1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Diễn biến căng thẳng ở Ukraine

Dập lửa cuộc khủng hoảng Ukraine

Thông tin về việc Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ sớm quyết định về khả năng cung cấp vũ khí sát thương cho quân đội chính quyền Kiev để chống lại lực lượng đòi độc lập ở miền Đông Ukraine đang khiến châu Âu vô cùng lo ngại.

Dập lửa cuộc khủng hoảng Ukraine

Sân bay Donetsk tan hoang vì các cuộc giao tranh. Ảnh: AP Sân bay Donetsk tan hoang vì các cuộc giao tranh (Ảnh: AP)
 
Đứng trước nguy cơ chảo lửa Ukraine sẽ lan rộng ra toàn khu vực, Đức và Pháp, hai quốc gia vốn được coi là trong số những nước chi phối châu Âu, đã khẩn cấp phối hợp nhằm tìm ra giải pháp chặn đứng hiểm họa này.  

Sau chuyến đi đến Ukraine hôm 5/2, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande thẳng tiến đến Mátxcơva, tiến hành một cuộc gặp tay ba với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 6/2. Kế hoạch này được Pháp và Đức xây dựng và thực hiện một cách khẩn cấp mà không hề tham vấn với Mỹ, quốc gia cho đến bây giờ vẫn hành động như là nước có vai trò quyết định nhất trong việc giải quyết khủng hoảng Ukraine.  

Thực tế đã cho thấy Washington cho đến nay chưa có một giải pháp nào làm dịu tình hình mà ngược lại càng khiến mọi việc trở nên tồi tệ hơn. Về phần Nga, Mátxcơva không muốn nói chuyện với Washington vì cho rằng Mỹ thực chất chỉ muốn lợi dụng vấn đề Ukraine để chống Nga.

Trước tình cảnh này, Pháp và Đức thông báo sẽ đề xuất một sáng kiến hòa bình mới với hy vọng các bên có thể chấp nhận. Nga đã ngay lập tức phản ứng một cách tích cực bằng tuyên bố sẵn sàng thảo luận trên tinh thần xây dựng.

Sau nhiều tháng chỉ có trừng phạt và nổ súng, những phản ứng đầu tiên về kế hoạch đàm phán tay ba Đức - Pháp - Nga dường như đang đem lại chút ánh sáng cho đường hầm Ukraine.

Tất nhiên, khó có thể kỳ vọng một sự đột phá quan trọng ngay lập tức sau cuộc họp kín ba bên. Tuy nhiên, như Ngoại trưởng Đức Frank Walter Steinmeier nhận định, chỉ cần sáng kiến đem lại tia hy vọng là cũng đã một thành công. Rõ ràng, trong bối cảnh chiến sự đang leo thang ác liệt, thay vì những hành động cứng rắn nhằm dồn đối thủ vào chân tường, các bên liên quan cần thay đổi cách tiếp cận theo chiều hướng tích cực hơn, để trước mắt là giảm bớt đổ máu ở quốc gia châu Âu này.
 
Khủng hoảng Ukraine giờ đây đang như một trận hỏa hoạn dữ dội và điều mà dư luận mong đợi là những nỗ lực nhằm dập lửa chứ không phải là khiến cho lửa cháy ngày càng nghiêm trọng hơn.
 
Theo KPK/Tiền Phong