để giải quyết nạn tham nhũng trong NDRC là tách biệt quyền định giá và phê duyệt, trong khi thiết lập một cơ chế giám sát minh bạch và hiệu quả sẽ tăng cường trách nhiệm giải trình.

Quốc hội cần tham gia sâu hơn vào việc giám sát những quyết sách của NDRC, các dự án và chủ trương đầu tư lớn nên được thảo luận tại phiên họp thường niên của Quốc hội, nhằm đảm bảo minh bạch hơn.

Báo South China Morning Post (Hong Kong) ngày 10/10 dẫn nguồn tạp chí Trung Quốc Caixin đưa tin, lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) Vương Lập Tân đã bị bắt với cáo buộc tham nhũng.

Vương phụ trách ban kỷ luật và thanh tra của tập đoàn, bị bắt giam cuối tháng 9. Kể từ cuối tháng 8/2013, hàng loạt quan chức CNPC bị điều tra do “vi phạm kỷ luật đảng”.

Đến nay đã có 10 quan chức CNPC bị bắt. Nguyên Bộ trưởng Công an, nguyên Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang từng là chủ tịch CNPC.

Truyền thông Trung Quốc hôm 9/10 đưa tin, cựu Bí thư Thành ủy Quảng Châu Vạn Khánh Lương đã bị khai trừ khỏi đảng, sau khi bị cáo buộc chiếm dụng công quỹ, tham nhũng và thường xuyên đến “các câu lạc bộ tư nhân”.
 
Theo Thục Ninh
SCMP, Want China Times