1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Dàn vũ khí của Mỹ từng bị Nga tịch thu

(Dân trí) - Ngoài 2 tên lửa Tomahawk “bắn xịt” của Mỹ trong cuộc không kích Syria hồi tháng 4 năm nay, Nga cũng đã tịch thu nhiều vũ khí quan trọng của Washington như máy bay, xe quân sự...

Không tính tới thời kỳ trước Thế chiến II khi Mỹ chuyển hàng ngàn khí tài quân sự tới Liên Xô để cùng chiến đấu chống Phát xít Đức, Liên Xô và Nga hiện tại bắt đầu thu thập các vũ khí của Mỹ từ chiến tranh Triều Tiên năm 1950-1953. Vào thời kỳ đó, Mỹ và các đồng minh đã đối đầu với lực lượng của Triều Tiên, Trung Quốc và Liên Xô.

Trên bán đảo Triều Tiên, Liên Xô đã tiếp cận với M46 Patton, một xe tăng tầm trung vào biên chế quân đội Mỹ từ năm 1949. Các kỹ sư Liên xô thời đó cũng đã nghiên cứu một số hệ thống vũ khí khác bao gồm F-51D Mustang, máy bay chiến đấu chủ chốt của quân đội Mỹ trong Chiến tranh Triền Tiên.

Xe tăng M46 Patton (Ảnh: Sputnik)
Xe tăng M46 Patton (Ảnh: Sputnik)

Vào tháng 9/1958, máy bay của không quân Trung Quốc MiG-17 đã thu được máy bay chiến đấu của lực lượng không quân Đài Loan F-86 Sabre, và bàn giao cho Nga. Sau khi nghiên cứu Sabre, các kỹ sư của Liên Xô đã nhanh chóng phát triển không đối không hồng ngoại tầm ngắn K-13, đối trọng với tên lửa AIM-9 Sidewinder Mỹ. K-13 sau đó đã phục vụ trong quân đội Liên Xô trong nhiều thập niên, cũng như được quân đội nhiều nước tin dùng.

Máy bay F-86F Sabre (Ảnh: USAF)
Máy bay F-86F Sabre (Ảnh: USAF)

Vào khoảng những năm 1980, Mỹ được cho là đã đưa tổ hợp tên lửa phòng không vác vai (MANPADS) Stinger tới chiến trường Afghanistan chi viện cho lực lượng đối lập Mujahedeen. Theo Sputnik, CIA thời đó được cho là đã đưa vào đây 500 tên lửa Stinger và 250 bệ phóng. Tổ hợp này đã hoạt động hiệu quả và bắn hạ một số máy bay của Liên Xô. Cơ quan tình báo quân sự Liên Xô (GRU) đã cử một nhóm đặc vụ đi điều tra nguyên nhân và đã thu được một số kết quả.

Sau khi lực lượng đặc nhiệm thu thập được một vài tổ hợp Stinger, các kỹ sư Liên Xô đã nghiên cứu phương pháp để đối phó với vũ khí này. Theo Sputnik, những cách được đề xuất đã thể hiện tính hiệu quả cao trong tác chiến, giảm thiểu tỉ lệ máy bay Liên Xô bị bắn hạ xuống mức bằng với trước khi Stinger xuất hiện ở Afghanistan.

Lực lượng đặc biệt Liên Xô thu giữ tổ hợp tên lửa phòng không vác vai Stinger
Lực lượng đặc biệt Liên Xô thu giữ tổ hợp tên lửa phòng không vác vai Stinger

Trong thời kỳ hậu Liên Xô, Nga tiếp tục thu giữ các vũ khí của Mỹ nhưng ở quy mô nhỏ hơn. Năm 2008, cuộc chiến giữa Gruzia và Nam Ossetia đã nổ ra do Nam Ossetia muốn giành độc lập và tuyên bố ly khai. Khi đó, Gruzia với sự hỗ trợ của Mỹ được cho là đã phát động tấn công vào Nam Ossetia với sự hỗ trợ của Nga. Cuộc chiến tạm chấm dứt sau 1 tuần giao tranh với thỏa thuận ngừng bắn sơ bộ được Nga và Gruzia ký kết. Sau cuộc chiến, Nga đã thu được 5 xe quân sự Humvee của Mỹ được trang bị thiết bị liên lạc mã hóa và hệ thống điện tử tiên tiến. Nga đã từ chối giao lại các xe cùng trang thiết bị theo yêu cầu của Mỹ.

Xe thiết giáp Humvee (Ảnh: UPI)
Xe thiết giáp Humvee (Ảnh: UPI)

Gần đây nhất là vụ việc Nga thu được 2 tên lửa Tomahawk “bắn xịt” của Mỹ và đồng minh vào Syria ngày 14/4, động thái đáp trả cáo buộc Damascus tấn công bằng vũ khí hóa học.

Trả lời Sputnik, ông Vladimir Mikheev, cố vấn cao cấp của phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghệ điện tử KRET (Nga), cho biết tập đoàn này sẽ bắt tay vào phát triển hệ thống tác chiến điện tử mới trong 3 năm tới dựa trên những dữ liệu phân tích từ tên lửa Tomahawk của Mỹ.

“Có tên lửa này trong tay, chúng tôi có thể hiểu rõ được kênh thông tin liên lạc loại nào, hệ thống thông tin và quản trị ra sao cũng như hệ thống điều hướng và xác định tầm bắn. Khi biết được rõ ràng các thông số, chúng tôi sẽ có thể (tạo nên vũ khí) chống lại tên lửa hành trình này hiệu quả hơn ở mọi giai đoạn nó triển khai tác chiến”, ông Mikheev giải thích.

Chuyên gia quân sự Alexei Leonkov cho hay việc phân tích tên lửa Tomahawk có thể sẽ giúp Nga cải thiện công nghệ cảnh báo sớm. Tên lửa Tomahawk hiện tại sử dụng hệ thống hệ thống định dạng mặt đất TERCOM cùng một loạt các hệ thống tìm kiếm và phát hiện mục tiêu. Việc phân tích các thành tố này có thể giúp Nga có cái nhìn trọn vẹn hơn nữa về mặt tổng thể và chế tạo ra công cụ có khả năng cảnh báo sớm và hiệu quả với tên lửa sử dụng các công nghệ tương tự.

Cựu Đại tá quân đội Mikhail Khodarenok cho rằng 2 tên lửa Tomahawk giống “một cuốn sách giáo khoa về công nghệ từ trên trời rơi xuống”.

Nga trưng bày hai tên lửa " bắn xịt" của Mỹ trong vụ không kích Syria

Đức Hoàng

Theo Sputnik