Dấu ấn cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton qua những chuyến thăm Việt Nam
(Dân trí) - Là vị tổng thống Mỹ đầu tiên tới thăm Việt Nam vào năm 2000, ông Bill Clinton được cho là người có đóng góp quan trọng vào quá trình bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Mỹ cả khi đương chức và khi đã rời nhiệm sở. Kể từ năm 2000 đến nay, ông đã 5 lần thăm Việt Nam.
Theo kế hoạch, cuối tháng 5 này, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ có chuyến công du đầu tiên tới Việt Nam sau gần 8 năm đảm nhiệm vai trò người đứng đầu Nhà Trắng. Như vậy, ông Obama sẽ trở thành tổng thống thứ 3 liên tiếp tới Việt Nam sau người tiền nhiệm Bill Clinton và George W. Bush. Chuyến thăm được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hơn nữa quan hệ Việt Nam - Mỹ sau những nỗ lực không ngừng nhằm bình thường hóa quan hệ hai bên kể từ thời Tổng thống Bill Clinton.
Là vị tổng thống Mỹ đầu tiên tới thăm Việt Nam vào năm 2000, ông Bill Clinton được cho là người có đóng góp quan trọng vào quá trình bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Mỹ cả khi đương chức và khi đã rời nhiệm sở. Nhân dịp này, hãy cùng nhìn lại những chuyến thăm Việt Nam của ông Bill Clinton.
Trong chuyến công du lần đầu tiên tới Việt Nam, ông Clinton đồng hành cùng Đệ nhất phu nhân là bà Hillary Rodham Clinton - người sau này trở thành Ngoại trưởng Mỹ trong chính quyền của Tổng thống Barack Obama. (Ảnh: AFP)
Ông Clinton đã có buổi giao lưu với sinh viên tại Đại học Quốc gia Hà Nội và chuyến thăm tới một trường tiểu học tại TP.HCM. Ông và gia đình đã có chuyến thăm tới vùng nông thôn của Việt Nam để theo dõi các dự án tín dụng vi mô, cung cấp các khoản vay nhỏ để giúp phụ nữ nông thôn thoát khỏi đói nghèo. (Ảnh: AP)
Ông Clinton đã để lại những ấn tượng đẹp ngay từ chuyến công du Việt Nam đầu tiên với những cử chỉ thân thiện khi ông tươi cười và bắt tay với người dân. Trong ảnh, ông Clinton bắt tay với các cậu bé Việt Nam từ ban công liền kề của 2 căn hộ ở khu vực Văn miếu Quốc tử giám. (Ảnh: AP)
Ông trở lại Việt Nam lần thứ hai vào tháng 12/2006 với tư cách chủ tịch Quỹ Bill Clinton. Chuyến thăm chỉ kéo dài 2 ngày (5-6/12) và nằm trong khuôn khổ chương trình thăm các nước châu Á nhằm tăng cường hợp tác với các nước theo chương trình Sáng kiến Toàn cầu phòng chống HIV/AIDS (CHAI) của vị Chủ tịch Quỹ Bill Clinton. Kể từ năm 2005, Quỹ Clinton do ông sáng lập đã trực tiếp hỗ trợ hoàn thiện hệ thống chăm sóc điều trị HIV/AIDS và nâng cao năng lực cho cán bộ y tế trong công tác chẩn đoán, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS tại Việt Nam. (Ảnh: AP)
Vẫn với những cử chỉ thân thiện, ông Clinton đã chủ động bắt tay từ người bán báo đến anh xe ôm khi ông có 15 phút đi bộ ngẫu hứng dọc phố Tràng Tiền. (Ảnh: Getty)
Ngày 14/11/2010, ông có chuyến thăm Việt Nam thứ ba nhân kỷ niệm 15 năm bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ. Lần này, ông Clinton đến Việt Nam với mục đích tăng cường quan hệ và hợp tác song phương Việt - Mỹ trên một số lĩnh vực, bao gồm thương mại, y tế, biến đổi khí hậu và hợp tác an ninh. Ông đã bày tỏ ấn tượng của bản thân về sự chuyển biến mạnh mẽ của Việt Nam. Mặt khác, ông cũng chia sẻ quan tâm đến việc tác động của biến đổi khí hậu đến Việt Nam, đặc biệt là ở khu vực đồng bằng Sông Cửu Long. Ông cam kết sẽ nỗ lực để thúc đẩy quan hệ hai nước, trong đó Quỹ Bill Clinton tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua việc chuyển giao công nghệ phát triển các nguồn nặng lượng sạch. (Ảnh: AFP)
Mối lương duyên với Việt Nam vẫn chưa dừng ở đó, ngày 18/7/2014, cựu tổng thống Bill Clinton tới Việt Nam lần thứ 4 nhằm thúc đẩy hoạt động của Quỹ Clinton do gia đình Clinton sáng lập để giúp chăm sóc, điều trị cho người nhiễm vi rút HIV trên thế giới.
Lần gần đây nhất trở lại Việt Nam của ông Clinton là vào tháng 7/2015 nhân dịp tròn 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ. Tại Lễ Kỷ niệm chào mừng sự kiện bình thường hóa quan hệ này, ông Clinton chia sẻ: “Việc ký quyết định bình thường hóa quan hệ với Việt Nam là một trong những thành tựu quan trọng nhất của tôi”. Ông cũng nhấn mạnh, Tổng thống Barack Obama hy vọng quan hệ giữa hai nước có thể tiến xa hơn nữa với hiệp định TPP và các thỏa thuận khác. (Ảnh: Nam Hằng)
Minh Phương
Tổng hợp