1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Đàm phán hòa giải ở Myanmar

Myanmar hôm 12/11 cho hay, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã hoan nghênh quốc gia này trong việc tổ chức cuộc bầu cử “tự do và công bằng”, trong khi Chính phủ và tướng lĩnh quân đội nước này hứa hẹn sẽ để quá trình chuyển giao quyền lực diễn ra một cách suôn sẻ.

Đàm phán hòa giải ở Myanmar - 1

Bà Aung San Suu Kyi đã kêu gọi đàm phán hòa giải quốc gia với phía quân đội sau bầu cử. (Nguồn: AFP)

Myanmar nằm dưới sự chỉ huy của chính quyền quân đội trong một nửa thế kỷ qua, tuy nhiên Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) do bà Aung San Suu Kyi dẫn đầu đến nay đã giành được trên 85% số ghế trong Quốc hội sau cuộc tổng tuyển cử tổ chức hôm Chủ nhật vừa qua.

Trong sáng 12/11, Tổng thống Mỹ Barack Obama “đã gọi điện cho Tổng thống Thein Sein để chúc mừng ông và Chính phủ vì đã tổ chức thành công cuộc bầu cử lịch sử đầy tự do và công bằng” - Bộ trưởng Thông tin Myanmar, ông Ye Htut, nói trên trang Facebook cá nhân của mình.

Được biết, ông Obama là người đã rất tích cực trong quá trình thúc đẩy tiến trình cải cách ở Myanmar và ủng hộ biểu tượng của nền dân chủ nước này – bà Suu Kyi. Ông chủ Nhà Trắng đã từng 2 lần đến thăm Myanmar kể từ năm 2011 đến nay. Ông Obama đã thúc giục đất nước Myanmar tiến đến nền dân chủ toàn diện, và cũng từng nêu vấn đề về người thiểu số Rohingya ở nước này.

Trong cuộc điện đàm mới nhất, ông Obama đã nói với người đồng cấp Myanmar rằng ông nên cảm thấy “tự hào vì cuộc bầu cử lịch sử” và hoan nghênh “tiến trình cải cách đầy dũng cảm của Tổng thống Myanmar” - ông Ye Htut cho hay. Hiện vẫn chưa có sự xác nhận từ Nhà Trắng về cuộc điện đàm này.

Tính đến sáng 12/11, Đảng đối lập NLD của bà Suu Kyi tiếp tục tiến gần hơn đến một chiến thắng toàn diện sau khi giành được đến 273 ghế trong Quốc hội và dự kiến sẽ còn tăng cao hơn khi có thêm nhiều kết quả sẽ được công bố trong thời gian tới.

Trong một tuyên bố được thông báo qua Facebook cá nhân, Tổng thống Thein Sein cùng người đứng đầu quân đội Min Aung Hlaing, đã chúc mừng Đảng của bà Suu Kyi, và tuyên bố rằng họ sẽ tôn trọng kết quả của cuộc bỏ phiếu và sẽ cùng làm việc với bà để thành lập một chính phủ mới.

Ông Min Aung Hlaing, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Myanmar, còn nhắc lại quan điểm của mình, là sẽ “hợp tác với Chính phủ mới trong giai đoạn hậu bầu cử” - như tuyên bố mà ông này đưa ra trên tài khoản Facebook cá nhân hôm 12/11.

Rất nhiều người ủng hộ Đảng đối lập NLD hiện nay vẫn rất quan ngại về khả năng quân đội và các đồng minh của họ trong Quốc hội Myanmar sẽ gây cản trở tiến trình dân chủ ở nước này. Sự quan ngại này được cho là bắt nguồn từ sự việc hồi năm 1990, khi Đảng của bà Suu Kyi giành chiến thắng, nhưng kết quả lại bị phía quân đội phớt lờ và tiếp tục nắm giữ quyền lực.

Quân đội Myanmar đã điều hành nước này trong nửa thế kỷ và giam lỏng bà Suu Kyi tại nhà trong 15 năm. Bà Suu Kyi, lãnh đạo Đảng NLD, được dự đoán thắng cử áp đảo sau cuộc đấu tranh kéo dài 25 năm.

Trước đó, trong ngày 11/11, bà Aung San Suu Kyi đã kêu gọi tổ chức các cuộc đàm phán tái hòa giải toàn quốc gia với ông Thein Sein, Tổng tư lệnh quân đội Myanmar, Chủ tịch Quốc hội Shwe Mann, nhấn mạnh về sự cần thiết phải tổ chức một tiến trình chuyển giao quyền lực trong hòa bình. “Quan trọng là thực hiện mong muốn của nhân dân một cách hòa bình vì lợi ích đất nước” – bà Suu Kyi viết trong thư gửi ba ông.

Đáp lại, Tổng thống Thein Sein nói ông đã nhất trí với đề nghị của bà Suu Kyi, sẽ sớm thảo luận về hòa giải, dù hai bên sẽ còn phải bàn bạc về thời gian và địa điểm đàm phán. Ông Min Aung Hlaing cho biết, ông sẽ gặp bà Suu Kyisau khi giới chức bầu cử công bố các kết quả chính thức. Còn Chủ tịch Quốc hội Shwe Mann cũng đã nhất trí gặp bà Suu Kyi vào tuần tới, nhưng chưa thông báo thêm chi tiết.

Theo Khánh Duy

Đại đoàn kết

Đàm phán hòa giải ở Myanmar - 2