Dấu ấn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
(Dân trí) - Năm 2007, một năm sau khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận chức, đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng khi Việt Nam tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới. Các nhà lãnh đạo Việt Nam đã lựa chọn con đường thương mại tự do để đưa đất nước thoát khỏi đói nghèo.
Mọi người từng bảo tôi phải chuẩn bị trước tinh thần, bởi việc kinh doanh tại Việt Nam là một mê cung tẻ nhạt, chậm chạp và đầy gánh nặng quan liêu. Lúc đó tôi đang kỳ vọng phát triển được mối quan hệ kinh doanh nhờ một dự án lớn có một số thành phần thuộc Chính phủ Việt Nam tham gia. Nhưng mọi người nói rằng nếu có liên quan đến Chính phủ thì khả năng rất cao là phải có đút lót, hối lộ. Lời chỉ dẫn mà tôi nhận được ngày hôm đó là lời cảnh tỉnh nghiêm túc với tôi.
Trong khi bản thân tôi chưa từng trải nghiệm điều này tại Việt Nam, nhiều dẫn chứng thực tế và Tổ chức Minh bạch Quốc tế đã khẳng định quan điểm đó: Việt Nam đứng thứ 116 trong số 177 quốc gia trong nghiên cứu về “nhận biết tham nhũng”.
Nếu chỉ nhìn bề ngoài thì tất cả những điều này sẽ khiến ta chán nản. Nhưng có một mặt khác. Từ khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận chức vào năm 2006, ông đã khiến xã hội Việt Nam thay đổi đáng kể. Việt Nam, từ một nước thế giới thứ ba nghèo nàn, đã trở thành “Con rồng châu Á” mới và tiếp theo là “Điều kỳ diệu Châu Á”. Điều đó xảy ra chỉ trong chưa đầy một thập kỷ. Bảy thập kỷ trước Việt Nam vẫn còn sa lầy trong chiến tranh, ngoại xâm, và sự phá hủy không thể tưởng tượng nổi của hầu hết những công trình hạ tầng quan trọng do hàng năm trời bị máy bay B-52 của Mỹ đánh bom không ngừng nghỉ. Giờ đây, Việt Nam là quốc gia có số dân 90 triệu người, sống trên diện tích đất bằng gần một nửa bang Manitoba, Canada.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Ngày nay, Việt Nam đang dần dần leo lên thang xếp hạng của nhiều chỉ số khác trên thế giới. Việt Nam đã đạt đến vị trí thứ 75 trong số 142 quốc gia về Chỉ số Năng lực Cạnh tranh toàn cầu, theo đánh giá của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế. Mặc dù vậy, nỗi đau của Việt Nam vẫn dai dẳng và gánh nặng vẫn còn trên vai những nhà lãnh đạo chính trị. Nhưng đối với những khách nước ngoài vẫn thường đến thăm Việt Nam nhiều lần như tôi, có thể dễ dàng nhận ra những chuyển biến rất nhanh và tích cực.
Trong 5 năm qua, tình trạng những doanh nghiệp nhà nước quản lý yếu kém đã được khắc phục, lạm phát đã ở trong tầm kiểm soát, và Chính phủ đã giảm mức chi tiêu. Các doanh nhân được tự do phát triển. Các trung tâm mua sắm luôn đông đúc và thương mại phát triển mạnh mẽ. Dân số tương đối trẻ, có tri thức và chăm chỉ làm việc. Họ nhạy bén, đầy tham vọng và hiểu biết về công nghệ.
Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã và đang trải qua quá trình chuyển đổi, và một trong những điểm nổi bật của sự thay đổi này chính là: những thay đổi cần thiết đã diễn ra trong hòa bình. Ổn định chính trị là điều đặc biệt quan trọng đối với bất cứ một quốc gia đang phát triển nào có tham vọng trở thành nước phát triển. Và Việt Nam có được sự ổn định này là nhờ sự lãnh đạo chính trị và vị thế trong khu vực của ông Nguyễn Tấn Dũng.
Chúng ta cũng cần nhớ bối cảnh: Ông Nguyễn Tấn Dũng và các cộng sự của mình đã trải qua nhiều thách thức quản lý cực kỳ khó khăn. Từ một chế độ Cộng sản khép kín, họ đã thận trọng mở cửa nền kinh tế và các thể chế quản lý của Việt Nam. Có một số ý kiến nhận định rằng tiến bộ ở cả hai lĩnh vực trên vẫn còn chậm. Ý kiến này cũng có một vài điểm đúng. Tuy nhiên có một điều không thể tranh cãi đó là từ khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận chức thì những thay đổi - dù nhanh hay chậm - đều luôn nhất quán và tích cực.
Tuy không phải là không có những sai lầm đắt giá, nhưng Hà Nội đang trải qua những tiến bộ vượt bậc về cơ sở hạ tầng quốc gia, số lượng lớn người tham gia lực lượng lao động hàng năm, và chất lượng mức sống của những lao động nghỉ hưu được nâng cao. Chăm sóc y tế dần được cải thiện và tỉ lệ người dân biết chữ hiện nay đạt gần 95%.
Năm 2007, một năm sau khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận chức, đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng khi Việt Nam tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới. Các nhà lãnh đạo Việt Nam đã lựa chọn con đường thương mại tự do để đưa đất nước thoát khỏi đói nghèo. Từ đó đến nay, đất nước này đã và đang đi trên con đường hiện đại hóa nhanh mạnh và bền vững. Trong dự báo gần nhất, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam cho hay trong năm nay dự tính Việt Nam sẽ thu hút được 11,8 tỉ đô la Mỹ.
Từ khi hai nước Việt Nam - Canada ký Hiệp định thương mại song phương (năm 1995) đến nay, thương mại giữa hai nước đã tăng hơn 20 lần, đạt 1,6 tỉ đô la Mỹ vào năm 2012. Dù con số không phải là lớn đối với Canada nhưng đó là sự tiến bộ quan trọng đáng ghi nhận.
Đến năm 2015, dự báo GDP Việt Nam sẽ tăng lên 6,2%, lớn hơn con số dự đoán năm 2014 (5,8%). Con số này cao hơn so với dự đoán của Quỹ tiền tệ quốc tế (5,6% năm 2015 và 5,5% năm 2014). Theo số liệu của Chính phủ, GDP tăng tốc trong Quý III với tỉ lệ 6,19%, so với con số lần lượt là 5,42% và 5,09% của Quý II và Quý I. Tuy tỉ lệ tăng trưởng trên 6% vẫn thấp hơn mức trung bình 7% của thập kỷ trước, con số này đã cao hơn mức trung bình 5,5% từ năm 2011 đến năm 2013, khi Việt Nam chìm trong nợ xấu ngân hàng và nhu cầu nội địa thấp.
Trích lời Guy Dixon trong trang tin Globe and Mail vào tuần trước: “Nền kinh tế Việt Nam gần đây bị chậm lại, dù vậy nếu so với tiêu chuẩn của thế giới thì nó vẫn giống như một chuyến tàu tốc hành”.
Vượt qua những giới hạn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chèo lái Việt Nam đi trên một con đường hợp lý và thận trọng. Điều này là không hề dễ dàng. Trong cuốn “Asia Cauldron”, Robert Kaplan đã nhắc đến: hơn một nửa trọng tải của đội tàu buôn trên thế giới hàng năm (bao gồm ¾ tổng số dầu đốt ở Trung Quốc) đi qua Biển Đông. Theo Kaplan, điều này đã biến tuyến đường biển này thành “huyết mạch của Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương - nơi những tuyến đường biển toàn cầu hợp nhất”, việc đầu tư vào eo biển, bãi cát ngầm, và các đảo của nó có ý nghĩa chiến lược đặc biệt. Khu vực này đáng lẽ đã có thể dễ dàng trở thành một điểm nóng quân sự khiến Trung Quốc đối đầu với một số nước làng giềng của mình. Thế nhưng thay vào đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kêu gọi các nhà lãnh đạo trong khu vực tiến tới một kỷ nguyên mới của hợp tác kinh tế và chính trị.
Ít nhất là cho đến lúc này, căng thẳng liên quan đến tranh chấp các đảo của khu vực Biển Đông đã dịu xuống, và các nhà lãnh đạo đang đối thoại. Nhờ đó mà hôm nay thế giới được an toàn hơn. Điều đó chính là thành tựu quan trọng nhất của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho đến thời điểm này.
Tại nước nhà, ông Dũng và Chính phủ của ông tiếp tục đẩy mạnh vô số hoạt động. Chủ nghĩa thân hữu mà họ đã có lâu nay, tuy vẫn chưa hoàn toàn bị loại bỏ nhưng cũng đã suy giảm đi rất nhiều.
Vào tháng Tư năm 2008, Tờ The Economist viết: “Thế hệ hiện nay của các nhà lãnh đạo Việt Nam, những người con của cuộc đấu tranh giành độc lập, những người muốn điều tốt nhất cho người dân nước họ, nên nghĩ về việc ai sẽ tiếp bước họ. Nếu thế hệ tiếp theo kém kỷ luật và tham những nhiều hơn nhưng lại được trao quyền lực thì đất nước sẽ trượt dốc”.