Đằng sau cáo buộc phản quốc của cựu Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp
Theo cáo buộc của tờ Kathimerini, cựu Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis bị cáo buộc phản quốc và ông đang đứng trước nguy cơ phải hầu tòa vì đã gây ra những thiệt hại khôn lường đến lợi ích của đất nước.
Tòa án Tối cao Hy Lạp cũng đã thông qua 2 vụ kiện chống lại ông Yanis Varoufakis và sẽ trình lên Quốc hội để quyết định. Cựu Bộ trưởng Yanis Varoufakis bị cáo buộc có liên quan đến việc lên kế hoạch thanh toán bí mật khi Hy Lạp đứng trước nguy cơ phải rời khỏi Eurozone. Bởi ông Yanis Varoufakis đã yêu cầu các chuyên gia đột nhập vào hệ thống mã số thuế của người dân để lấy dữ liệu, nhằm phục vụ mục đích xây dựng một hệ thống đồng tiền song song - nếu không dùng đồng euro, sẽ dùng đồng Drachma, trong trường hợp Hy Lạp phải rời khỏi Eurozone.
Cựu Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis.
Các đảng đối lập như đảng Dân chủ Mới (ND), đảng Pasok và To Potami đã yêu cầu Chính phủ của Thủ tướng Alexis Tsipras phải nhanh chóng làm sáng tỏ "kế hoạch Grexit" bí mật của cựu Bộ trưởng Yanis Varoufakis. Nhiều nghị sỹ đảng ND đã kêu gọi thành lập một ủy ban điều tra của Quốc hội để kiểm tra toàn bộ công việc của cựu Bộ trưởng Yanis Varoufakis, thậm chí có thể đưa ông ra tòa nếu những thông tin báo chí nêu đúng sự thật. Dư luận Hy Lạp thực sự rúng động trước thông tin, chính phủ đã lập một nhóm làm việc để thảo luận về kế hoạch lặng lẽ rời khỏi Eurozone (Grexit), và người khởi xướng và thực thi kế hoạch này là cựu Bộ trưởng Tài chính Yanis Varoufakis.
Kế hoạch dự phòng của ông Yanis Varoufakis được cho là sẽ khiến Bộ Tài chính phải quay sang thực hiện hình thức thanh toán bằng giấy vay tiền. Đây được cho là kế hoạch dự phòng của cựu Bộ trưởng Tài chính và ông đã bị tố phản quốc vì hành động này. Khi phát biểu với tờ The Telegraph, ông Yanis Varoufakis đã giải thích về việc thực hiện kế hoạch dự phòng này - việc chuẩn bị kế hoạch là phải giữ bí mật bởi các chủ nợ châu Âu của Hy Lạp sẽ thực hiện kiểm soát cơ quan thu thuế công cộng. Hơn nữa, kế hoạch này là cần thiết tại thời điểm đó. Sau khi từ chức Bộ trưởng Tài chính, và trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình CNN, ông Yanis Varoufakis cũng từng đề cập tới kế hoạch này.
Theo đó, nếu các ngân hàng Hy Lạp bị buộc phải đóng cửa, chỉ cần một nút bấm là có thể chuyển đổi về sử dụng đồng Drachma.
Nhưng kế hoạch này đã bị Thủ tướng Alexis Tsipras không cho phép thực hiện. Trong khi đó, Thứ trưởng Tài chính Dimitris Mardas khẳng định, những điều báo chí nêu chỉ như một "cuốn tiểu thuyết hay" và "kế hoạch của ông Yanis Varoufakis chưa bao giờ được thảo luận". Giới truyền thông cũng vừa cáo buộc tân Bộ trưởng Tài chính Euclid Tsakalotos khi ông vô tình để lộ chiến thuật đàm phán với các nhà lãnh đạo Eurozone. Tân Bộ trưởng tài chính Euclid Tsakalotos cho biết, ông muốn cầu cứu Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM) để thực hiện các nghĩa vụ nợ của Hy Lạp và bảo đảm sự ổn định của hệ thống tài chính.
Trong cuộc phỏng vấn đầu tiên kể từ khi từ chức, cựu Bộ trưởng Yanis Varoufakis cho biết, các nước châu Âu bị Đức kiểm soát một cách "hoàn toàn và dứt khoát", nên Hy Lạp đã bị "bán đứng", do đó cuộc trưng cầu ý dân của nước này hôm 5/7 chỉ là việc làm vô ích.
Ông Yanis Varoufakis tuyên bố từ chức chỉ 1 ngày sau khi cử tri Hy Lạp nói "Không" với các điều kiện của các chủ nợ về gói cứu trợ. Theo giới truyền thông, ông Yanis Varoufakis đã bị loại khỏi đoàn đàm phán của Hy Lạp không lâu sau khi đảng Syriza lên nắm quyền. Phát biểu trước phiên họp với Đảng Syriza tại Athens hôm 30-7, Thủ tướng Alexis Tsipras cho biết, thỏa thuận với các chủ nợ không phải là lựa chọn của Athens và Hy Lạp đã rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan.
Ông Alexis Tsipras cho rằng, việc Hy Lạp rời khởi EU không phải là lựa chọn tốt bởi không thể giúp Hy Lạp thoát khỏi tình trạng suy thoái vì vẫn phải nhờ đến sự hỗ trợ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Hy Lạp dự định sẽ kết thúc các cuộc đàm phán vào ngày 20/8, hạn chót để thanh toán khoản nợ 3,2 tỉ euro cho Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).
Nhiều thành viên Đảng Syriza, trong đó có cựu Bộ trưởng Tài chính Yanis Varoufakis, đã bày tỏ quan ngại về sự mâu thuẫn giữa chính sách của ông Alexis Tsipras với kết quả của cuộc trưng cầu dân ý phản đối việc thắt lưng buộc bụng. Sự thiếu thống nhất trong Quốc hội Hy Lạp có thể đặt dấu chấm hết cho liên minh và dẫn đến các cuộc bầu cử mới.
Ngày 22/7, tờ Greekreporter từng đưa tin Thủ tướng Alexis Tsipras đã đề nghị Tổng thống Nga Putin cấp 10 tỷ USD để giúp Athens in đồng Drachma của nước này. Nếu điều này là sự thật thì Hy Lạp, ngoài việc tìm kiếm sự trợ giúp từ Moskva, còn có thể đề nghị cả Trung Quốc tài trợ để rời Eurozone.
Theo Nhiệm Bình
Cảnh sát toàn cầu