Đánh bom liên tiếp gần mộ tướng Iran, hơn 100 người chết
(Dân trí) - Ít nhất 103 người tại Iran đã thiệt mạng sau khi 2 quả bom liên tiếp phát nổ tại đám đông đang thăm viếng mộ tướng Qasem Soleimani nhân dịp 4 năm ngày ông bị sát hại.
"Số người thiệt mạng đã tăng lên 103 người sau cái chết của những người bị thương trong vụ nổ khủng bố", hãng thông tấn IRNA cho biết.
Trong số 73 người thiệt mạng có 3 nhân viên y tế được điều động đến khu vực sau vụ nổ đầu tiên, theo Tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ Iran.
IRNA bổ sung rằng 141 người khác đã bị thương trong các vụ đánh bom, trong đó một số người rơi vào "tình trạng nguy kịch".
Vụ đánh bom xảy ra gần Nhà thờ Hồi giáo Saheb al-Zaman ở Kerman, nơi chôn cất tướng Soleimani, trong lúc người dân tập trung kỷ niệm 4 năm ngày ông bị sát hại trong cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ ngay bên ngoài sân bay Baghdad.
Hiện chưa có nhóm nào lập tức nhận trách nhiệm về vụ tấn công.
Hãng thông tấn Tasnim của Iran dẫn các nguồn thông tin cho biết "2 túi đựng bom đã phát nổ" và thủ phạm có vẻ đã kích nổ bom từ xa. ISNA dẫn lời Thị trưởng Kerman, ông Saeed Tabrizi, cho biết các quả bom phát nổ cách nhau 10 phút.
"Chúng tôi đang đi về phía nghĩa trang thì một chiếc ô tô đột ngột dừng lại phía sau và thùng rác chứa bom phát nổ", nhân chứng kể với ISNA. "Chúng tôi chỉ nghe thấy tiếng nổ rồi thấy người rơi đổ rạp. Trong thùng rác có một quả bom".
Vụ đánh bom xảy ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang ở Trung Đông do chiến sự ở Gaza. Một ngày trước đó, Saleh al-Aruri - phó thủ lĩnh Hamas tại Gaza và là đồng minh của Iran - cũng bị sát hại trong cuộc tấn công bằng UAV vào vùng ngoại ô phía nam Beirut, thủ đô Li Băng.
Quan chức Li Băng đổ lỗi cho Israel, trong khi Tel Aviv không phủ nhận hoặc xác nhận sự việc.
Tướng Soleimani từng đứng đầu Lực lượng Quds, đơn vị hoạt động nước ngoài của Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, chuyên giám sát hoạt động quân sự trên khắp Trung Đông.
Nhân vật này được nhiều người coi là anh hùng vì có vai trò trong việc đánh bại nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở cả Iraq và Syria. Ông từng được lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei tuyên bố là "liệt sĩ sống".
Trong mắt nhiều người Iran, sức mạnh quân sự và chiến lược của ông là điều giúp ngăn chặn sự tan rã của các nước láng giềng như Afghanistan cũng như Syria và Iraq. Mỹ và đồng minh từ lâu đã coi ông Soleimani là đối thủ nguy hiểm.
Việc Mỹ ám sát tướng Soleimani cùng động thái trả đũa của Iran - bằng cách tấn công 2 căn cứ quân sự ở Iraq có quân đội Mỹ đồn trú - từng đẩy 2 nước tiến sát xung đột toàn diện vào năm 2020.
Vào những ngày sau khi vị tướng qua đời và trước khi diễn ra đám tang của ông ở Kerman, hàng triệu người đã đến thương tiếc ông, qua đó thể hiện sự đoàn kết dân tộc.
Khảo sát được IranPoll và Đại học Maryland công bố vào năm 2018 cho thấy tỷ lệ tín nhiệm của tướng Soleimani ở Iran là 83%, cao hơn Tổng thống lúc đó là Hassan Rouhani và Ngoại trưởng khi đó là Mohammad Javad Zarif.