1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Dàn vũ khí hùng hậu sắp phô diễn sức mạnh trong lễ diễu binh Nga

(Dân trí) - Máy bay chiến đấu Su-57 hay tên lửa siêu thanh Kinzhal là hai trong số những khí tài quân sự được công chúng chờ đón trong lễ diễu binh mừng Ngày Chiến thắng của Nga hôm nay 9/5.

Lễ duyệt binh kỷ niệm 73 năm Ngày Chiến thắng phát xít trong Cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại (9/5/1945-9/5/2018) sẽ diễn ra trên Quảng trường Đỏ ở thủ đô Moscow vào 10 giờ sáng nay giờ Nga, tức 2 giờ chiều giờ Việt Nam.

Khoảng 12.500 binh sĩ, 73 máy bay và 120 phương tiện quân sự dự kiến sẽ tham gia lễ diễu binh của Nga tại Quảng trường Đỏ ở Moscow hôm nay 9/5. Lễ diễu binh năm nay sẽ chứng kiến màn ra mắt của nhiều loại khí tài mới của quân đội Nga như máy bay chiến đấu tàng hình Su-57 hay tên lửa siêu thanh Kinzhal.

Máy bay chiến đấu Su-57


Máy bay chiến đấu Su-57 (Ảnh: United Aircraft Corporation)

Máy bay chiến đấu Su-57 (Ảnh: United Aircraft Corporation)

Su-57 là máy bay chiến đấu thế hệ 5 và là sản phẩm của tập đoàn chế tạo máy bay nổi tiếng Sukhoi. Su-57 được đánh giá cao vì khả năng cơ động, có thể bay ở tốc độ siêu âm và mang theo nhiều loại vũ khí. Su-57 có thể tấn công các mục tiêu cả trên mặt đất lẫn trên không, ngoài ra còn có khả năng tàng hình và được mệnh danh là “bóng ma bầu trời”.

Tên lửa Kinzhal

Tên lửa Kh-47M2 Kinzhal được trang bị bên dưới máy bay MiG-31BM (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga)
Tên lửa Kh-47M2 Kinzhal được trang bị bên dưới máy bay MiG-31BM (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga)

Nga đã thử nghiệm thành công tên lửa siêu thanh Kh-47M2 Kinzhal lần đầu tiên hồi tháng 3 và tên lửa này được phóng từ máy bay chiến đấu MiG-31BM. Tên lửa Kinzhal từng được nhắc tới trong phát biểu của Tổng thống Vladimir Putin, trong đó nhà lãnh đạo Nga mô tả vũ khí này có tốc độ nhanh gấp 10 lần âm thanh và đủ khả năng đánh bại mọi hệ thống phòng không trên thế giới.

Xe tăng T-14

Xe tăng T-14 (Ảnh: Getty)
Xe tăng T-14 (Ảnh: Getty)

Xe tăng T-14 Armata ra mắt lần đầu tiên trong lễ diễu binh Ngày Chiến thắng năm 2015, song chưa được sản xuất hàng loạt vì lý do ngân sách. Ưu thế chủ lực của T-14 là có những tính năng tự động và khả năng di chuyển với tốc độ ước tính lên tới 90km/giờ, nhanh hơn 20km so với xe tăng Abrams M1A2 chủ lực của Mỹ. Pháo 125mm được trang bị trên xe tăng T-14 dự kiến sẽ được nâng cấp lên pháo 152mm.

Tên lửa RS-24 Yars

Tên lửa RS-24 Yars (Ảnh: Reuters)
Tên lửa RS-24 Yars (Ảnh: Reuters)

Tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-24 Yars có khả năng mang theo 10 đầu đạn hạt nhân và tấn công các mục tiêu khác nhau ở khoảng cách lên tới 12.000 km. Tên lửa RS-24 Yars lần đầu được thử nghiệm cách đây 10 năm và Tổng thống Putin từng nói sẽ đưa RS-24 Yars vào kho tên lửa chiến lược với tỷ lệ hơn 70% vào cuối năm 2017. Tên lửa này có thể được triển khai từ hầm cố định lẫn xe phóng lưu động và có khả năng tăng tốc nhanh.

Tên lửa Iskander

Tên lửa Iskander (Ảnh: Wikimedia)
Tên lửa Iskander (Ảnh: Wikimedia)

Tên lửa đạn đạo tầm ngắn Iskander ra đời nhằm thay thế tên lửa Scud từ thời Liên Xô. Tên lửa có tầm bắn tối đa 500km, được đánh giá là rất cơ động với thời gian triển khai sẵn sàng chiến đấu chỉ khoảng 20 phút. Iskander có thể mang theo nhiều đầu đạn từ xuyên phá, nổ mảnh hay hạt nhân, cùng khả năng chuyển hướng linh hoạt trong quá trình bay nhằm tránh các hệ thống tên lửa phòng không của đối phương.

Hệ thống phòng không S-400

Hệ thống phòng không S-400 (Ảnh: Reuters)
Hệ thống phòng không S-400 (Ảnh: Reuters)

S-400 là hệ thống tên lửa phòng không hiện đại nhất của Nga, có thể tiêu diệt tất cả các vật thể xuất hiện trên không trung trong phạm vi trên 400 km, bao gồm các loại máy bay, tên lửa hành trình, phương tiện bay không người lái hay tên lửa đạn đạo. Theo hãng sản xuất Almaz Antey, một hệ thống S-400 có thể tấn công 36 mục tiêu cùng lúc. Nhiều nước đã đặt mua S-400 của Nga, trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước Trung Đông. S-400 đã được Nga triển khai tới Syria trong cuộc chiến chống khủng bố.

Hệ thống phòng không Buk-M2

Hệ thống phòng không Buk-M2 (Ảnh: Reuters)
Hệ thống phòng không Buk-M2 (Ảnh: Reuters)

Buk-M2 là hệ thống phòng thủ tên lửa có khả năng tiêu diệt nhiều loại máy bay, tên lửa và các mục tiêu trên mặt đất. Buk-M2 có thể xác định 24 mục tiêu cùng một lúc, tiêu diệt các mục tiêu ở khoảng cách 50 km và độ cao lên tới 25 km. Đây là một trong những hệ thống tên lửa phòng không tầm trung tự hành tốt nhất thế giới hiện nay.

Xe chiến đấu Terminator

Xe chiến đấu Terminator (Ảnh: BI)
Xe chiến đấu Terminator (Ảnh: BI)

Truyền thông Nga đưa tin xe chiến đấu bọc thép BMPT Terminator sẽ “trình làng” trong lễ diễu binh mừng Ngày Chiến thắng 9/5, song chưa rõ phiên bản nào sẽ được xuất hiện. Tháp pháo BMPT được lắp đặt 2 pháo tự động 2A42 30 mm, 4 tên lửa chống tăng, súng máy và súng phóng lựu. BMPT-72 cũng được trang bị thiết bị nhìn đêm, hệ thống dò tìm bằng tia laser tầm xa và hệ thống tên lửa dẫn đường bằng tia laser.

Tên lửa TOR-M2

Hệ thống tên lửa phòng không TOR-M2 (Ảnh: Reuters)
Hệ thống tên lửa phòng không TOR-M2 (Ảnh: Reuters)

Được biên chế từ năm 2011, hệ thống phòng thủ tên lửa TOR-M2 của Nga được trang bị tên lửa đánh chặn mới, hiệu suất tốt hơn phiên bản Tor-M1, khả năng dự trữ đạn cao hơn và có thể khai hỏa khi di chuyển. Hệ thống Tor-M2 hoàn toàn tự động và có thể cùng lúc tiêu diệt 4 mục tiêu, gấp đôi Tor-M1. Ngoài ra, Tor-M2 được cải tiến để nâng cao năng lực chiến đấu trong môi trường bị gây nhiễu điện tử mạnh.

Xe chiến đấu Uran-9

Xe chiến đấu Uran-9 (Ảnh: BI)
Xe chiến đấu Uran-9 (Ảnh: BI)

Xe chiến đấu tự động Uran-9 được thiết kế để phục vụ mục đích trinh sát, đồng thời hỗ trợ hỏa lực cho các lực lượng đặc nhiệm. Phương tiện chiến đấu này được trang bị pháo tự động 2A72 30mm, các tên lửa chống tăng dẫn đường M120 Akata và súng nòng 7.62 mm. Nga triển khai Uran-9 tới Syria và chứng minh hiệu quả hoạt động nhờ khả năng hoạt động từ xa giúp giảm tổn thất.

Máy bay Korsar

Máy bay chiến đấu không người lái Korsar xuất hiện tại cuộc diễn tập ở Moscow (Ảnh: Reuters)
Máy bay chiến đấu không người lái Korsar xuất hiện tại cuộc diễn tập ở Moscow (Ảnh: Reuters)

Máy bay không người lái Korsar được thiết kế hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết và mọi thời điểm. Korsar được triển khai để phục vụ mục đích trinh sát, xác định mục tiêu, đánh giá thiệt hại tác chiến và vận chuyển các hàng hóa loại nhẹ cho các lực lượng mặt đất. Máy bay này có thể hoạt động cách xa trung tâm chỉ huy khoảng 100 km.

Trực thăng Katran

Trực thăng không người lái Katran (Ảnh: Sputnik)
Trực thăng không người lái Katran (Ảnh: Sputnik)

Lễ diễu binh của Nga năm nay dự kiến sẽ có sự tham gia của trực thăng không người lái Katran. Katran là trực thăng trinh sát và tấn công thế hệ mới của Nga, có khả năng hoạt động trong nhiều điều kiện địa hình và thời tiết. Thiết kế "lai" giữa máy bay không người lái (UAV) và trực thăng của Katran được đánh giá là ưu thế lớn, hỗ trợ quân đội Nga trong nhiều điều kiện tác chiến.

Thành Đạt

Theo BI

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm