1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Đàm phán về Syria: Cầm chắc thất bại

Ngày mai, (29/1) theo dự kiến hội nghị đàm phán hòa bình về Syria sẽ diễn ra tại Geneve, Thụy Sĩ, dưới sự bảo trợ của LHQ. Tuy nhiên, đến giờ này vẫn chưa thống nhất được thành phần tham dự.

 Sự chia năm sẻ bảy của phe đối lập Syria cũng như những nước bảo hộ họ cho thấy cuộc hội đàm lần này cầm chắc thất bại.

Cuộc xung đột tại Syria đã kéo dài hơn 4 năm và làm hơn 250.000 người chết
Cuộc xung đột tại Syria đã kéo dài hơn 4 năm và làm hơn 250.000 người chết

Loạn nhóm đối lập

Đây là hội nghị quốc tế lần thứ 3 về tái lập hòa bình cho Syria được tổ chức tại Geneve, Thụy Sĩ (còn được gọi là Geneve 3). So với 2 lần trước, hội nghị lần này mở rộng thành phần đối lập tham gia đàm phán. Nhưng cũng chính vì điều này mà Geneve 3 bị hoãn lại từ ngày 25/1 đến 29/1 do các bên không thống nhất được thành phần tham dự.

Về phía đại diện chính phủ Syria thì không nói làm gì, nhưng về phía đối lập thì có đến 15 đoàn (theo danh sách mời của Nga). Mà ở Syria đâu chỉ có 15 phe đối lập. Ngoài hai nhóm bị coi là khủng bố IS và Jabhat Al-Nusra, còn có 45 nhóm nổi dậy và đối lập ở Syria mà rất nhiều trong số đó bị Nga và chính quyền Damas liệt vào thành phần khủng bố nên không được mời.

Chưa kể, ngày 27/1, trong một động thái dường như bác bỏ đề xuất cho phép người Kurd tham gia tiến trình hòa đàm về Syria, LHQ cho biết chỉ những người Syria mới được mời tới dự các cuộc hòa đàm tại Geneve vào ngày 29/1.

Trong khi đó, người đứng đầu Hội đồng Dân chủ Syria đối lập Haytham Manna tuyên bố sẽ không tham gia đàm phán tại Geneve nếu 2 thủ lĩnh người Kurd là Saleh Muslim và Ilham Ahmed không được mời tham dự.

Loạn phe bảo trợ

Cuộc hòa đàm về Syria do LHQ làm trung gian. Do vậy, thành phần được mời sẽ do Cao ủy Liên Hiệp Quốc phụ trách đàm phán (HCN) quyết định dựa trên danh sách đề xuất của các bên.

Trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Sputnik của Nga, Fuad Eliko, thành viên Liên minh Quốc gia Syria đối lập bình luận: "Nga đã đệ trình danh sách gồm 15 đại diện của phe đối lập Syria, mà theo ý kiến của Moskva, những người này nhất định phải tham gia cuộc đàm phán Geneve 3. Đây có thể là một phái đoàn chung hoặc hai nhóm riêng của phe đối lập. Nga đặc biệt nhấn mạnh rằng, tham gia Geneve 3 phải có đại diện của các lực lượng dân chủ Syria, người đứng đầu đảng Liên minh Dân chủ người Kurd Salih Muslim, cũng như Kadri Cemil và Haytham Manna. Cho đến nay, sự tham gia của các nhân vật này chưa được xác nhận".

Hôm 25/1, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã gặp gỡ với các đại diện của phe đối lập Syria ở Arập Xê út để thảo luận về quá trình chuẩn bị cho cuộc đàm phán ở Geneve. Theo kế hoạch, sau đó sẽ tổ chức một cuộc họp với phía Nga để cuối cùng làm rõ danh sách các thành viên tham gia cuộc đàm phán. Tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có thông báo gì. Theo nhiều nguồn tin, nhìn chung Mỹ chấp thuận với danh sách của Nga đưa ra. Đại diện của Mỹ chưa bình luận gì trước thông tin này.

Trong khi đó, trong tuyên bố hôm 26/1, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết, Ankara sẽ tẩy chay các cuộc hòa đàm, nếu như Đảng Liên minh Dân chủ người Kurd được mời tham dự.

Ông Cavusoglu nói: "Tất nhiên Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tẩy chay các cuộc đàm phán tại Geneva. Họ có thể tổ chức một cuộc họp ở một nơi khác, đó là vấn đề của họ. Nhưng Đảng Liên minh Dân chủ người Kurd không được phép xuất hiện trong đoàn đàm phán. Đây là quan điểm rõ ràng của Thổ Nhĩ Kỳ". Ankara cho rằng lực lượng này có liên hệ với những phiến quân người Kurd hoạt động bên trong Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuyên bố trên của Thổ Nhĩ Kỳ được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov kịch liệt phản đối yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ đòi loại Đảng Liên minh Dân chủ người Kurd khỏi danh sách tham gia hòa đàm Syria. Ngoại trưởng Nga khẳng định, đàm phán hòa bình Syria sẽ không thể thành công nếu không có sự tham gia của đại diện người Kurd.

Ủy ban Đàm phán cấp cao (HNC) - đại diện cho liên minh gồm nhóm đối lập chính Liên minh Dân tộc Syria và nhiều phe phái nổi dậy lớn đang tham chiến ở quốc gia Trung Đông này (được Arập Xê út bảo trợ) muốn ủy ban này sẽ là đại diện đối lập duy nhất tham gia hòa đàm.

Điều gì mới quyết định hòa bình tại Syria?

Ngày 27/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner cho rằng các phe nhóm đối lập Syria có cơ hội lịch sử để tới Geneva và đề xuất các cách thức nghiêm túc, thiết thực nhằm thực thi ngừng bắn, tiếp cận nhân đạo và các biện pháp xây dựng lòng tin khác. Theo Toner, lực lượng đối lập Syria nên tham gia đàm phán mà không cần điều kiện tiên quyết, đồng thời cần thể hiện thiện chí đối với tiến trình chuyển giao quyền lực một cách hòa bình ở Syria. Ông Toner cho rằng, việc khởi động các cuộc đàm phán là vấn đề cấp bách hiện nay.

Cùng ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Gennady Gatilov thông báo Ngoại trưởng Syria Walid al-Moualem sẽ dẫn đầu phái đoàn chính phủ tham gia cuộc đàm phán hòa bình với phe đối lập vào ngày 29/1. Truyền thông Nga dẫn lời ông Gatilov cho biết Đặc phái viên LHQ về Syria Staffan de Mistura đã gửi lời mời tới Ngoại trưởng Syria al-Moualem với tư cách người đứng đầu phái đoàn chính phủ.

“Tương lai của Syria sẽ được quyết định trên chiến trường chứ không phải ở Geneva”, đó là nhận xét của nhà phân tích địa chính trị Toni Cartalucci.

Theo chuyên gia này các cuộc đàm phán hòa bình chỉ là một nỗ lực khác để làm trật hướng các cố gắng của Nga và chính phủ Syria trong việc tái thiết đất nước này. Washington, NATO và các đồng minh vùng Vịnh vẫn hy vọng Tổng thống Bashar al-Assad từ chức và một thể chế thân phương Tay sẽ lập lại hòa bình ở Damas.

Ông Cartalucci cho rằng: “Phương Tây và Mỹ nói riêng luôn đề cập đến tình hình ở Syria bằng một giọng hòa giải. Ngoại trưởng John Kerry cũng cố gây ấn tượng khi nói rằng một sự thay đổi thể chế ở Syria sẽ không còn xa nữa. Tất nhiên, những tuyên bố như vậy càng cho thấy Mỹ hy vọng rằng Tổng thống Assad sẽ lùi bước”.

Trong khi đó, các đồng minh của Washington lại luôn tìm cách xen ngang vào những nỗ lực của Nga và chính phủ Syria. Trước khi diễn ra các cuộc đàm phán ở Geneva, Washington và các đồng minh trong khu vực đã tăng cường các hoạt động quân sự ở Syria. Cùng lúc đó, với sự hỗ trợ của Không quân Nga, quân đội Syria đã đánh đuổi được nhiều phiến quân Hồi giáo cực đoan ra khỏi các căn cứ trọng yếu trong nước.

Theo ông Cartalucci, các cuộc đàm phán ở Geneva chỉ là một biện pháp “câu giờ”. Nga và Syria nên tiếp tục các nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria bằng các biện pháp ngoại giao cũng như gạt bỏ các rào cản ở Trung Đông. “Đánh bại hoàn toàn các “tay chân” của phương Tây trên chiến trường, bảo vệ biên giới Syria, hình thành lực lượng quân sự để ngăn chặn sự can thiệp vũ trang của phương Tây… là những biện pháp hữu hiệu nhất để đạt được thỏa thuận hòa bình ở Syria”, nhà phân tích gợi ý.

Về kết quả có thể có của cuộc đàm phán ở Geneve, về triển vọng ngăn chặn các hành động quân sự ở Syria, thành viên Liên minh Quốc gia Syria Fuad Eliko nói: "Nếu Iran, Nga, Mỹ, Arập Xê út và Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục được những mâu thuẫn và thể hiện ý chí chính trị thống nhất, thì cuộc đàm phán Geneve sẽ phục vụ sự nghiệp hòa bình ở Syria. Nếu điều này không xảy ra thì cuộc chiến sẽ còn kéo dài".

Nhiều nhà phân tích nhận định, cuộc đàm phán lần này nếu diễn ra theo đúng kế hoạch cũng sẽ không mang lại nhiều kết quả vì những bất đồng chưa được giải quyết giữa các bên.

Theo AFP. AP...

PetroTimes