1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Đằng sau một Dubai thịnh vượng

Hơn 3 thập niên kể từ ngày thoát khỏi ách thống trị của thực dân Anh, Dubai đã vươn mình trở thành một quốc gia phát triển hùng mạnh tại vùng Vịnh.

Trỗi dậy

 

Năm 1943, nơi cố Tiểu vương Dubai Maktoum bin Rashid al-Maktoum cất tiếng khóc chào đời là một ngôi nhà nhỏ được đắp bằng bùn. 63 năm sau, khi ông qua đời đột ngột đầu tháng này, ngôi nhà xưa đã biến thành một nhà bảo tàng xinh đẹp. Và thị trấn Dubai gần đó hiện trở thành một thành phố thương mại năng động, có hẳn một khu trượt tuyết có mái che, nhiều hòn đảo nhân tạo khổng lồ có thể ở được và sắp tới là tòa nhà cao nhất thế giới.

 

Các nhà phân tích cho rằng, sự ra đi của Tiểu vương Maktoum có thể sẽ không đem lại sự thay đổi lớn nào về chính trị và kinh tế ở vương quốc với dân số khoảng 1 triệu người này - vốn thuộc Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE). Cố Tiểu vương Maktoum từ lâu đã chuyển quyền lực cho người em trai là Thái tử Dubai đồng thời là Bộ trưởng Quốc phòng UAE Mohammed Bin Rashid al-Maktoum.

 

Tuy nhiên, cái chết của Phó tổng thống kiêm Thủ tướng UAE Maktoum cũng đã cho thấy vương quốc nghèo dầu mỏ nhưng giàu ý tưởng này đã phát triển mạnh mẽ như thế nào kể từ ngày giành được độc lập.

 

Với sự xuất hiện của nhiều tòa nhà chọc trời nằm san sát nhau, đường sá hiện đại và vô số tập đoàn quốc tế nhảy vào đầu tư, Dubai - gần như là độc nhất trong các nước Ảrập - đã tạo lập được một nền kinh tế hiện đại và đa dạng. Điều này cho thấy sự tự do chính trị hay nguồn tài nguyên phong phú không hẳn là điều kiện tiên quyết cho quá trình phát triển của một đất nước.

 

M.Gordon-James - một nhà quản lý đầu tư tại đây - nhận định: "Dubai đã xây dựng được một ngành dịch vụ sôi nổi và một nền công nghiệp tăng trưởng mạnh thông qua các chính sách về thuế đầy sáng tạo và một sự đầu tư rất ấn tượng về cơ sở hạ tầng". Ông Gordon-James còn thêm rằng: "Một nền văn hóa "thoáng" cũng là yếu tố quan trọng để thu hút vốn đầu tư nước ngoài cũng như các lao động ngoại quốc lành nghề".

 

Thách thức

 

Tuy thành công về vật chất nhờ vào đội ngũ công nhân ngoại quốc chiếm hơn 80% dân số nhưng Dubai vẫn bị xem là lạc hậu khi xét về mặt chính trị. Quyền lực chính trị ở đây chỉ dựa vào sự giàu có và thế lực của gia đình. Do không có cơ quan bầu cử trực tiếp công khai nên Dubai bị coi là ít dân chủ hơn nước láng giềng Ảrập Xê-út.

 

Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chiến lược vùng Vịnh O.al-Hassan tuyên bố: "UAE sẽ cần nhiều cải cách trong tương lai. Họ nên sớm thực hiện việc này ngay khi có thể, nếu không, sớm muộn gì thì người dân cũng sẽ đòi hỏi quyền lợi của họ và điều này sẽ giúp những nhóm cực đoan chớp lấy thời cơ như đã từng làm tại Ảrập Xê-út, Kuwait và gần đây là Oman".

 

Thoạt nhìn, Dubai có vẻ yên bình nhưng ẩn sau vẻ bề ngoài đầy "bình thản" kia là những dấu hiệu của sự bất ổn đang ngày gia tăng. Mặc dù thú tiêu khiển truyền thống của nước này như đua lạc đà và đi săn bằng chim ưng vẫn còn phổ biến song giới trẻ -  vốn ngưỡng mộ lối  sống Tây phương - đang ngày càng thích tập tành uống rượu, hút chích và... gái. (Ở Dubai, chỉ hôn ở nơi công cộng thôi cũng đã bị cho là bất hợp pháp).

 

Tờ báo Tin tức vùng Vịnh mới đây đưa tin, tỷ lệ ly hôn ở đây hiện là 48% - một trong những tỷ lệ cao nhất thế giới - trong khi mục bạn đọc thì đầy rẫy những lời phàn nàn về các vấn đề như tội phạm gia tăng đến mức chóng mặt, nạn kẹt xe như cơm bữa và giá bất động sản cao ngất ngưởng. Nhiều người dân đã phàn nàn rằng đô thị hóa nhanh chóng tại Dubai đã đem lại những rắc rối mới cho thành phố từng tạo ra một sự kết nối hoàn hảo giữa cũ và mới này. Thách thức vẫn đang ở phía trước...

 

Theo Châu Yên

Thanh niên/CSM

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm