1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Đại sứ VN tại Nga: Tàu ngầm là niềm tự hào dân tộc

(Dân trí) - Trả lời phỏng vấn báo Dân trí nhân chuyến công du VN của Tổng thống Nga Putin, Đại sứ VN tại Nga Phạm Xuân Sơn cho biết, sự kiện Nga chuyển giao tàu ngầm cho VN có ý nghĩa quan trọng trên nhiều phương diện và đối với VN là niềm tự hào dân tộc.

Đại sứ Việt Nam tại LB Nga, Phạm Xuân Sơn (

Đại sứ Việt Nam tại LB Nga, Phạm Xuân Sơn (Ảnh Thế giới & Việt Nam)

Trước thềm chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Nga Putin tới Việt Nam vào ngày 12/11, Báo điện tử Dân Trí đã có cuộc phỏng vấn Đại sứ Việt Nam tại LB Nga Phạm Xuân Sơn về mục đích, ý nghĩa chuyến thăm cũng như về tình hình hợp tác thương mại và đầu tư giữa hai quốc gia Việt Nam, LB Nga.

PV: Xin Đại sứ cho biết mục đích chuyến thăm lần này tới Việt Nam của Tổng thống Nga Vladimir Putin?

Đại sứ Phạm Xuân Sơn: Kế thừa những truyền thống, nền tảng tốt đẹp của quan hệ Việt Nam-Liên Xô trước đây, quan hệ giữa Việt Nam và LB Nga trong những năm gần đây phát triển năng động, toàn diện với độ tin cậy ngày càng tăng. Năm 2011, hai nước đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược và năm 2012, chúng ta đã nâng mối quan hệ đó lên tầm Đối tác chiến lược toàn diện. LB Nga thực sự là một trong những đối tác quan trọng trong chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Ngày 12/11, Tổng thống LB Nga V. Putin sẽ thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Đây là chuyến thăm Việt Nam lần thứ ba của V. Putin trên cương vị Tổng thống, thể hiện sự quan tâm cao của cá nhân Tổng thống và Lãnh đạo cũng như nhân dân Nga đối với việc thúc đẩy quan hệ với Việt Nam. Mục đích chuyến thăm lần này của Tổng thống là cùng với Lãnh đạo Việt Nam kiểm điểm lại kết quả phát triển quan hệ hợp tác giữa hai nước kể từ khi thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện đến nay, thỏa thuận các biện pháp cụ thể để củng cố hơn nữa quan hệ giữa hai nước trong thời gian tới. Bên cạnh đó, hai bên cũng sẽ trao đổi ý kiến về những vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm và bàn về tiếp tục phối hợp tại các diễn đàn quốc tế quan trọng.

Xin Đại sứ có thể cho biết một số văn kiện hợp tác dự kiến được ký kết trong chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Việt Nam lần này?

Trong thời gian chuyến thăm, trước sự chứng kiến của hai nhà lãnh đạo hai nước, hai bên sẽ ký khoảng 15 văn kiện hợp tác trong nhiều lĩnh vực kinh tế, năng lượng, khoa học-công nghệ, giáo dục, y tế, quân sự…

Đại sứ có thể cho biết đôi nét về quan hệ hợp tác thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Nga hiện nay?

Trong những năm gần đây, kim ngạch thương mại hai chiều có xu hướng tăng rõ rệt, ngay cả trong giai đoạn đỉnh điểm tác động của khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu. Đặc biệt hơn nữa, Việt Nam đã chuyển từ nước nhập siêu sang xuất siêu trong quan hệ thương mại với LB Nga. Chỉ tính riêng 8 tháng đầu năm nay, trao đổi hàng hóa giữa Việt Nam và Nga đạt xấp xỉ 2,5 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Nga trên 1,7 tỷ USD. Các mặt hàng xuất khẩu chính từ Việt Nam sang Nga vẫn giữ ở mức tăng trưởng ổn định, riêng nhóm hàng điện thoại, máy vi tính và các linh kiện kèm theo tăng khá nhanh, chiếm tỉ trọng đáng kể trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Nga. Hàng xuất khẩu từ Nga sang Việt Nam vẫn duy trì các nhóm hàng truyền thống như: sản phẩm dầu mỏ, kim loại, phân bón, hóa chất và máy móc. Dự báo kim ngạch song phương năm 2013 đạt khoảng 4 tỷ USD.

Quan hệ đầu tư giữa hai nước đã có bước phát triển mới trong thời gian gần đây. Nếu như trước đây chỉ có Nga đầu tư vào Việt Nam, thì từ năm 2010 Việt Nam cũng đã bắt đầu đầu tư vốn vào Liên bang Nga. Theo số liệu Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, hiện có 93 dự án đầu tư trực tiếp của Liên bang Nga tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký gần 2 tỷ USD, xếp thứ 19 trong số nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Các dự án của Nga tập trung chủ yếu vào các ngành dầu khí, công nghiệp nặng, công nghiệp nhẹ, giao thông vận tải, bưu điện, nuôi trồng và đánh bắt thủy sản. Đầu tư của Việt Nam tại Nga với 17 dự án, với số vốn khoảng 2,4 tỷ USD.

Trong các lĩnh vực hợp tác kinh tế-thương mại và đầu tư giữa hai nước, hợp tác dầu khí là lĩnh vực hợp tác truyền thống và then chốt nhất trong toàn bộ tổ hợp quan hệ hợp tác kinh tế Việt-Nga. Với Việt Nam, lĩnh vực hợp tác này không chỉ mang ý nghĩa kinh tế, mà còn có ý nghĩa về an ninh, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển đảo. Từ năm 2010, hợp tác dầu khí có sự phát triển mang tính đột phá về quy mô và lĩnh vực. Liên doanh “Vietsovpetro” hoạt động theo mô hình chuyển đổi, tiếp tục vẫn là lá cờ đầu về hợp tác kinh tế Việt-Nga. Hai bên đã mở rộng phạm vi hợp tác sang cả lãnh thổ LB Nga với việc thành lập Liên doanh “RusVietPetro” thăm dò và khai thác dầu mở tại Khu tự trị Nhenetski, phía Bắc LB nga với lượng dầu khai thác năm 2011 là trên 1,5 triệu tấn và triển vọng nâng cao khối lượng khai thác là rất khả quan. Đặc biệt trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức LB Nga tháng 5/2013 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, giữa “Rosneft”-Công ty dầu khí Nga lớn nhất thế giới hiện nay, và “PetroVietnam” đã đạt được nhiều thỏa thuận hợp tác quan trọng về thăm dò, khai thác, chế biến và tiêu thụ dầu và khí tại Nga, Việt Nam và các nước thứ ba.

Hợp tác năng lượng điện được tiếp tục duy trì và đặc biệt có bước phát triển mới quan trọng mang tính chiến lược lâu dài. Cuối năm 2010 hai Bên đã ký Chương trình hợp tác năng lượng xác định rõ 7 hướng hợp tác ưu tiên và lộ trình triển khai hợp tác. Hiệp định có hiệu lực 5 năm và mặc nhiên được gia hạn năm năm tiếp theo, nếu một trong hai Bên không có định chấm dứt hiệu lực của Hiệp định. Đặc biệt cuối năm 2009, trong chuyến thăm LB Nga của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hai Bên đã đạt được thỏa thuận về việc Nga giúp Việt Nam xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Ninh Thuận. Tiếp đó trong 2 năm 2010-2011, hai Bên đã đàm phán và thống nhất được Hiệp định về việc LB Nga cấp tín dụng cho Việt Nam xây dựng Nhà máy điện hạt nhân. Hai Bên đang tiếp tục phối hợp về nhiều mặt để triển khai Dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận.

Về triển vọng hợp tác kinh tế-thương mại và đầu tư trong thời gian tới, hai nước có nhiều điểm lợi ích tương đồng. Việt Nam đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đồng thời LB Nga cũng bước vào giai đoạn phát triển theo mô hình tăng trưởng về chất thông qua quá trình đổi mới công nghệ, cải biến cơ cấu kinh tế theo hướng giảm dần tỷ trọng nguyên, nhiên liệu thô. Yếu tố này sẽ tạo ra những tiền đề chung cho hợp tác trong các lĩnh vực khoa học-công nghệ phục vụ tăng trưởng. LB nga sẽ tập trung nguồn lực cho phát triển các ngành công nghệ hiện đại, giảm dần xuất khẩu và tăng nhập khẩu, nhất là nhập khẩu hàng công nghiệp tiêu dùng và nông sản thực phẩm nhiệt đới, mở ra những tiền đề thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập mạnh mẽ hơn thị trường LB nga và các nước Liên minh Thuế quan (Nga, Kazakhstan, Belarus). Việc đẩy nhanh đàm phán để sớm ký kết Hiệp định Mậu dịch Tự do giữa Việt Nam và Liên minh này chắc chắn sẽ tạo điều kiện cho các luồng hàng hóa, dịch vụ và đầu tư của hai nước được lưu thông một cách dễ dàng hơn, giảm thiểu các chi phí giao dịch cho các doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng một cách vững chắc các hoạt động kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam với Liên minh Thuế quan nói chung cũng như với Liên bang Nga nói riêng.

Việt Nam tiếp tục coi hợp tác toàn diện theo tinh thần đối tác chiến lược toàn diện với LB Nga là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của mình trong giai đoạn tới, trong đó hợp tác kinh tế-thương mại, đầu tư, khoa học kỹ thuật, an ninh quốc phòng tiếp tục là những hướng ưu tiên phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Đại sứ Việt Nam tại LB Nga, Phạm Xuân Sơn (


Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin trong chuyến thăm Nga hồi tháng 7/2012

Xin Đại sứ có thể đánh giá về ý nghĩa của chuyến thăm trong bối cảnh hiện nay?

Trong bối cảnh của tình hình và quan hệ giữa hai nước, cũng như tình hình chung của quốc tế và khu vực hiện nay, tự thân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống LB Nga V. Putin đã nói lên nhiều điều có ý nghĩa quan trọng. Chúng ta có đủ cơ sở để tin tưởng chắc chắn rằng, kết quả chuyến thăm và các văn kiện, thỏa thuận được trao đổi và ký kết sẽ mở ra một triển vọng mới để đưa quan hệ Việt Nam-LB Nga đi vào chiều sâu, hiệu quả hơn, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển ở mỗi nước, cũng như đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Đại sứ có bình luận gì về sự kiện: Nga vừa bàn giao tàu ngầm hiện đại Kilo cho Việt Nam vào ngày 07/11?

Sự kiện này có ý nghĩa quan trọng trên nhiều phương diện.

Đối với Việt Nam ta, theo tôi đây là niềm tự hào dân tộc. Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, thế hệ đi trước với cung tên, cuốc, thuổng, gậy gộc, với những thuyền nan, độc mộc, cọc gỗ cắm dưới lòng sông, đến súng trường, giáo mác và những vũ khí còn ít ỏi và kém hiện đại so với những kẻ xâm lược, nhưng nhân dân ta với lòng yêu nước nồng nàn, ý chí kiên cường bất khuất, trí tuệ mưu lược, đoàn kết một lòng đã lập nên những chiến công hiển hách. Đến thời đại Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, các truyền thống đó càng được phát huy, đưa dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, để có được một đất nước thống nhất, vững mạnh, có vị thế như ngày hôm nay. Trong lịch sử các cuộc kháng chiến của ta, thì nhân tố con người đóng vai trò quyết định, vũ khí đóng vai trò quan trọng. Điều đó vẫn đúng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Là một quốc gia có lãnh thổ và tiềm năng to lớn về biển, trong bối cảnh phát triển như vũ bão của kỹ thuật quân sự trong khu vực và thế giới, việc Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng của chúng ta được trang bị thêm những chiếc tàu ngầm Kilo hiện đại, thì thực lực của ta sẽ được nâng lên trong sự nghiệp bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.

Về khía cạnh quốc tế, khi một quốc gia có biển như Việt Nam, ngoài các chiến hạm, máy bay, tên lửa và các phương tiện hiện đại khác lại có thêm Hạm đội tàu ngầm, thì vị thế và đóng góp cho việc giữ gìn hòa bình, ổn định, an ninh và hợp tác ở Biển Đông càng tích cực và có trọng lượng hơn.

Xin cảm ơn Đại sứ!


Nam Hằng
(Thực hiện)