1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Đập Tam Hiệp - tham vọng hơn trăm năm của Trung Quốc

Bất chấp việc bị nhiều thành viên Quốc hội Trung Quốc phản đối và các chuyên gia cảnh báo không khả thi, Bắc Kinh vẫn cho xây dựng đập Tam Hiệp lớn nhất thế giới nằm trên sông Dương Tử.

Dự án đập Tam Hiệp khổng lồ của Trung Quốc, nhà máy thủy điện lớn nhất thế giới, tiếp tục gây bối rối cho các nhà hoạch định chính sách khi họ giải quyết tác động xã hội và môi trường của nó.

Dưới đây là những cột mốc đáng chú ý liên quan đến dự án đầy tham vọng nói trên.

Năm 1918: Nhà lãnh đạo Tôn Trung Sơn đề xuất xây dựng một con đập tại Tam Hiệp.

Năm 1944: Chuyên gia thủy điện Mỹ John Savage do Tưởng Giới Thạch mời đến để đánh giá Tam Hiệp đã đề xuất xây dựng một cơ sở có hồ chứa sâu 200 m và sản lượng điện sản xuất đạt mức 10,65 GW.

Tháng 6-1946: Các phần đầu tiên của đập Tam Hiệp do chuyên gia Savage đề xuất bắt đầu được xây dựng nhưng dự án bị tạm ngưng vào ngày 3-8-1947 vì chiến tranh.

Đập Tam Hiệp - tham vọng hơn trăm năm của Trung Quốc - 1

Đập Tam Hiệp trong quá trình xây dựng. Ảnh: Panos Pictures

Tháng 2-1953: Trong một chuyến thăm sông Dương Tử, Chủ tịch Mao Trạch Đông phàn nàn rằng các dự án kiểm soát lũ trên các nhánh sông Dương Tử không hiệu quả. Vì vậy, Trung Quốc cần xây đập Tam Hiệp.

Từ tháng 6 đến tháng 9-1954: 1/3 TP Vũ Hán bị nhấn chìm trong trận lụt tàn khốc ảnh hưởng đến 18,8 triệu người.

Tháng 1-1958: Báo cáo mới về việc xây dựng đập Tam Hiệp được trình bày tại một cuộc họp của ủy ban trung ương ở Nam Ninh. Nội dung báo cáo cho rằng trước tiên nên bắt đầu trên các nhánh sông vì một dự án trên sông chính sẽ quá lớn và tốn kém.

Năm 1979: Bộ Thủy lợi Trung Quốc trình đề xuất xây dựng đập Tam Hiệp lên Quốc vụ viện.

Năm 1982: Lãnh đạo Đặng Tiểu Bình cam kết xây dựng đập Tam Hiệp.

Tháng 6-1986: Bộ Thủy điện Trung Quốc thành lập một nhóm gồm 412 chuyên gia để biên soạn các nghiên cứu khả thi mới.

Năm 1987: Phái đoàn Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc đến thăm khu vực Tam Hiệp và cảnh báo dự án là không khả thi.

Tháng 8-1990: Quốc vụ viện mời 163 chuyên gia tham gia một ủy ban đặc biệt để đánh giá thêm về tính khả thi của dự án.

Tháng 4-1992: Quốc hội Trung Quốc chính thức phê duyệt dự án nhưng 1/3 số đại biểu bỏ phiếu chống hoặc phiếu trắng.

Tháng 12-1994: Trung Quốc tổ chức buổi lễ khởi công xây dựng đập Tam Hiệp. Thủ tướng Lý Bằng có bài phát biểu quan trọng tại sự kiện này.

Đập Tam Hiệp - tham vọng hơn trăm năm của Trung Quốc - 2

Thủ tướng Lý Bằng, người chịu trách nhiệm chính về đập Tam Hiệp. Ảnh: Tân Hoa Xã

Tháng 11-1997: Sông Dương Tử bị chặn và chuyển dòng để mở đường cho công nhân xây dựng đập.

Tháng 5-2006: Quá trình xây dựng con đập cao 185 m hoàn tất. Trung Quốc không công bố kinh phí xây dựng song các nguồn bên ngoài ước tính vào khoảng 28-88 tỉ USD.

Tháng 1-2007: Văn phòng Kiểm toán Quốc gia Trung Quốc chỉ ra việc "thụt két" dự án trong giai đoạn 2004-2005.

Tháng 9-2007: Một cuộc họp được tổ chức ở TP Vũ Hán để thảo luận về những thách thức đối với dự án đập Tam Hiệp, trong đó thừa nhận những mối nguy hiểm tiềm ẩn như hệ sinh thái mỏng manh của khu vực hồ chứa, sự gia tăng thiên tai và nguy cơ bùn lầy, lở đất.

Tháng 7-2011: Quốc vụ viện công bố bản "Kế hoạch hoạt động tiếp theo của đập Tam Hiệp", hứa hẹn sẽ chi 1,24 ngàn tỉ nhân dân tệ (hơn 175 tỉ USD) để khắc phục các vấn đề xã hội và môi trường do con đập khổng lồ gây ra.

Đập Tam Hiệp - tham vọng hơn trăm năm của Trung Quốc - 3

Chủ tịch Tập Cận Bình thăm đập Tam Hiệp tháng 4-2018. Ảnh: Tân Hoa Xã

Tháng 5-2012: Tất cả 26 tua bin được đưa vào hoạt động, đánh dấu sự hoàn thành chính thức của dự án thủy điện Tam Hiệp, nâng tổng công suất điện lên 22,5 GW.

Tháng 4-2018: Chủ tịch Tập Cận Bình thăm đập Tam Hiệp. Ông nhắc lại cam kết chấm dứt hoạt động phát triển quy mô lớn trên sông Dương Tử.

Tháng 7-2019: Ông Lý Bằng, người chịu trách nhiệm chính về đập Tam Hiệp, qua đời ở tuổi 90.

Theo Phạm Nghĩa

Người lao động