1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Đàm phán hạt nhân Iran: Cánh cửa hẹp đã mở

(Dân trí) - Đàm phán hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 tại Thổ Nhĩ Kỳ đã kết thúc với kết quả tích cực vượt ngoài dự đoán, khi hai bên nhất trí nối lại đàm phán vào tháng tới ở Iraq. Đây là vòng đàm phán đầu tiên giữa hai bên kể từ tháng 1/2011.

Đàm phán hạt nhân Iran: Cánh cửa hẹp đã mở

Đã có tín hiệu tích cực tại cuộc đàm phán hạt nhân giữa Iran và P5+1.
  

Cuộc đàm phán diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Istanbul ở Thổ Nhĩ Kỳ, cũng là nơi đã diễn ra hai vòng đàm phán trước.

 

Đứng đầu phái đoàn đàm phán của Iran là ông Saeed Jalili, Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao. Về phía nhóm P5+1 là bà Catherine Ashton, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU).

 

Phát biểu sau hội đàm, bà Catherine khẳng định cuộc đàm phán đã diễn ra tích cực và các bên cam kết sẽ tiếp tục hành động theo hướng thiết lập đối thoại từng bước.

 

"Chúng tôi đã nhất trí rằng Hiệp ước không phổ biến hạt nhân phải là nền tảng cơ bản. Iran sẽ tuân thủ nghiêm túc mọi điều khoản trong hiệp ước, trên cơ sở phải được quyền phát triển năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình", bà Catherine cho biết.

           

Cũng theo bà Catherine, hai bên nhất trí sẽ tổ chức cuộc đàm phán tiếp theo vào ngày 23/5 tại thủ đô Baghdad của Iraq.

 

"Chúng tôi hy vọng các cuộc gặp sau này sẽ dẫn tới những biện pháp cụ thể cho một giải pháp toàn diện thông qua thương lượng và qua đó, từng bước khôi phục lòng tin của cộng đồng quốc tế đối với chương trình hạt nhân vì mục đích dân sự của Iran".

 

Trưởng đoàn Iran Saeed Jalili cũng xác nhận các bên đã đạt được thoả thuận đối với hầu hết các vấn đề khung nhờ cách tiếp cận mang tính xây dựng của nhóm P5+1.

 

"Với cách tiếp cận hiện nay, có thể hai bên sẽ đạt được những kết quả nhất định trong các vòng đàm phán tiếp theo. Tuy nhiên, để đạt được những tiến bộ cụ thể, phương Tây cần phải từ bỏ cách thức gây sức ép, đe dọa hay trừng phạt Iran", ông Jalili khẳng định.

 

Ông Jalili cũng không quên tái khẳng định là Tehran có quyền phát triển năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình.

 

Bối cảnh đảm phán

           

Đàm phán giữa Iran và nhóm 6 nước (gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức) được nối lại sau 13 tháng gián đoạn.

 

Cuộc đàm phán diễn ra trong bối cảnh phương Tây tiếp tục nghi ngờ chương trình hạt nhân của Tehran, đặc biệt sau khi nước này chuyển toàn bộ hoạt động hạt nhân tới cơ sở ngầm Fordo trong lòng núi ở thành phố Qom linh thiêng, đồng thời công bố một loạt thành tựu hạt nhân mới, trong đó có việc làm giàu urani ở cấp độ 20%.

 

Ngoài ra, quốc gia Hồi giáo này cũng đe dọa sẽ đóng cửa eo biển chiến lược Hormuz, nơi trung chuyển tới 1/5 lượng dầu của thế giới. Mới đây nhất. Tehran cũng quyết định ngừng xuất khẩu dầu sang 3 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) là Tây Ban Nha, Đức và Hy Lạp.

 

Iran đưa ra những hành động trên nhằm đáp trả các biện pháp gia tăng sức ép của Mỹ và phương Tây, trong đó có việc phương Tây đã liên tục cử các tàu chiến vượt eo biển Hormuz tới vịnh Pécxích, áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào ngành tài chính ngân hàng và lĩnh vực xuất khẩu dầu mỏ của Iran. Theo kế hoạch, các nước châu Âu sẽ ngừng mọi hoạt động giao dịch dầu mỏ với Iran từ ngày 1/7 tới.

 

Vũ Anh

Theo Reuters, Xinhua

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm