1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Dấu ấn "Chủ nghĩa Obama"

(Dân trí) - Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 10/9 đã giành thắng lợi tại Thượng viện cho vấn đề hạt nhân Iran, đây được coi là một thành công đối ngoại lớn nhất trong 6 năm cầm quyền và là một trong những thành công tạo dấu ấn cho chủ thuyết có tên gọi là “Chủ nghĩa Obama”.


Tổng thống Mỹ Barrack Obama (Ảnh: Getty)

Tổng thống Mỹ Barrack Obama (Ảnh: Getty)

"Chủ nghĩa Obama"

Theo luật đã ban hành hồi tháng 5, thì hạn chót ngày 17/9 là 60 ngày để Quốc hội Mỹ có thể thông qua nghị quyết bác bỏ thỏa thuận giữa Iran và Nhóm P5+1. Nhưng cuộc bỏ phiếu ngày 10/9 là quan trọng nhất, còn một vài cuộc bỏ phiếu tiếp theo có liên quan khó bề đảo ngược.

Mặc dù chỉ có 42/41 so với tỷ lệ phiếu tối thiểu ủng hộ, nhưng “Đây là chiến thắng cho chính sách ngoại giao… và là bước đi mang tính lịch sử”. Đây cũng có thể coi là dấu ấn của Chủ nghĩa Obama, khi ông ghi điểm cho đảng Dân chủ trước thềm bầu cử tới vào năm 2016.

Những thắng lợi gần đây của Tổng thống Obama vừa phản ánh chiến lược đối nội và đối ngoại, phản ánh quyết tâm chiến lược của Chủ nghĩa Obama là “hướng nội” và vận dụng “quyền lực mềm” bảo đảm cho nước Mỹ vẫn giữ được vị thế lãnh đạo thế giới và giá trị tự do, dân chủ Mỹ vẫn được lan truyền.

Tại cuộc họp báo sau khi Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ (OAS) kết thúc, phóng viên Chuck Todd của kênh truyền hình NBC đã đề nghị Tổng thống Mỹ mô tả “Chủ nghĩa Obama” về chính sách đối ngoại, ông đã trả lời:

Nguyên tắc số 1, Mỹ vẫn là quốc gia mạnh nhất và giàu có nhất trên hành tinh. Tuy nhiên, nước Mỹ không thể một mình đối mặt với khủng bố, các băng đảng buôn bán ma túy và biến đổi khí hậu…

Nguyên tắc số 2, nước Mỹ đang sung sức và vẫn đại diện cho một loạt các giá trị và lý tưởng toàn cầu về dân chủ, tự do ngôn luận, tôn giáo, nhân quyền… nơi mà mọi người tự do theo đuổi các mơ ước và không bị chính phủ của họ lạm dụng. Tuy nhiên, Mỹ vẫn tôn trọng những nền văn hóa khác biệt, triển vọng khác biệt và có lịch sử khác biệt.

Trên cơ sở những gì Tổng thống Mỹ phát biểu và thực hành, giới học thuật đã khái quát Chủ nghĩa Obama là: Mỹ vẫn tiếp tục cống hiến cho các giá trị của tự do và dân chủ, nhưng miễn cưỡng là một nước bá chủ toàn cầu. Để bảo vệ các lợi ích cốt lõi của mình, Mỹ sẽ phải sử dụng mọi sức mạnh sẵn có, trong đó có hành động quân sự. Nhưng nói chung, Mỹ nghiêng mạnh về việc tìm kiếm một giải pháp ngoại giao.

Ưu tiên hướng nội

Trong khi thực hiện “đồng bộ” các chiến lược đối nội và đối ngoại, Tổng thống Obama đặt kế hoạch chấn hưng lại nền kinh tế và cải cách xã hội vào vị trí hàng đầu, tập trung nguồn lực, tài nguyên chủ yếu đầu tư vào giải quyết những vấn đề trong nước, vì vậy chi phí quốc phòng cũng phải giảm đi tương ứng .

Theo giới phân tích thỏa thuận hạt nhân vừa đạt được là phù hợp với chính sách ngoại giao của ông Obama là chuyển trọng tâm từ những vấn đề “an ninh quân sự” sang vấn đề “an ninh kinh tế toàn cầu” lấy khôi phục kinh tế Mỹ làm trung tâm.

Mặc dù có sự “phân cực” chính trị trong nước giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ, nhưng nhìn từ góc độ phát triển nội tại và biến động “quyền lực cứng” của các nước lớn trên thế giới, thì sức mạnh quốc gia của Mỹ vẫn không thay đổi.

Điểm nhấn của “Chủ nghĩa Obama” là ưu tiên kinh tế, coi trọng chủ nghĩa đa phương và “quyền lực mềm”, nỗ lực cải thiện hình ảnh nước Mỹ trong mắt thế giới, tập trung xây dựng cơ chế quốc tế và quản lý toàn cầu. Đây cũng chính là sự kế thừa và phát huy “Chủ nghĩa Clinton” mà Đảng dân chủ của ông đã theo đuổi trước đó.

Không đưa quân ra nước ngoài

Nét đặc trưng nhất trong chính sách ngoại giao của ông Obama chính là theo đuổi nguyên tắc đơn giản nhất là không đưa quân ra nước ngoài hay còn gọi là “không làm chuyện điên rồ”, tức là không phát động các cuộc chiến tranh như ở Iraq và Afghanistan của người tiền nhiệm mà ông Obama đã phải vất vả để sửa sai.

Việc đạt được thỏa thuân hạt nhân với Iran, thể hiện quyết tâm của “Chủ nghĩa Obama” là “kiềm chế”, “thu mình”, thậm chí giới lập pháp Mỹ còn gọi là “hèn nhát”, nhưng đổi lại là sự an toàn hạt nhân cho nước Mỹ và thế giới.

Bất luận trong hoàn cảnh nào, ông Obama vẫn kiên trì sử dụng các biện pháp ngoại giao, trừng phạt kinh tế, áp lực quốc tế… cố gắng để tránh “không làm chuyện điên rồ” có nghĩa là loại trừ được khả năng phải đối đầu với các cường quốc mới nổi trong tương lai bằng quân sự.

Mặc dù Washington vẫn gia tăng triển khai quân sự nhằm răn đe các nước chống lại Mỹ. Tuy nhiên, ông Obama vẫn cố gắng vận động các nước đồng minh và đối tác áp dụng hành động tập thể, chia sẻ trách nhiệm và phân tán rủi ro, giảm thiểu nguy cơ chiến tranh xuống mức thấp nhất.

Ông Obama lập luận rằng, nước Mỹ đã kiệt sức sau khi trải qua hai cuộc chiến tranh nên cần thời gian để “khôi phục nguyên khí”. Tuy nhiên, từ khi ông nhậm chức, những sự kiện quốc tế như phong trào “Mùa xuân Arab” hay sự nổi lên của IS”… đã phá hỏng mong muốn ổn định khu vực theo chiến lược “Đại Trung Đông” của Mỹ.

Mặt khác, cục diện hỗn loạn của Iraq và Afghanistan cũng đưa lại những bài học cho nhiều nhà chiến lược Mỹ và dần nhận ra rằng, áp dụng khuôn mẫu chế độ tự do, dân chủ của phương Tây đối với các nước không cùng lịch sử, văn hóa, tư tưởng và tôn giáo là không thích hợp.

Bà Susan Rice, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Obama đã tuyên bố, các cuộc khủng hoảng như Ukraine hay IS không thể gây rối loạn hay làm mất phương hướng của Mỹ. Nhà Trắng vẫn duy trì trọng tâm chiến lược vào những thách thức dài hạn hơn như: biến đổi khí hậu, thương mại, nghèo đói, an ninh mạng, y tế công cộng…

Giới phân tích và dư luận cho rằng, sau gần hai nhiệm kỳ Tổng thống, cương lĩnh “thay đổi nước Mỹ” với những tiêu chí rõ ràng mà ông Obama hứa hẹn vẫn còn đó. Tuy nhiên, những gì ông đạt được vào thời gian còn lại của nhiệm kỳ 2, đã và đang ghi điểm cho đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử Tống thống nước Mỹ đang cận kề.

Nguyễn Nhâm

 

Dấu ấn "Chủ nghĩa Obama" - 2