Đàm phán liên Triều về khu công nghiệp Kaesong đổ vỡ
(Dân trí) – Kết thúc vòng đám phán thứ 6 trong ngày hôm qua, Triều Tiên và Hàn Quốc tiếp tục không thể thống nhất về thời điểm mở lại khu công nghiệp chung Kaesong, đồng thời cũng không ấn định được thời điểm cho phiên đàm phán tiếp theo.
Theo hãng tin AFP, sau cuộc họp hai bên tiếp tục đổ lỗi cho nhau về cái mà Triều Tiên gọi là “đổ vỡ thực sự” của các vòng đàm phán với mục tiêu khôi phục khu công nghiệp chung Kaesong.
“Việc Triều Tiên tuyên bố các cuộc đàm phán đã đổ vỡ là rất đáng tiếc”, Kim Hyung-Suk, người phát ngôn Bộ thống nhất Hàn Quốc nói. “Căn cứ trên kết quả cuộc gặp ngày hôm nay, chính phủ nhận thấy tương lai của khu công nghiệp Kaesong đang bị đe dọa nghiêm trọng”
Trước đó, trưởng đoàn đàm phán của Triều Tiên Pak Chol-Su cảnh báo rằng Triều Tiên có thể biến khu công nghiệp chung này thành một căn cứ quân sự nếu đàm phán thất bại.
“Nếu số phận khu công nghiệp Kaesong kết thúc theo cách này, quân đội sẽ tái làm chủ nó”, ông Pak nói.
Trước đây quân đội nước này đã phải di chuyển các trang thiết bị quân sự để giải phóng mặt bằng cho khu công nghiệp đi vào hoạt động năm 2004.
Từ đầu tháng đến nay các quan chức hai bên đã có 5 vòng đàm phán nhằm thu hẹp cách biệt trong việc “giải cứu” biểu tượng cuối cùng của sự hòa giải còn sót lại.
Kể từ tháng 4 vừa qua Kaesong này đã phải ngừng hoạt động do căng thẳng quân sự leo thang.
Một số nhà phân tích cho rằng phiên đàm phán ngày thứ Năm là cơ hội cuối để cứu lấy Kaesong, bởi căng thẳng có thể gia tăng trở lại trong tháng 8 khi Hàn Quốc tổ chức tập trận quân sự thường niên với Mỹ.
Chi tiết của cuộc tập trận người bảo vệ tự do Ulji vẫn chưa được công bố, nhưng thường nó vẫn diễn ra vào giữa tháng 8 và kéo dài 10 ngày, với sự tham dự của hàng chục nghìn binh sỹ Mỹ - Hàn.
“Thật đáng tiếc là Kaesong giờ đang sắp phải đóng cửa vĩnh viễn”, giáo sư Triều Tiên học Yang Moo-Jin của đại học Seoul nhận định. “Sự đối đầu giữa hai bên sẽ gia tăng và căng thẳng quân sự trên bán đảo Triều Tiên sẽ tiếp tục lên cao”.
Hoạt động tại Kaesong bị đình trệ sau khi Triều Tiên rút 53.000 công nhân khỏi 123 nhà máy của Hàn Quốc hồi tháng 4. Các cuộc đàm phán về việc bình thường hóa hoạt động đã bị phủ bóng đen bởi những cáo buộc lẫn nhau xem ai là người chịu trách nhiệm cho việc khu công nghiệp bị đóng cửa.
Hàn Quốc muốn Triều Tiên nhận trách nhiệm và có đảm bảo bằng văn bản rằng sẽ không bao giờ để tình trạng này tái diễn. Trong khi đó Triều Tiên bác bỏ trách nhiệm và cho rằng họ phải hành động do các hành động hiếu chiến và đe dọa của Hàn Quốc, cụ thể là một loạt cuộc tập trận quân sự chung với Mỹ.
Giáo sư Koh Yu-Hwan của đại học Dongguk cho rằng Triều Tiên nhận thấy yêu cầu nước này phải nhận hoàn toàn trách nhiệm của Hàn Quốc là một sự lăng mạ với thể diện quốc gia. “Triều Tiên có thể sẽ tạo ra một cuộc khủng hoảng với một số hành động khiêu khích quân sự”, Koh nhận định.
Thanh Tùng
Theo AFP