1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Đằng sau vụ ô nhiễm nguồn nước ở Cáp Nhĩ Tân

Chính quyền thành phố Cáp Nhĩ Tân, thuộc tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc đang phải đón nhận búa rìu dư luận do thái độ thiếu minh bạch trong việc xử lý sự cố ô nhiễm. Hôm qua, khi vết loang dầu benzene trên sông Tùng Hoa đã tiến vào thành phố, những lời chỉ trích của dân chúng và báo chí càng gia tăng.

Vết dầu loang dài 80km, thoát ra sau sự cố nổ nhà máy hóa chất ở thượng nguồn sông Tùng Hoa ngày 13/11 đã khiến nồng độ benzene trong nước sông cao hơn 30 lần mức an toàn. Nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho Cáp Nhĩ Tân bị cắt đứt trong bốn ngày và chính quyền đề nghị người dân hạn chế tiếp xúc với nước bị nhiễm bẩn vì có thể dẫn đến ung thư. Các quan chức dự đoán vết dầu loang phải mất hai ngày mới đi qua thành phố này.

 

Sinh hoạt thường nhật của thành phố chín triệu dân này bị xáo trộn thật sự. Một số trường học và cơ sở kinh doanh phải đóng cửa trong khi hàng nghìn người đổ xô mua vé máy bay và tàu lửa để rời thành phố. 15 bệnh viện được đặt ở chế độ sẵn sàng giải quyết các vụ trúng độc. Trên 16.000m3 nước uống đang được đưa đến Cáp Nhĩ Tân bằng đường bộ, tuy nhiên lượng nước này không đủ cho người dân thành phố dùng trong một ngày.

 

Sự tức giận của người dân thật ra xuất phát từ cách xử lý tình trạng khẩn cấp của chính quyền. Một bài bình luận trên tờ Yangcheng Wangbao viết: "Người dân Cáp Nhĩ Tân dường như không sẵn lòng để tin vào những lý do của nhà chức trách trong việc ngưng cung cấp nước dùng". Tại Thượng Hải, tờ Dongfang Zaobao bày tỏ quan ngại về việc chính quyền Cáp Nhĩ Tân không nói rõ việc nguồn nước bị ô nhiễm ra sao trước khi nguồn nước máy bị ngưng.

 

Cụ thể là hôm thứ hai vừa rồi, chính quyền Cáp Nhĩ Tân chỉ đơn giản thông báo sẽ ngưng cung cấp nước sinh hoạt để kiểm tra hệ thống đường ống. Các quan chức thành phố thậm chí còn bác bỏ thông tin của báo chí địa phương cho biết nguồn nước sông Tùng Hoa đã bị ô nhiễm. Tuy nhiên sang ngày thứ ba, dưới sức ép của người dân, chính quyền thành phố đã buộc phải thừa nhận rằng nước sông bị loang benzene là nguyên nhân thật sự của việc ngưng cấp nước.

 

Tờ China Daily đã đặt ra câu hỏi: "Chúng ta có thể làm gì để chuẩn bị tốt hơn cho những trường hợp khẩn cấp như thế này?". Bài báo nói việc thiếu chuẩn bị và dự báo sự việc đã trở thành chuyện thường thấy ở các quan chức Trung Quốc. Tờ Singtao Daily của Hong Kong đi xa hơn khi cho rằng sự phản ứng thiếu hợp lý của chính quyền Cáp Nhĩ Tân cho thấy con đường tiến đến sự minh bạch hơn nữa tại Trung Quốc vẫn còn dài.

 

Tùng Hoa là một nhánh của sông Amur bắt nguồn từ Nga. Tình trạng lo âu hiện đã lan tới người dân vùng Khabarovsk của Nga, nơi sông Amur là một trong những nguồn nước chính. Hôm qua, người dân bắt đầu đổ xô mua nước dự trữ. Chính quyền Khabarovsk dự kiến tuyên bố tình trạng khẩn cấp vào hôm nay, trong khi mẫu nước sông Amur cứ hai giờ lại được kiểm định một lần.

 

Theo tính toán, vào ngày 1/12 việc ô nhiễm sẽ lan tới Amur, với tốc độ di chuyển hiện nay là 100km/ngày. Tại Duma (Hạ viện) Nga, đã có ý kiến đòi Trung Quốc bồi thường để Nga xử lý vụ ô nhiễm này.

 

 

Theo Sơn Nguyễn

Tuổi trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm