1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Đại sứ quán Mỹ kêu gọi chung tay bảo vệ đại dương

(Dân trí) - Đại dương với những tài nguyên quý giá đang đối mặt với hiểm họa từ hoạt động đánh bắt tràn lan và ô nhiễm biển từ chất dẻo là vấn đề được các chuyên gia và đại biểu chia sẻ trong buổi thảo luận về bảo vệ đại dương do Đại sứ quán Mỹ tổ chức.

Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội chiều ngày 7/6 đã tổ chức một cuộc thảo luận chuyên đề về bảo vệ đại dương với sự tham gia của Phó Đại sứ Mỹ Susan Sutton, cùng các chuyên gia Mỹ và Việt Nam trong lĩnh vực bảo vệ môi trường nhân dịp kỷ niệm Ngày Đại dương Thế giới 8/6.

Trong buổi thảo luận, các chuyên gia đã chỉ ra nguyên nhân vì sao hàng năm trên thế giới có hàng triệu tấn chất dẻo bị thải ra đại dương. Đó là do tập quán sinh hoạt và ý thức bảo vệ môi trường của con người chưa cao. Hậu quả của việc ô nhiễm đại dương là nhiều các loại động vật chết mỗi năm do nuốt nhầm phải chất thải. Nguy hại hơn nữa, các chất dẻo thải ra bị chia tách thành các hạt nhỏ, sản sinh độc tố gây hại tới nguồn nước và các loài sinh vật biển. Con người sử dụng thức ăn và nguồn lợi hải sản từ đại dương cũng gián tiếp nhiễm độc.


Hình ảnh “hãi hùng” về cái chết của một con chim biển ăn nhầm phải nhựa. Trong bộ phim tài liệu “Đại dương chất dẻo”, một con chim biển đã chết khi nuốt nhầm phải 276 mảnh nhựa phân hủy từ túi nilon, bật lửa, ống hút… (Ảnh: Reuters)

Hình ảnh “hãi hùng” về cái chết của một con chim biển ăn nhầm phải nhựa. Trong bộ phim tài liệu “Đại dương chất dẻo”, một con chim biển đã chết khi nuốt nhầm phải 276 mảnh nhựa phân hủy từ túi nilon, bật lửa, ống hút… (Ảnh: Reuters)

“Sức khoẻ của các đại dương của chúng ta và sinh kế của các cộng đồng ngư dân phụ thuộc vào cách chúng ta đối diện với những mối hiểm họa từ hoạt động đánh cá tràn lan và ô nhiễm”, bà Ali Davis, cán bộ Phòng môi trường, khoa học, công nghệ và y tế thuộc Đại sứ quán Mỹ nói.

Chia sẻ về các biện pháp bảo vệ đại dương, Phó đại sứ Sutton gợi ý một số cách như: Dọn sạch bãi biển, sử dụng những loại lưới đánh cá không gây ảnh hưởng đến rùa biển, hay hợp tác với chính quyền địa phương để ngăn chặn sự biến mất của các rặng san hô.


Các chuyên gia Mỹ và Việt Nam tham gia buổi thảo luận nhân kỷ niệm Ngày Đại dương Thế giới 8/6 (Ảnh: Đức Hoàng)

Các chuyên gia Mỹ và Việt Nam tham gia buổi thảo luận nhân kỷ niệm Ngày Đại dương Thế giới 8/6 (Ảnh: Đức Hoàng)

Trong buổi thảo luận, các chuyên gia đã trình bày một số chiến dịch bảo vệ môi trường biển, cụ thể như phong trào làm sạch bãi biển, xây dựng các khu bảo tồn… Song, điều quan trọng nhất vẫn là ý thức của chính con người với môi trường biển. Con người có thể bắt đầu từ những việc như bỏ rác vào thùng, phân loại rác, nói không với những đồ vật bằng nhựa dùng một lần như túi nilon, ống hút. Mỗi sự thay đổi nhỏ đều có thể tạo nên sự chuyển dịch mạnh mẽ góp phần xây dựng trái đất ngày càng tốt hơn.

Nhân dịp này, Đại sứ quán Mỹ cũng chiếu bộ phim "Đại dương chất dẻo" - một phim tài liệu về hậu quả của việc sử dụng các sản phẩm dùng một lần.

Được khởi xướng bởi Liên Hợp Quốc, Ngày Đại dương Thế giới năm 2017 có chủ đề "Đại dương của chúng ta, Tương lai của chúng ta".

Đức Hoàng