Dấu ấn trong một tháng đầu cầm quyền của Tổng thống Trump
(Dân trí) - Những quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một tháng đầu tiên kể từ khi nhậm chức không chỉ tác động tới nước Mỹ mà còn ảnh hưởng tới toàn thế giới.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Reuters).
Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bước vào tháng đầu tiên của nhiệm kỳ thứ 2, ông đã hành động với tốc độ chóng mặt và tận dụng sức mạnh của người đứng đầu Nhà Trắng để tái cấu trúc các chuẩn mực xã hội, chính trị và nền kinh tế Mỹ, đồng thời định hình lại vai trò của Mỹ trên thế giới.
Ông cũng đã trao quyền cho tỷ phú Elon Musk - thành viên Ban Hiệu suất chính phủ (DOGD) mới thành lập - để cố vấn nhằm cải cách toàn diện bộ máy hành chính liên bang, dẫn tới khả năng đóng cửa hoàn toàn một số cơ quan được Quốc hội Mỹ thành lập.
Ông Trump áp hàng loạt mức thuế quan mới đối với các đối tác thương mại của Mỹ và đe dọa sẽ bổ sung thêm, mặc dù các nhà kinh tế cảnh báo rằng điều này sẽ làm tăng chi phí cho người tiêu dùng Mỹ và góp phần gây lạm phát.
Trong một tháng đầu nhiệm kỳ, ông Trump đã đưa ra các sắc lệnh quyết liệt, mạnh mẽ, cứng rắn, bất chấp những tranh cãi trái chiều.
Tinh gọn bộ máy chính phủ
Trong nỗ lực nhằm tinh gọn bộ máy chính phủ, chính quyền của ông Trump đã sa thải hàng nghìn nhân viên liên bang. Đến giữa tháng 2, chiến dịch của Tổng thống Donald Trump và tỷ phú Elon Musk nhằm cắt giảm triệt để bộ máy hành chính công của Mỹ đã lan rộng, khi sa thải hơn 9.500 nhân viên liên bang làm việc trong mọi lĩnh vực, từ quản lý đất đai liên bang đến chăm sóc cựu chiến binh.
Tính tới ngày 12/2, người phát ngôn Văn phòng quản lý nhân sự của chính phủ Mỹ (OPM) cho biết đã có 75.000 nhân viên liên bang đăng ký tham gia chương trình mua lại hợp đồng nhân sự liên bang. Theo đó, những lao động này sẽ nghỉ việc, nhưng vẫn được nhận lương 8 tháng tới.
Theo OPM, việc mua lại hợp đồng là một trong nhiều cách tiếp cận mà Tổng thống Donald Trump đang thực hiện để cắt giảm lực lượng lao động dân sự gồm 2,3 triệu người, để phục vụ cho kế hoạch đầy tham vọng của ông Trump: Cắt giảm 2.000 tỷ USD trong chi phí liên bang.

Tỷ phú Elon Musk được ông Trump trao quyền để cố vấn nhằm làm tinh gọn bộ máy chính phủ Mỹ (Ảnh: Reuters).
Tuy nhiên, một số sắc lệnh mà ông Trump ban hành cũng vướng phải những tranh cãi về mặt pháp lý. Các vụ kiện chống lại chính sách của ông đã bắt đầu ngay từ ngày nhậm chức và liên tục gia tăng kể từ ngày 20/1.
Hiện tại, chính quyền đang đối mặt với khoảng 70 vụ kiện trên toàn quốc liên quan đến các sắc lệnh hành pháp và nỗ lực thu nhỏ bộ máy chính quyền.
Định hình lại trật tự thế giới
Chính sách thương mại toàn cầu của ông Trump gây tranh cãi trong một tháng đầu tiên. Ông Trump tiếp tục chính sách áp thuế lên Trung Quốc và cảnh báo đánh thuế nhập khẩu từ Canada và Mexico. Ông tuyên bố sẽ áp đặt thêm các mức thuế để "cân bằng" thuế quan với các nước khác.
Ông Trump cũng có kế hoạch áp thuế riêng đối với ô tô, chip máy tính và dược phẩm, bên cạnh mức thuế 25% đối với thép và nhôm mà ông đã công bố trước đó.
Mặt khác, một xu hướng rõ ràng nhất mà các chuyên gia nhận thấy đó là việc ông Trump dường như muốn định hình lại trật tự thế giới mới.
Trong "thời đại hoàng kim" mới do ông Trump lãnh đạo, Tổng thống Mỹ lập luận rằng nước này sẽ chú trọng theo đuổi lợi ích quốc gia của Mỹ.
Đây là cách diễn đạt ám chỉ cho việc Mỹ sẽ hành động một cách độc lập, không thông qua các tổ chức quốc tế được thành lập sau Thế chiến II với mục tiêu mà Washington từng mô tả là bảo vệ dân chủ và thúc đẩy thịnh vượng toàn cầu.
Như vậy, ông Trump dường như không còn đánh giá cao trật tự thế giới do phương Tây dẫn đầu đã tồn tại trong hàng chục năm qua, mà ông sẽ tập trung chính yếu vào lợi ích của Mỹ.
Với cách tiếp cận này, ông Trump dường như mang quan điểm của một doanh nhân, tỷ phú để xử lý các vấn đề về thế giới.
Ông coi quan hệ với các đồng minh, nước láng giềng thân cận như Canada, Mexico hay EU có tính giao dịch, vì vậy, ông đòi hỏi sự công bằng và dùng sức mạnh của Mỹ để gây áp lực.
Ông muốn các đối tác giảm thâm hụt thương mại với Mỹ, muốn các đồng minh NATO ở châu Âu chi nhiều hơn nữa để bảo vệ an ninh cho chính họ, thay vì đặt gánh nặng lên Mỹ.
Ông đóng băng các khoản viện trợ nước ngoài của Mỹ, rút Mỹ khỏi các tổ chức quốc tế mà ông cho rằng tốn kém, không hiệu quả dù có những cảnh báo rằng động thái này sẽ làm suy giảm tầm ảnh hưởng toàn cầu của Washington.
Ông thậm chí đưa ra những đề xuất gây "sốc" cho thế giới như nêu khả năng Mỹ lấy lại kênh đào Panama, đề xuất Mỹ giành quyền kiểm soát Greenland từ tay đồng minh NATO, Đan Mạch và nhiều lần gợi ý rằng Canada nên trở thành bang thứ 51 của Mỹ. Ông cũng muốn Mỹ tiếp quản Gaza vì nhận thấy tiềm năng bất động sản của dải đất hẹp này.
Cách tiếp cận này có thể gây bất ngờ vì không theo chuẩn mực về chính trị và ngoại giao, nhưng nó lại phản ánh cách nhìn nhận của ông Trump, coi các vấn đề thế giới như cơ hội kinh doanh để mang lại lợi ích cho Mỹ.
Đối với các đối thủ hàng đầu như Nga và Trung Quốc, ông Trump cũng duy trì cách tiếp cận thực dụng hơn.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tăng tốc quá trình đàm phán với chính quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin trong thời gian qua (Ảnh: Reuters).
Ông bắt đầu đẩy nhanh quá trình đàm phán với Nga về chiến sự ở Ukraine, gạt đồng minh EU và Ukraine qua một bên. Điều này cho thấy sự quyết liệt của ông khi đánh giá đâu là bên sẽ đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực khép lại cuộc chiến, dù nó khiến cho châu Âu và Kiev không thoải mái.
Ngoài ra, giới chức Mỹ và Nga cũng đã bắt đầu thảo luận không chỉ về Ukraine, mà còn về hợp tác trong các lĩnh vực khác, ví dụ như kinh tế và hợp tác địa chính trị để cùng khai thác tiềm năng ở Bắc Cực. Điều này một lần nữa cho thấy sự thực tế của ông Trump với các vấn đề toàn cầu.
Với Trung Quốc, dù đã có các biện pháp để đối phó với cái ông gọi là "các hành vi thương mại không công bằng" của Bắc Kinh. Tuy nhiên, ông đồng thời kêu gọi Chủ tịch Tập Cận Bình hợp tác chặt chẽ hơn trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu và an ninh mạng.
Giới chuyên gia nhận định, trong nhiệm kỳ này, ông Trump dù sẽ đối phó với các mối đe dọa từ Trung Quốc, nhưng cũng sẽ có cách tiếp cận kiềm chế, ngăn nguy cơ xung đột nổ ra.
Phản ứng của người Mỹ
Các khảo sát cho thấy ông Trump hiện được ủng hộ nhiều hơn so với thời điểm ông tái đắc cử vào tháng 11 năm ngoái.
Theo số liệu mới nhất từ trang tổng hợp thăm dò ý kiến 538, 48% người được khảo sát có quan điểm không thiện cảm với Trump, trong khi 46,6% có quan điểm tích cực về ông.
Mặc dù số người có ý kiến không thiện cảm với ông Trump vẫn chiếm đa số, nhưng tỷ lệ ủng hộ ông đã có sự cải thiện kể từ ngày bầu cử.
Vào ngày 5/11/2024, trang 538 ghi nhận 52,2% người được hỏi có cái nhìn tiêu cực về ông Trump, trong khi chỉ 43,6% có cái nhìn tích cực.
Bên cạnh đó, mặc dù tỷ lệ yêu thích cá nhân của ông Trump không quá cao, nhưng dữ liệu từ trang 538 cho thấy số người ủng hộ cách ông làm tổng thống vẫn cao hơn số người phản đối.
Các số liệu mới nhất cho thấy 49,9% người được khảo sát tán thành cách ông Trump điều hành đất nước, trong khi 45,5% không đồng tình.
Trong khi đó, theo kết quả cuộc thăm dò của CBS News/YouGov được công bố vào ngày 9/2, hơn một nửa số người Mỹ được khảo sát cho biết họ ủng hộ những hành động của Tổng thống Donald Trump trong tháng đầu tiên nhậm chức.
Cuộc thăm dò được tiến hành từ ngày 5/2 đến ngày 7/2 cho thấy Tổng thống Trump nhận được tỷ lệ ủng hộ là 53%. Cuộc thăm dò được thực hiện với 2.175 người trưởng thành tại Mỹ và có biên độ sai số là 2,5%.