1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Đan Mạch bị nghi thuê lao động Triều Tiên chế tạo tàu chiến

(Dân trí) - Một bộ phim tài liệu đã hé lộ Đan Mạch đã gián tiếp thuê lao động Triều Tiên để xây dựng tàu chiến Lauge Koch, động thái khiến dư luận đặt ra nghi vấn liệu tiền thuế của Đan Mạch có góp phần duy trì chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên hay không.

Tàu chiến Đan Mạch Lauge Koch (Ảnh: Flemming Sørensen / Knud Rasmussen)
Tàu chiến Đan Mạch Lauge Koch (Ảnh: Flemming Sørensen / Knud Rasmussen)

Khoảng 1 tuần sau khi Đan Mạch lên án Triều Tiên về tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng tại cuộc gặp gỡ với Đại sứ Triều Tiên, Danish Radio đã tung 1 bộ phim tài liệu hé lộ rằng Copenhagen dường như đang gián tiếp góp phần bơm tiền duy trì chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Trong bộ phim mang tên “Bí mật tàu chiến” được trình chiếu vào ngày 26/9, tàu chiến do Đan Mạch mang tên Lauge Koch được cho là đã được đóng ở Ba Lan với sự tham gia của các lao động Triều Tiên. Cáo buộc này được chứng minh bằng hàng loạt bằng chứng từ hợp đồng, giấy biên nhận và cả các nhân chứng.

Theo đó, dự án trị giá 80 triệu USD đóng tàu chiến Lauge Koch của Đan Mạch được cho là đã thuê một nhà thầu phụ ở Ba Lan có sử dụng lao động Triều Tiên thông qua công ty Triều Tiên mang tên Rungrado, công ty hiện đang chịu lệnh trừng phạt với cáo buộc buôn lậu công nghệ tên lửa.

Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, Bình Nhưỡng hàng năm thu được ít nhất 2 tỷ USD thông qua việc xuất khẩu lao động chân tay ra nước ngoài. Đây là một nguồn ngoại tệ quan trọng giúp Bình Nhưỡng có thể vượt qua được các lệnh trừng phạt nghiêm khắc. Kể từ khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un lên nắm quyền, số lao động Triều Tiên ở nước ngoài ngày càng tăng lên cao, ước tính có khoảng 100.000 người ở thời điểm hiện tại.

Ông Jai-chul Choi, Đại sứ Hàn Quốc tại Đan Mạch, nhận định: “Xuất khẩu lao động mang lại nguồn tiền mặt quan trọng giúp Triều Tiên thực hiện tham vọng tên lửa và vũ khí hạt nhân. Nếu một phần tiền thuế của người dân Đan Mạch được sử dụng cho mục đích đó, thì đó thật sự là một thảm họa”.

Các đảng ở Đan Mạch bao gồm đảng Dân chủ Xã hội, Liên minh Đỏ-Xanh và đảng Tự do Xã hội yêu cầu Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch Claus Hjort Frederiksen giải thích về vụ việc.

Lực lượng vũ trang Đan Mạch và nhà thầu Đan Mạch Karstsensens Skibsværft bước đầu đã phủ nhận sự tham gia của lao động Triều Tiên trong quá trình sản xuất. Tuy nhiên, tướng Anders Mærkedahl thuộc bộ phận chuyên về vật tư thuộc Bộ Quốc phòng Đan Mạch đã thừa nhận không thể loại trừ hoàn toàn khả năng có lao động Triều Tiên tham gia sản xuất tàu.

Trong bộ phim tài liệu, các nhân chứng là công nhân xưởng đóng tàu ở Ba Lan cũng cho biết một số lao động Triều Tiên đã làm thợ hàn trên tàu của Đan Mạch.

Cũng theo bộ phim tài liệu, cuộc sống của lao động Triều Tiên tham gia vào quá trình đóng tàu chiến Đan Mạch rất vất vả. Họ bị tịch thu hộ chiếu, bị giám sát thường xuyên và phải làm việc tăng ca với đồng lương thấp.

Đức Hoàng

Theo Sputnik