Đại sứ Việt Nam tại Mỹ: Trung Quốc đang bịa đặt sự thật
(Dân trí) - Trong cuộc phỏng vấn với phóng viên Christiane Amanpour của đài truyền hình CNN, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Cường đã thẳng thắn cáo buộc Trung Quốc bịa đặt sự thật liên quan tới vùng biển của Việt Nam mà Trung Quốc trái phép hạ đặt giàn khoan.
Chi tiết cuộc phỏng vấn giữa Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Cường với phóng viên Christiane Amanpour của đài CNN ngày 29/5:
Phóng viên Christiane Amanpour: Gần đây cả Việt Nam và Trung Quốc đều nói rằng quan hệ giữa 2 nước đang tiến triển theo chiều hướng tốt đẹp hơn. Liệu mối quan hệ giữa 2 nước có thể đã bị thay đổi?
Đại sứ Nguyễn Quốc Cường: Đúng là mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc đã có tiến triển trong năm qua, nhưng gần đây đột nhiên Trung Quốc lại đưa giàn khoan cùng rất nhiều tàu tiến vào vùng biển của Việt Nam. Đây là một hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam. Và người Việt Nam không có cách nào khác ngoài việc phản ứng lại một cách hòa bình nhưng kiên quyết.
Nhưng ông có lo rằng chiến tranh có thể xảy ra dù Việt Nam đã phản ứng lại trong hòa bình nhưng kiên quyết?
Trước hết nói về hành động của Trung Quốc. Bằng việc đưa giàn khoan và nhiều vào vùng biển Việt Nam, họ không những vi phạm chủ quyền của Việt Nam mà còn vi phạm luật pháp quốc tế; đặc biệt là Công Ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và cam kết của lãnh đạo Trung Quốc với các thành viên ASEAN trong Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002.
Xem video cuộc phỏng vấn:
Tuần trước tôi có cuộc trò chuyện với đại sứ Trung Quốc về vấn đề này và ông ấy nói như sau: "Chúng tôi không muốn có tranh chấp trong khu vực. Tuy nhiên chuyện đó không phụ thuộc hoàn toàn vào chúng tôi. Mọi người nên có tư tưởng và chính sách mang tính xây dựng như chúng tôi". Phía Trung Quốc cũng nói rằng đây không phải là vùng biển tranh chấp mà là vùng biển quốc tế, họ chỉ mới đưa vào một giàn khoan trong khi Việt Nam đã có 30 giàn khoan. Ông nói sao về vấn đề này?
Trung Quốc đang bịa đặt sự thật. Vùng biển này nằm trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, không phải là vùng biển tranh chấp quốc tế. Trung Quốc đang cố biến vùng không có tranh chấp thành có tranh chấp. Đây là điều không thể chấp nhận được.
Việc thăm dò và khai thác dầu khí của Việt Nam trên vùng biển này đã có từ hàng chục năm trước. Cũng đã có rất nhiều công ty nước ngoài hợp tác với chúng tôi để khai thác ở đây. Liệu họ có đồng ý hợp tác nếu đây là vùng biển có tranh chấp? Tôi không nghĩ vậy. Hơn nữa, vào năm 2012, Trung Quốc có mời thầu khai thác dầu khí tại một trong những vùng biển của Việt Nam và không có một công ty nước ngoài nào bỏ thầu.
Năm 2010, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì nói với người đồng cấp Singapore rằng "Trung Quốc là một nước lớn, còn các nước khác là nước nhỏ, đây là sự thật." Ông nghĩ sao về câu nói đó? Sự thật là lãnh thổ của Trung Quốc rất rộng còn Việt Nam thì khá nhỏ?
Đây là một luận điệu phi lý. Trong quan hệ quốc tế, mọi quốc gia dù lớn hay nhỏ đều bình đẳng trước luật pháp quốc tế. Không thể lý luận rằng một nước nhỏ bắt nạt nước lớn hay ngược lại.
Trung Quốc đang có tranh chấp với Nhật Bản và Philippines. Đã có các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc ở Việt Nam và một số trở thành các vụ xô xát với công nhân Trung Quốc. Sau đó Trung Quốc đã đưa công nhân về nước. Vậy Việt Nam làm gì để bảo vệ mình khi Việt Nam và Mỹ không có hiệp ước hay điều khoản an ninh nào?
Việt Nam theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập. Chúng tôi muốn có quan hệ tốt với Trung Quốc, với Mỹ và các nước khác. Nhưng chúng tôi không thể chấp nhận sự cưỡng ép hay đe dọa. Khi vấn đề chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ được đưa ra thì người Việt Nam quyết tâm bảo vệ quốc gia đến cùng. Các quốc gia không nên đánh giá thấp quyết tâm của người Việt. Mọi người dân Việt Nam, dù họ bây giờ họ đang sống ở đâu, Việt Nam, Mỹ hay các quốc gia khác, chúng tôi đều tin rằng không có gì quý hơn độc lập tự do.
Ngô Vân