1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Dấu hiệu “hạ nhiệt” ở Syria

Các bên tham chiến tại Syria đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn trong vòng 6 tháng tại thành phố Zabadani. Nguyên thủ nhiều quốc gia khẳng định: Tiến trình hòa bình ở Syria không thể thiếu vai trò Chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad.

Những dấu hiệu tích cực cả bên trong và bên ngoài Syria cho phép người ta nghĩ đến viễn cảnh một Syria thống nhất, tập trung sức mạnh chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), tạo lập ổn định và hòa bình.

Dấu hiệu “hạ nhiệt” ở Syria - 1

Biểu tình chống sự can thiệp quân sự vào Syria tại Nhà Trắng, Mỹ. (Ảnh: Heranwordl)

Ngừng bắn

Các bên tham chiến tại Syria đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn trong vòng 6 tháng tại thành phố Zabadani do phe nổi dậy kiểm soát và hai khu vực khác của người Shi'ite tại khu vực Tây Bắc của Syria.

Ông Rami Abdel Rahman, đại diện tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria xác nhận, lệnh ngừng bắn tại Zabadani và hai ngôi làng Fuaa và Kafraya đã được nhất trí dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc (LHQ). Nữ phát ngôn viên LHQ Jessy Chahine đã khẳng định những diễn biến tích cực trong các cuộc đàm phán do LHQ điều phối.

Theo ông Rahman, thỏa thuận ngừng bắn đạt được giữa các nhóm chiến binh nổi dậy trong đó có nhóm Hồi giáo Ahrar al-Sham và các lực lượng ủng hộ Chính phủ cùng các đồng minh thuộc phong trào Hezbollah Shi'ite ở Li-băng. Thỏa thuận này đánh dấu lần thứ ba các bên tham chiến nhất trí về một lệnh ngừng bắn trong khu vực và lần thứ hai các bên nhất trí về một lệnh ngừng bắn trong vòng 2 tuần, nhưng thỏa thuận trước đó đã nhanh chóng đổ vỡ.

Một nguồn tin Syria thân cận với các bên tham gia đàm phán cho biết, sau lệnh ngừng bắn bắt đầu hồi cuối tuần trước, thỏa thuận này sẽ chứng kiến việc di dời khoảng 10.000 người dân khỏi hai thị trấn Fuaa và Kafraya. Những người này sẽ được đưa tới các khu vực do chính quyền Syria kiểm soát. Đổi lại, khoảng 500 tay súng nổi dậy sẽ rút khỏi Zabadani để tới tỉnh Idlib.

Cuộc chiến tại Syria đang để lại hậu quả lớn. Từ tháng 9-2011 đến tháng 4-2015, tổng số người chết, tính cả các tay súng, có thể lên tới 310.000 người, trong đó có khoảng 100.000 dân thường bị thiệt mạng. Tình hình rối loạn tại Syria được xác định bởi nội chiến; lực lượng IS và các nhóm cực đoan lợi dụng tình trạng hỗn loạn tại Syria và sự can thiệp quân sự của các nước trong Liên minh chống IS.

Củng cố cơ cấu chính quyền hợp pháp - cách duy nhất ổn định Syria.  

Ngoài việc các bên tại Syria chấp nhận ngừng bắn thì việc Mỹ, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ thay đổi quan điểm khi cho rằng Tổng thống Syria Bashar al-Assad là một thành tố quan trọng trong quá trình tái thiết lập hòa bình ở Syria đang mang lại những thay đổi tích cực trên chính trường Syria.

Trong một động thái mới nhất, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 24-9 tuyên bố, cách duy nhất để chấm dứt cuộc khủng hoảng tại Syria là củng cố cơ cấu chính quyền hợp pháp hiện nay của nước này và hỗ trợ chính quyền Syria trong cuộc chiến chống khủng bố.

Trả lời phỏng vấn chương trình “60 Minutes” của Kênh truyền hình CBS, Tổng thống Nga Putin một lần nữa khẳng định quan điểm rằng chỉ có người dân Syria mới có quyền quyết định ai sẽ là người điều hành đất nước. Tổng thống Putin nhấn mạnh, bất kỳ hành động nào nhằm phá hoại một chính quyền hợp pháp sẽ dẫn đến tình trạng tương tự một số quốc gia ở Trung Đông, Bắc Phi, như Lybia và Iraq.

Theo nhà lãnh đạo Nga, ngoài việc củng cố và hỗ trợ chính quyền Syria hiện nay trong cuộc chiến chống khủng bố, cũng cần thúc đẩy họ tham gia đối thoại tích cực với lực lượng đối lập ôn hòa và tiến hành cải cách.

Trong một diễn biến liên quan, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cũng khẳng định, nước này và Nga có thể tìm ra cách thức hợp tác trong cuộc khủng hoảng tại Syria. Bộ trưởng Carter nhấn mạnh, nếu Nga theo đuổi một giải pháp chính trị cho cuộc nội chiến kéo dài hơn 4 năm qua tại Syria thì Wasington và Mátxcơva có thể tìm ra cách thức cho sự hợp tác.

Chủ đề Syria cũng sẽ được Tổng thống Putin và Tổng thống Mỹ Barack Obama bàn thảo vào ngày 28-9 tới, bên lề phiên họp của Đại hội đồng LHQ ở thành phố New York.

Quan điểm tích cực của Nga và Mỹ về tình hình Syria cũng khiến lãnh đạo nhiều quốc gia thay đổi theo hướng tích cực. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, vốn chỉ trích mãnh mẽ người đồng cấp Syria Assad, cũng đã lần đầu tiên nói bóng gió rằng ông Assad có thể đóng một vai trò trong tiến trình chuyển tiếp chính trị ở Syria trong tương lai.

Tuyên bố trên được ông Erdogan đưa ra một ngày sau khi hội đàm với Tổng thống Nga Pu-tin, đánh dấu sự thay đổi lập trường trước đó của nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, khăng khăng đòi ông Assad phải từ bỏ quyền lực.

Trước đó, cùng ngày, phát biểu với báo giới sau Hội nghị thượng đỉnh khẩn của Liên minh châu Âu (EU), Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh, phương Tây cần thúc đẩy các cuộc tiếp xúc, đàm phán với các bên tại Syria, trong đó không thể thiếu Chính phủ của Tổng thống Assad.

Trong tuyên bố chung sau Hội nghị thượng đỉnh, các nhà lãnh đạo EU cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục nỗ lực, thông qua vai trò điều phối của LHQ, nhằm thúc đẩy một giải pháp hòa bình cho Syria.

Theo Hoa Huyền

Quân đội nhân dân

Dấu hiệu “hạ nhiệt” ở Syria - 2

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm