1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Dân Mỹ rầm rập xuống đường vì màu da

(Dân trí) - Ngày 20/7, hàng nghìn người dân Mỹ lại xuống đường biểu tình tại hơn 100 thành phố trên khắp nước Mỹ để phản đối phán quyết tha bổng George Zimmerman trong vụ sát hại thanh niên da màu Trayvon Martin.

Người biểu tình cẩm ảnh của nạn nhân da màu Trayvon Martin trong cuộc biểu tình diễn ra ở
Người biểu tình cẩm ảnh của nạn nhân da màu Trayvon Martin trong cuộc biểu tình diễn ra ở hàng trăm thành phố trên toàn nước Mỹ.

Những người biểu tình đòi phải truy tố Zimmerman, 29 tuổi, vì đã nổ súng bắn chết cậu thanh niên da màu Trayvon Martin hồi tháng 2/2012. Khi đó, Martin mới 17 tuổi và trong tay không một tấc sắc phòng vệ.

Tuy nhiên, trong phiên xét xử hôm 13/7,  bồi thẩm đoàn gồm 6 phụ nữ ở tòa án bang Florida lại quyết định tha bổng cho tình nguyện viên dân phòng Zimmerman với lý do người này giết Trayvon Martin để tự vệ.

Trong phát biểu đầu tiên của mình, Tổng thống Barack Obama -Tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ-  thừa nhận rằng nhiều người cùng màu da với ông đang bị phân biệt đối xử ở Mỹ.

Đây là lý do dẫn tới các cuộc biểu tình ở Mỹ trong nhiều ngày qua với đỉnh điểm là cuộc biểu tình toàn quốc ngày hôm qua thu hút sự tham gia của hàng nghìn người tại ít nhất 100 thành phố trên toàn nước Mỹ, trong đó có Atlanta, Chicago, Los Angeles, Miami và New York.

Những người biểu tình gọi đây là cuộc xuống đường đòi “Công lý cho Trayvon” và được tổ chức đúng một tuần sau phán quyết gây tranh cãi của tòa Florida.

Các cuộc biểu tình do Mạng lưới hành động quốc gia phát động dưới sự lãnh đạo của linh mục Al Sharpton, một nhà hoạt động trong lĩnh vực quyền dân sự.

"Chúng ta không xuống đường vì bạo lực. Chúng ta xuống đường chống lại bạo lực”, ông Sharpton nói tại cuộc biểu tình ở New York. “Đó là thứ bạo lực đã xảy ra đối với người thanh niên vô tội, không có vũ khí trong tay tên là Trayvon Martin".

Ông Sharpton còn nói với những người ủng hộ rằng ông muốn bãi bỏ các điều luật tự vệ như ở bang Florida.

"Chúng ta cố gắng thay đổi luật pháp để làm sao điều này sẽ không bao giờ xảy ra nữa”, vị linh mục da màu nói tiếp.

Rapper Jay Z và vợ, ca sỹ Beyonce, cũng xuất hiện trên sân khấu tại cuộc biểu tình ở New York.

Tại Miami, cha của Trayvon Martin là ông Tracy Martin cũng tham gia biểu tình và hát vang bài hát của phong trào quyền dân sự mang tên We Shall Overcome.

Mẹ của nạn nhân Martin, bà Sybrina Fulton, thì nghẹn ngào nói: “Hôm nay là con trai tôi. Ngày mai có thể sẽ là con của quý vị".

“Có thể là tôi”

Trong cuộc họp báo bất thường hôm thứ Sáu, Tổng thống Obama nói rất ít người da màu ở Mỹ chưa từng trải qua phân biệt đối xử chủng tộc.

Ông Obama cũng nói rằng nỗi đau của người Mỹ gốc Phi trong vụ Zimmerman bắt nguồn từ việc họ nhìn nhận sự việc qua lăng kính từ những gì chính họ đã trải qua và của “một lịch sử vẫn chưa thể chấm hết”. Vì thế, người Mỹ da màu luôn ý thức về phân biệt chủng tộc trong việc áp dụng luật hình sự.

“Tất cả những cái đó dẫn đến cảm giác rằng, nếu như một thanh niên da trắng lâm vào tình trạng như thế này thì kết quả và hậu quả sẽ rất khác biệt”, vị Tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ nói.

Ông cũng nói rằng trong quá khứ đã từng bị phân biệt đối xử như bị theo dõi khi đi mua sắm. "Rất ít người Mỹ gốc Phi chưa từng trải nghiệm việc đi trên phố và nghe thấy người ta vội sập chốt xe hay chốt cửa. Rất ít người Mỹ gốc Phi chưa từng bước vào thang máy và chứng kiến cảnh phụ nữ co rúm ôm chặt túi xách chỉ mong ngóng đến lúc ra".

Tuy nhiên, Tổng thống Obama cũng kêu gọi người dân biểu tình một cách hòa bình, cho rằng bạo lực sẽ "bôi nhọ những gì đã xảy ra với Trayvon Martin".

Mai Hương
Theo BBC