1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Dân nghèo Trung Quốc khốn đốn vì hệ lụy từ công nghiệp luyện kim

(Dân trí) - Sự phát triển nhanh chóng của ngành luyện kim Trung Quốc đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống, sức khỏe và tính mạng của những người dân sống ở khu vực nông thôn nghèo.

Dân nghèo Trung Quốc khốn đốn vì hệ lụy từ công nghiệp luyện kim - 1

Nguồn nước bị ô nhiễm ở Jingxi, Quảng Tây (Ảnh: Washington Post)

Thâu đêm suốt sáng, các xe tải chạy ùn ùn không ngừng nghỉ trên đường Nanjiu, vùng Dachang, tỉnh Quảng Tây. Đây là cảnh tượng quen thuộc tại trung tâm của một trong những ngành công nghiệp nguy hiểm nhất nhì Trung Quốc.

Những chiếc xe tải chở quặng kim loại xuống một thung lũng phía dưới những hầm mỏ thiếc, đồng và kẽm. Sau đó, chiếc xe tiếp tục chạy lên ngọn núi nơi đặt các lò luyện kim. Ngành công nghiệp này là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến hàm lượng bụi ở Dachang cao gấp 100 lần hạn mức mà chính phủ Trung Quốc khuyến cáo, theo Washington Post.

Suốt dọc phía nam Trung Quốc, ngành công nghiệp luyện kim của Trung Quốc đã phục vụ nhu cầu sản xuất linh kiện trên thế giới, với các nguyên liệu được dùng trong các sản phẩm từ pin điện thoại, xe mô tô điện cho tới khung máy bay.

Ngành công nghiệp luyện kim của Trung Quốc giờ đây cho ra lò 57 triệu tấn kim loại như đồng, nhôm, chì, kẽm mỗi năm, tăng mạnh so với con số 6 triệu tấn năm 1998.

Tuy nhiên, những cộng đồng hẻo lánh, nghèo khổ nhất Trung Quốc đang phải trả giá cho sự phát triển này.  

Môi trường độc hại

Quảng Tây là khu vực có nhiều mỏ kim loại giàu có về trữ lượng, nhưng đây cũng là nơi có nhiều đồng ruộng bị bỏ hoang vì bị ô nhiễm chì và cadimi.

Người dân ở đây vén tay áo lên và cho phóng viên của Washington Post chứng kiến những dị tật họ mắc phải khi ăn đồ ăn bị nhiễm độc kim loại nặng. Người dân mòn mỏi chờ mỗi ngày để được cung cấp nước sạch.

Trong thập niên vừa qua, giới lãnh đạo Trung Quốc đã siết chặt quy định về ngành luyện kim, bao gồm việc ra bộ luật đầu tiên về ô nhiễm đất hồi năm ngoái.

Sau 8 năm nghiên cứu, Trung Quốc năm 2014 đã thừa nhận một sự thật rằng 20% diện tích đất canh tác của nước này bị nhiễm độc và 1/3 lượng nước bề mặt ở Trung Quốc không an toàn để con người tiếp xúc. 

Dân nghèo Trung Quốc khốn đốn vì hệ lụy từ công nghiệp luyện kim - 2

Một máy luyện kim ở làng Tanghan, tỉnh Quảng Tây, một trong những tác nhân gây ra ô nhiễm nghiêm trọng ở khu vực lân cận (Ảnh: Washington Post)

Các quan chức cấp cao hồi tháng trước cho biết họ đã chi 4 tỷ USD để khử độc đất bị ô nhiễm, tuy nhiên, con số này chưa thấm vào đâu so với khoản ước tính 4.000 tỷ USD mà giới chuyên gia Trung Quốc đưa ra.

Cựu quan chức bảo vệ môi trường Trung Quốc Song Guojun nhận định rằng các lãnh đạo trung ương đưa ra tầm nhìn tốt nhưng ở cấp địa phương đang xảy ra sự thiếu minh bạch, thiếu ngân sách và thiếu trách nhiệm giải trình.

Vì vậy, nhiều doanh nghiệp luyện kim hiện đang tùy ý vận hành cơ sở của họ và thải ra môi trường những hóa chất độc hại, gây ảnh hưởng tới môi trường và sức khỏe con người.

Wei Shujian, một người dân sống ở đường Nanjiu hàng chục năm qua thừa nhận rằng số xe tải chạy trên con đường này đã tăng lên rất nhiều so với ngày trước.

“Những phương tiện này là không thể ngăn lại được”, Wei nói với tông giọng khò khè vì bệnh phổi không thể chữa khỏi gây ra bởi không khí ô nhiễm. Wei chỉ về hướng sườn đồi, nơi hoạt động khai mỏ đang diễn ra.

Tai nạn nghề nghiệp

Ngày 28/10, khi Meng đang ngồi dưới lòng đất của một khu hầm mỏ, chờ ca làm việc lúc 19 giờ bắt đầu, anh nghe thấy một tiếng nổ lớn.

Meng vội vã tháo chạy bằng một chiếc xe đẩy để lên mặt đất. Mỏ thiếc Qingda 2 bị sập khiến 2 thợ mỏ bị chết, 11 người còn lại “không còn cơ hội sống sót” tại khu vực khai thác cách Dachang 16 km về phía bắc.

20 năm trước, theo nhiều thống kê, khai thác than ở Trung Quốc được coi là nghề nghiệp gặp nhiều tai nạn lao động chết người nhất thế giới. Ngày nay, nghề khai thác mỏ kim loại đã nắm giữ vị trí này với 487 trường hợp tử vong vào năm 2017, vượt trên ngành than.

Một phần của sự vượt lên này là vì ngành khai thác than ở Trung Quốc đã cải tiến các tiêu chuẩn về an toàn lao động, nhưng ngành khai thác kim loại thì đang bị "bỏ quên".

Với những người nghèo nhưng Meng, dù nguy hiểm nhưng vì đồng lương, anh không có lựa chọn nào khác là làm việc cho mỏ Qingda 2 dù điều kiện an toàn lao động là không đảm bảo. Theo Meng, làm việc cho doanh nghiệp tư nhân có nghĩa là nơi nào có quặng thì họ sẽ tới khai thác, nhưng làm việc cho công ty nhà nước thì có thể không khai mỏ nếu thấy nguy hiểm.

Mỏ Qingda-2 trả cho người cha 2 con 32 tuổi 1.140 USD mỗi tháng trong khi tại công ty nhà nước Gaofeng, nơi có môi trường làm việc đỡ rủi ro hơn, khoản lương chỉ là 300 USD.

“Bạn không thể nuôi gia đình với đồng lương như vậy”, Meng nói anh không có lựa chọn nào khác là buộc phải làm cho công ty tư nhân.

Một thực tế khác là 30.000 người dân Dachang vẫn đang sống dựa vào ngành khai mỏ dù họ từng trải qua một quá khứ kinh hoàng với ngành này.

Năm 2000, bể chứa chất thải bị vỡ và cuốn trôi cả một ngôi làng khiến 28 người chết. Nhưng vụ tai nạn tồi tệ nhất trong lịch sử Dachang diễn ra năm 2001 khi nước lũ làm 81 thợ mỏ thiệt mạng.

Các mỏ ở phía bắc Dachang liên tục gặp phải các vụ sập mỏ, khiến trung bình từ 1-2 công nhân chết mỗi khi có vụ việc xảy ra.

Di chứng nặng nề

Nước sử dụng trong công nghiệp khai mỏ cần phải được dự trữ cẩn thận và xử lý đúng quy trình. Nếu việc này không được thực hiện đúng, các chất độc kim loại nặng sẽ rò rỉ ra môi trường.

Một khảo sát Viện Công nghệ Lao động Quảng Tây và Đại học Nam Ninh thực hiện giữa năm cho biết không khí ở Dachang độc hại nghiêm trọng khi lượng asen gấp 111 lần chuẩn quốc gia, cadimi là 55 lần và chì là 2,45 lần.

Dân nghèo Trung Quốc khốn đốn vì hệ lụy từ công nghiệp luyện kim - 3

Ông Huang Guiqing với bàn tay biến dạng vì nhiễm độc kim loại nặng (Ảnh: Washington Post)

Washington Post dẫn lời nông dân Wei chun, cho hay 20/25 trẻ em sinh ra ở làng Tanghan, xét nghiệm ra lượng chì trong máu vượt chuẩn từ 10 năm trước. Hàng năm qua, các quan chức địa phương bồi thường cho các gia đình có trẻ bị nhiễm độc bằng 30 quả trứng và 1 lít sữa mỗi tháng.

Tại làng Tanghuang lân cận, người dân chỉ vào những cây hạt dẻ không còn cho ra hạt, trong khi một số cây khác chuyển sang màu vàng. Theo người dân, nước đọng trên mặt sàn bay hơi đi bỏ lại những vết đỏ kỳ lạ.

Các hồ nước quanh các làng đã nổi những lớp màu vàng trên bề mặt và kết quả xét nghiệm mà Washington Post có được cho thấy lượng chì trong đây cao gấp 8 lần mức an toàn uống được của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA).

Ngoài ra, trong những năm qua, Trung Quốc từng có những vụ phát hiện hàm lượng kim loại nặng trong gạo đạt mức cao, do khu đất ô nhiễm xen lẫn với đất canh tác.

Tại quận Daxin, cách Dachang 4 giờ lái xe, Huang Guiqing cực nhọc lật giở những trang tài liệu với ngón tay nổi cục như những quả bong bóng bị xì hơi. Chúng lớn cỡ bằng trái bóng gôn mọc từ tay và chân. Ông Huang đã có nhiều năm trồng trọt và uống nước nhiễm cadimi.

Hơn 46 người ở làng của ông bị nhiễm độc kim loại nặng từ những năm 1970 sau nhiều năm nước thải từ mỏ thiếc và chì xả vào con kênh tưới tiêu trồng trọt.

Đức Hoàng

Theo Washington Post