1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua hồi ức của nữ nhà báo Mỹ

(Dân trí) - Năm 1994, nữ nhà báo Mỹ Catherine Karnow, có cha là một nhà báo nổi tiếng từng phỏng vấn Đại Tướng Võ Nguyên Giáp, được đích thân Đại tướng mời tháp tùng tới Điện Biên Phủ. Nhờ đó mà cô hiểu hơn về vị Đại tướng người Pháp ví là “núi lửa phủ tuyết”.

  Catherine Karnow đã có bài viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp đăng tải trên tờ Huffington Post, Mỹ, vào tháng 12 năm ngoái. Dân trí xin được trích đăng:

 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Catherine Karnow năm 1994.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Catherine Karnow năm 1994.

Ngày 25/8/2012 là ngày sinh nhật 101 của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, có lẽ là vị tướng còn sống vĩ đại nhất ngày nay. Vào thời điểm này, Đại tướng nằm viện đã được gần 2 năm. Đại tướng là “khối óc” của trận đánh Điện Biên Phủ nổi tiếng, trận đánh giúp giành độc lập cho Việt Nam từ người Pháp, vào tháng 5/1954. Ông cũng đóng góp lớn cho chiến thắng của Việt Nam trước quân Mỹ vào tháng 4/1975. Người Pháp gọi ông là “núi lửa phủ tuyết” vì mái tóc bạc trắng và sự mạnh mẽ, quyết đoán của ông.

 

Năm 1994, tôi được Đại tướng Giáp mời, với tư cách là nhà báo phương Tây duy nhất tháp tùng riêng ông tới Điện Biên Phủ. Tôi đã ở nhà ông vài ngày trước đó, chụp ảnh ông và ăn tối cùng gia đình ông, khi ông ghé về phía tôi, nói nhỏ lời mời vào tai tôi, nói tôi không được nói cho ai biết.

 

Các nhà báo và phóng viên ảnh đã tới Hà Nội vài ngày trước, băn khoăn không biết Tướng Giáp có tới thăm Điện Biên Phủ trong lễ kỷ niệm 40 chiến thắng hay không. Và giờ đây ông đang mời tôi đi riêng cùng ông, ngay tuần trước khi ngày kỷ niệm chính thức, 7/5.
 
 
Bức ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp do Catherine Karnow chụp.
Bức ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp do Catherine Karnow chụp.
 

Nhưng hãy để tôi giải thích làm sao tôi lại có mối quan hệ đặc biệt với nhân vật lịch sử này. Cha tôi, Stanley Karnow, nhà báo có tiếng và nhà sử học về Chiến tranh Việt Nam, đã phỏng vấn Đại tướng cho tờ New York Times vào năm 1990. Vài tháng sau, tôi tới Việt Nam, gặp Đại tướng, chụp ảnh ông và gia đình ông. Và từ đó, mối quan hệ được hình thành.

 

Rồi đến ngày 1/5/1994. Tôi vô cùng háo hức và hồi hộp khi chúng tôi bay từ Hà Nội tới Điện Biên. Đại tướng sẽ không chỉ thăm chiến trường xưa và một nghĩa trang chiến tranh, ông sẽ lần đầu tiên trong 40 năm trở lại Mường Phăng, trại bí mật trong rừng, nơi ông đã ở trong những tháng cuối cùng trước trận chiến Điện Biên Phủ và từ đó ông đã vạch ra chiến lược Điện Biên Phủ nổi tiếng.

 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ đến Điện Biên Phủ bằng trực thăng, còn tôi đi bằng xe jeep, trên chặng đường quanh co, gập ghềnh kéo dài 6 tiếng đồng hồ.
 
 
Bức ảnh Catherine Karnow chụp người dân tộc Thái Đen ở Điện Biên Phủ.
Bức ảnh Catherine Karnow chụp người dân tộc Thái Đen ở Điện Biên Phủ.
 

Có hàng trăm người đã tới trận địa xưa để đợi Tướng Giáp đến. Do ước tính Đại tướng Võ Nguyên Giáp có thể đến bất kỳ lúc nào, tôi chuẩn bị sẵn phim cho máy ảnh và đứng ở vị trí đẹp để chụp. Nhiều phút trôi qua. Rồi một giờ và một giờ nữa. Trời nóng và mặt trời chói chang. Nếu tôi vào tán cây để tránh nắng, tôi có thể bỏ lỡ mất khoảnh khắc Tướng Giáp tới. Thật ngốc, tôi đã không mang đủ phim để có thể chụp người dân địa phương. Người dân nơi đây thật tuyệt vời. Nhiều người là người Thái Đen, người dân tộc sống ở vùng cao. Có cả những em nhỏ được mặc như những chiến sỹ nhỏ, với khăn quàng đỏ, vẫy cờ hoa.

 
 
Trực thăng chở Đại tướng Võ Nguyên Giáp hạ cánh.
Trực thăng chở Đại tướng Võ Nguyên Giáp hạ cánh.
 
Cuối cùng, có tiếng động trên bầu trời và chúng tôi thấy một con chim lớn đang tiến về phía chúng tôi. Mọi người chạy tới chỗ chiếc trực thăng hạ cánh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp bước xuống, vẫy tay chào mọi người. Chúng tôi bắt đầu đoạn đường dài lên núi để tới trại bí mật trong rừng. Chúng tôi bước trên những tấm gỗ nhỏ bắc qua suối, bước qua những cây gỗ bị đổ. Với một người 83 tuổi, Tướng Giáp rất nhanh nhẹn. Khi chúng tôi tiến tới địa điểm Tướng Giáp đã từng sống trong nhiều tháng để lên kế hoạch cho trận chiến cuối cùng, người dân làng đã đón chào ông trong niềm hân hoan và kính trọng lớn. Ông đã không gặp một số người 40 năm qua.
 
 
Người dân làng ở Mường Phăng chào đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp với niềm vui và kính trọng lớn.
Người dân làng ở Mường Phăng chào đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp với niềm vui và kính trọng lớn.
 
Rồi chúng tôi ở trong căn lều bé xíu, đúng nơi Đại tướng đã vạch ra chiến lược của trận Điện Biên Phủ. Trên tường là một bản sao của chính tấm bản đồ Đại tướng và các đồng chí của mình đã dùng 40 năm về trước. Tướng Giáp nhớ lại kỷ niệm của những ngày đã ở trong lều: “Điều đáng tiếc duy nhất của tôi là những đồng chí đã cùng với tôi ngày đó giờ không còn với chúng ta nữa và không thể ở đây hôm nay”.
 
 
Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhớ lại kỷ niệm xưa trong căn lều nhỏ.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhớ lại kỷ niệm xưa trong căn lều nhỏ.
 

Đối với tôi, ở trong căn lều bé xíu ở giữa rừng miền bắc Việt Nam, là thời khắc quan trọng trong đời, khi được chứng kiến một huyền thoại sống nhớ lại những giây phút cá nhân góp phần tạo nên lịch sử.

 

Vũ Quý

Theo Huffington Post