1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Đảo chính quân sự Thái Lan: Một năm nhìn lại

Hôm nay (22/5) là tròn một năm kể từ khi cuộc đảo chính lần thứ 12 xảy ra tại Thái và quân đội lên nắm quyền thay đảng Pheu Thai.

Sự thay đổi chính quyền đã chấm dứt nhiều tháng biểu tình chính trị và ngay lập tức tái lập sự ổn định tại quốc gia Đông Nam Á này, CNA đưa tin.

Trong những ngày đầu tiên sau khi quân đội lên nắm quyền, chính phủ mới đã hứng chịu nhiều chỉ trích vì phớt lờ các quyền con người, do tuyên bố bắt giữ bất cứ ai không tuân thủ mệnh lệnh của lãnh đạo mới.

Đảo chính quân sự Thái Lan: Một năm nhìn lại
 
Đáp lại, các quốc gia phương Tây kêu gọi chính quyền quân sự mau chóng đưa dân chủ trở lại. Đề nghị này đã được chính quyền quân sự đáp ứng ngay, bằng một lộ trình tổng tuyển cử vào năm 2016.

Tuy nhiên, trên thực tế, các cuộc bỏ phiếu có thể diễn ra muộn hơn. Hồi đầu tuần này, nội các dưới trướng của Thủ tướng Prayut Chan-ocha đã phê chuẩn việc tiến hành trưng cầu dân ý trên toàn quốc với dự thảo hiến pháp của đất nước, vốn sẽ mất 3-4 tháng để hoàn tất.

Điều này có nghĩa người Thái sẽ không thể đi bỏ phiếu trước tháng 8 hoặc 9 sang năm.

"Nếu một cuộc trưng cầu dân ý diễn ra vào tháng 1, thì sau đó chúng tôi sẽ cần từ 3-4 tháng để sửa đổi vô số luật, rồi sẽ tốn hơn 90 ngày sau đó mới có thể tổ chức bầu cử", Phó thủ tướng Wissanu Krea-ngam cho hay. "Ít nhất bầu cử sẽ diễn ra vào tháng 8 hoặc 9".

Trong thời gian quân đội nắm quyền, Thái Lan đã giảm sự phụ thuộc vào phương Tây và thân thiết hơn với Nga, Trung Quốc.

Thái Lan đã ký nhiều thỏa thuận về cơ sở hạ tầng trị giá hàng tỷ đôla với Trung Quốc và hồi tháng 4 vừa qua cũng ký một số giao kèo với Nga khi Thủ tướng Nga thăm Bangkok. Ông Medvedev là Thủ tướng Nga đầu tiên tới thăm Thái Lan trong 25 năm qua.

Với những nỗ lực của chính phủ, kinh tế Thái Lan cũng khởi sắc hơn.
 
Với những nỗ lực của chính phủ, kinh tế Thái Lan cũng khởi sắc hơn.

"Nếu bạn hỏi tôi có phải kinh tế đã phát triển hơn sau đảo chính không, thì tôi có thể khẳng định chắc chắn là có. Đó là vì chúng tôi chẳng còn vấn đề nào phải lo nữa", Pornsil Patchrintanakul, một cố vấn tại Phòng Thương mại Thái Lan, nói.

Phòng Công nghiệp Thái Lan từng cho rằng, đảo chính năm 2014 đã gây hại cho ngành du lịch nước này, bởi đây là ngành có những đóng góp chủ chốt cho GDP của Thái.

Tuy nhiên, theo cố vấn Pornsil Patchrintanakul, "không ngành nào bị đảo chính tác động. Một số người có thể nói, đảo chính gây hại cho ngành du lịch. Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau, ngành du lịch đã hồi phục và hiện số du khách tới Thái đã tăng lên".

Dù kinh tế có những tín hiệu tích cực, nhiều người Thái vẫn lo lắng về tình hình đất nước.

"Tôi đoán, chính phủ sẽ tiếp tục cải tiến các biện pháp và cách điều hành. Tuy nhiên, tình hình thực tế vẫn chưa cải thiện, nếu họ vẫn muốn bắt ai thì bắt", luật sư iLaw Yincheep Atchanont nói.

Kể từ khi lên nắm quyền, chính phủ quân sự chưa bao giờ phủ nhận rằng, một số tự do đã bị hạn chế. Tuy nhiên, chính phủ vẫn duy trì một số biện pháp cần thiết vì lợi ích của đất nước.

"Tôi cho rằng, ở Thái Lan, vấn đề nhân quyền rất rõ ràng. Chúng ta vẫn có thể giao tiếp, bày tỏ quan điểm dù không phải 100%. Tuy nhiên, nó cũng có cái giá, các nhóm truyền thông và nhân quyền phải chấp nhận để đổi lại sự ổn định của đất nước", Weerachon Sukondhapatipak, phát ngôn viên chính quyền quân sự, cho hay.

Theo Chính phủ Thái Lan, họ đang nỗ lực thực thi cải tổ đất nước. Điều này sẽ giúp đoàn kết đất nước và diệt trừ tận gốc vấn nạn tham nhũng trong hệ thống chính trị.

Theo Hoài Linh
Vietnamnet