1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Đại sứ Thụy Điển: Mối quan hệ VN-Thụy Điển là “độc nhất vô nhị”

(Dân trí) - Theo Đại sứ Thụy Điển tại VN, bà Camilla Mellander, trong suốt 45 năm qua, Thụy Điển đã xây dựng một mối quan hệ “độc nhất vô nhị” với Việt Nam. Và mối quan hệ đặc biệt này hiện đang bước vào một giai đoạn mới, mà bà hi vọng sẽ nồng ấm hơn, hiệu quả hơn nữa…

Đại sứ Thụy Điển: Quan hệ VN-Thụy Điển là “độc nhất vô nhị”

Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Camilla Mellander trong cuộc trả lời phỏng vấn riêng với phóng viên Dân Trí.

Năm 2014 đánh dấu 45 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Thụy Điển. Nhân dịp kỷ niệm đặc biệt này và nhân chuyến công du Thụy Điển vào tháng 4 vừa qua của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, phóng viên Dân trí đã có cuộc phỏng vấn riêng với Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Camilla Mellander về quá khứ, hiện tại và tương lai của mối quan được xem là đặc biệt này.

PV: Thưa bà, năm nay là năm kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Thụy Điển. Vậy theo bà trong những năm qua những thành tựu nào trong quan hệ giữa hai nước là nổi bật nhất?

Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Camilla Mellander: Tôi cho rằng trong 45 năm qua, Thụy Điển và Việt Nam đã cùng nhau đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam. Như tôi được biết, Thụy Điển đã là một trong những nước viện trợ lớn nhất cho Việt Nam và chúng tôi đã ở đây từ năm 1969, đã ở lại Việt Nam trong những năm tháng khó khăn và chúng tôi hiện diện ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Tôi cho rằng chúng tôi đã được Việt Nam biết đến nhiều hơn các nước khác. Nhà máy giấy Bãi Bằng là một ví dụ đầy thành công của sự giúp đỡ, hợp tác của Thụy Điển. Sau đó, chúng tôi đã giúp đỡ xây dựng hai bệnh viện, Bệnh Viện Nhi trung ương (trước đây được gọi là Bệnh viện nhi Olof Palme) và Bệnh viện Uông Bí. Chúng tôi cũng đã giúp đào tạo phóng viên cho Việt Nam trong 20 năm. Và chúng tôi cũng tham gia vào một số lĩnh vực khác, từ nông nghiệp cho đến chống tham nhũng. Chúng tôi là một trong những nước đầu tiên hỗ trợ Việt Nam chống tham nhũng, qua cải cách ngành tư pháp. Tôi cho rằng những điều đó có ý nghĩa lớn trong suốt 45 năm Thụy Điển có mặt ở Việt Nam.

Tuy nhiên, giờ đây chúng ta đang tiến tới một gia đoạn mới, tập trung vào thúc đẩy thương mại và mối quan hệ thương mại giữa hai nước. Tôi cho rằng một trong những cách chúng tôi giúp đóng góp cho mối quan hệ này là qua công ty Ericsson. Ericsson đã giúp xây dựng 3 nhà mạng chính ở Việt Nam. Tôi phải nói rằng khi tôi đi đến các vùng lân cận quanh Hà Nội, kết nối mạng ở những nơi đó rất tốt, một phần là nhờ Ericsson.

Đôi nét về Đại sứ Camilla Mellander

Đại sứ Camilla Mellander, sinh năm 1966 tại Gothenburg, Thụy Điển, đã kết hôn và có hai con. Bà là thạc sỹ Kinh tế (Đại học Lund, Thụy Điển). Bà được bổ nhiệm làm Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam tháng 8/2012, trình quốc thư lên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ngày 6/11/2012. Trước đó bà từng giữ các chức vụ khác nhau trong Bộ Ngoại giao Thụy Điển, như Phó Vụ trưởng vụ Lãnh sự và Luật Dân sự, Trưởng văn phòng Thứ trưởng ngoại giao Thụy Điển, Cố vấn chính trị cho Đặc phái viên Châu Âu về Trung Đông, Phó Đại sứ, Đại sứ quán Thụy Điển tại Tel Aviv, Israel…Bà Camilla Mellander có thể nói được nhiều ngoại ngữ, như tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức và tiếng Do Thái.

Những công ty lớn như IKEA có các văn phòng đại diện ở châu Á và TPHCM. Khoảng 300.000 người ở Việt Nam hiện đang làm việc sản xuất cho IKEA. Điều tôi muốn nói là qua các công ty của chúng tôi, chúng tôi cũng chuyển giao kiến thức, cơ hội việc làm và chúng tôi luôn muốn thúc đẩy phát triển kinh tế hơn nữa ở Việt Nam.

Năm nay, chúng tôi tập trung rất nhiều đến các bạn trẻ Việt Nam, những người như bạn. Có thể thế hệ lớn tuổi biết về Thụy Điển, do chúng tôi là nước phương Tây đầu tiên thiết lập mối quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Nhưng các bạn trẻ Việt Nam không biết nhiều về Thụy Điển. Vì vậy trong dịp kỷ niệm 45 năm quan hệ này, chúng tôi muốn các bạn trẻ biết Thụy Điển là gì khi nhắc đến giá trị, cũng như đổi mới, sang tạo – điều chúng tôi cho là chìa khóa cho phát triển kinh tế.

Khi nhắc tới Thụy Điển Việt Nam luôn nghĩ đến một người bạn, một nước ủng hộ nhiệt tình, viện trợ hào phóng cho Việt Nam trong thời gian chiến tranh, thời gian khó khăn trong công cuộc xây dựng đất nước, là hình ảnh Thủ tướng Olof Palme đích thân xuống đường lấy chữ ký phản đối Mỹ ném bom Việt Nam…Những điều đó được tiếp nối trong hiện tại và trong tương lai như thế nào thưa bà?

Thật đáng tiếc là Olof Palme đã bị ám sát tại Thụy Điển năm 1996. Nhưng ông đã là người đấu tranh mạnh mẽ cho sự bất công trên thế giới. Năm ngoái, chúng tôi đã chiếu một bộ phim tài liệu về cuộc đời ông ở Hà Nội. Chúng tôi muốn đưa ra, theo một cách khác, một số giá trị luôn gắn với Thụy Điển. Đó là sự công bằng, minh bạch, niềm tin mạnh mẽ của chúng tôi trong vấn đề nhân quyền, công bằng giới tính. Vì vậy, theo truyền thống của Olof Palme, chúng tôi đã cố gắng đứng lên cho những giá trị mà chúng tôi cho là có ích cho tất cả mọi xã hội.

Chúng tôi cũng tìm cách nói về tầm quan trọng của đổi mới, sáng tạo đối với từng nước. Trên thực tế, sáng tạo, đổi mới là những gì đã đưa Thụy Điển thoát khỏi đói nghèo hàng trăm năm trước. Và tôi cho rằng Việt Nam cũng có rất nhiều tiềm năng.

Sau một thời gian bị đóng cửa từ tháng 10/2010, rất mừng là Sứ quán Thụy Điển tại Hà Nội đã mở cửa trở lại. Xin bà cho biết những hoạt động để đưa sứ quán mở cửa trở lại?

Sứ quán Thụy Điển chưa bao giờ thực sự bị đóng cửa. Khi đó, chúng tôi vẫn giữ Sứ quán ở đây và mọi người trong sứ quán vẫn làm việc. Quyết định đóng cửa bị đảo ngược vào tháng 12/2011, bởi có tình yêu sâu đậm của người Thụy Điển dành cho Việt Nam. Khi quyết định đóng cửa được công bố, rất nhiều tờ báo, lãnh đạo doanh nghiệp, chính trị gia…đã lên tiếng phản đối. Tôi đã trở thành đại sứ đầu tiên nhận nhiệm vụ kể từ sau quyết định được đảo ngược đó. Và chúng tôi muốn chứng tỏ chúng tôi đã trở lại “toàn lực”, mạnh mẽ hơn trước. Thực tế, Sứ quán giờ đây tập trung vào khuyến khích phát triển thương mại. Chúng tôi cũng muốn thu hút các công ty Việt Nam đến Thụy Điển. Việt Nam đã xuất khẩu sang Thụy Điển nhiều hơn gấp 6 lần những gì chúng tôi xuất sang Việt Nam.

Mối quan hệ giữa Việt Nam và Thụy Điển hiện nay đang bước sang giai đoạn mới, chuyển từ viện trợ để xóa đói, giảm nghèo, sang trọng tâm là hợp tác về kinh tế, thương mại trên cơ sở bình đẳng. Vừa qua Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã có chuyến công du Thụy Điển, theo bà trọng tâm này đã được thể hiện như thế nào trong chuyến công du của Phó Thủ tướng?

Điều đầu tiên tôi muốn nói là chúng tôi rất vui khi có một chuyến thăm của các lãnh đạo cấp cao của Việt Nam tới Thụy Điển. Phó Thủ tướng Ninh đã dẫn đầu phái đoàn khoảng 25 người trong đó có 5 thứ trưởng của các bộ như ngoại giao, thương mại. Và đây là một chuyến công du thành công. Trọng tâm của chuyến công du là các vấn đề thương mại, kinh tế, ví dụ như tái cấu trúc ngành ngân hàng. Chúng tôi đã trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế lớn từ năm 1992. Khi đó chúng tôi đã phải thu nhỏ ngành ngân hàng. Nhưng đây là điều chúng tôi phải làm để củng cố năng lực tài chính và giờ đây chúng tôi rất mừng khi tất cả những cải cách đó đã được thực hiện, mặc dù đó là thời kỳ vô cùng khó khăn. Khi châu Âu trải qua khủng hoảng, chúng tôi hầu như không bị ảnh hưởng, bởi chúng tôi đã tiến hành những cải cách cần thiết để có thể vững mạnh. Vì vậy đây là một trong những mối quan tâm của phía Việt Nam.

Bà Camilla Mellander cũng cho biết trong chuyến công du của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, mặc dù không có thỏa thuận nào được ký, nhưng rất nhiều thông tin về kinh tế, thương mại đã được chia sẻ.

Một lĩnh vực khác là về cách thức chúng tôi cổ phần hóa các doanh nghiệp sở hữu nhà nước. Chúng tôi từng có rất nhiều doanh nghiệp sở hữu nhà nước ở các lĩnh vực khác nhau. Nhưng hiện có rất ít các doanh nghiệp này. Vì vậy tôi cho rằng Việt Nam có thể tham khảo cách thức của chúng tôi.

Trong chuyến công du, Phó Thủ tướng đã thăm Ericsson, gặp Bộ trưởng thị trường tài chính, bộ trưởng thương mại, chủ tịch quốc hội, chủ tịch ngân hàng trung ương của chúng tôi. Vì vậy mà thương mại đã được tập trung rất nhiều trong chuyến công du này.

Kim ngạch thương mại song phương đã vượt ngưỡng 1 tỷ USD vào năm 2013, nhưng so với mối quan hệ lâu bền giữa hai nước, đây vẫn là một con số khiêm tốn. Với tư cách là Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam, trong thời gian tới, những lĩnh vực tiềm năng nào hai nước cần nên tập trung phát triển?

Đại sứ Thụy Điển: Quan hệ VN-Thụy Điển là “độc nhất vô nhị”

Đại sứ Thụy Điển Camilla Mellander trong sự kiện về an toàn giao thông tại trường tiểu học Cát Linh, Hà Nội vào ngày 24/4 vừa qua.

Tôi cho rằng một lĩnh vực tiềm năng chúng ta nên tập trung là ngành thời trang. Chúng ta biết rằng một số công ty Thụy Điển đang tìm kiếm nguồn nguyên liệu ở Việt Nam. Chúng tôi cũng có một vài công ty đã ở đây, như H&M, một công ty lớn của Thụy Điển bạn có thể thấy ở khắp toàn cầu. Cũng có nhiều nhà sản xuất vải của Thụy Điển cũng đang tìm kiếm nguyên liệu ở Việt Nam.

Tiếp đến chúng tôi cũng có những công ty trong ngành công nghệ thông tin tìm kiếm thị trường ở Việt Nam.

Chúng tôi có thế mạnh trong lĩnh vực thiết bị công nghiệp nặng. Vì vậy đây có thể tiếp tục là nền tảng cho mối quan hệ thương mại giữa hai nước chúng ta. Chúng tôi cũng đã có một công ty rất lớn có mặt ở đây trong lĩnh vực đồ gia dụng. Và đây cũng có thể là lĩnh vực tôi cho rằng cần được mở rộng.

Cuối cùng tôi cho rằng công nghệ xanh là là lĩnh vực vô cùng tiềm năng giữa hai nước chúng ta. Chúng tôi đã phát triển lĩnh vực này ở Thụy Điển cũng được khá lâu, như dùng rác thải để làm năng lượng, khí gas sinh học, lọc nước sạch…

Bà nghĩ gì về tương lai phát triển quan hệ giữa Việt Nam-Thụy Điển, thưa bà?

Tôi hi vọng chúng ta tiếp tục phát triển mối quan hệ song phương vốn luôn tuyệt vời giữa hai nước. Chúng ta tiếp tục điều đó trên cơ sở hiện nay chúng ta là những đối tác bình đẳng, khi giờ đây Việt Nam đã là nước đang phát triển, đã xuất khẩu sang Thụy Điển nhiều hơn Thụy Điển xuất sang Việt Nam.

Và tôi muốn nhấn mạnh mối quan hệ Việt Nam-Thụy Điển là “độc nhất vô nhị”. Thụy Điển không có mối quan hệ kiểu này với tất cả các nước. Theo tôi nước duy nhất khác chúng ta có thể nghĩ đến mối quan hệ đặc biệt tương tự là Nam Phi, khi chúng tôi ủng hộ Nelson Mandela và tổ chức của ông trong nhiều năm. Vì vậy mà mối quan hệ đặc biệt này là nền tảng vô cùng quan trọng để tiếp tục phát triển mối quan hệ Việt Nam - Thụy Điển trở nên nồng ấm hơn, hiệu quả hơn.

Xin cảm ơn bà rất nhiều!

Theo bà Camilla Mellander, trong năm kỷ niệm 45 năm quan hệ Việt Nam-Thụy Điển, Sứ quán Thụy Điển tập trung hướng tới thế hệ trẻ Việt Nam qua nhiều hình thức. Gần đây nhất, Sứ quán đã phối hợp tổ chức một sự kiện về an toàn giao thông, phân phát khoảng 500 mũ bảo hiểm cho học sinh tiểu học ở trường Cát Linh, Hà Nội. Sứ quán cũng kết nối với các bạn trẻ Việt Nam qua facebook, qua các sự kiện được tổ chức ngay tại Sứ quán như jazz picnic, sự kiện vừa thưởng thức nhạc jazz vừa thưởng thức đồ ăn Thụy Điển, sự kiện “Lunch Beat”, vừa ăn trưa vừa nhảy, nhằm lấy lại năng lượng làm việc cho những người trẻ làm ở các công sở, hay sự kiện “Học tập tại Thụy Điển”…

Vũ Quý