1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Đại sứ Osius muốn Mỹ là đối tác thương mại, đầu tư số 1 tại Việt Nam

(Dân trí) - Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius cho biết, trong nhiệm kỳ của mình tại Việt Nam, ông sẽ nỗ lực hết sức để thúc đẩy quan hệ hai nước và có tham vọng lớn là muốn Mỹ trở thành đối tác thương mại và nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam".

Bên lề cuộc Hội thảo Quốc tế "Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ: 20 năm thành công hơn nữa" được tổ chức vào ngày 26/1 tại Hà Nội, Đại sứ Ted Osius đã có cuộc trả lời phỏng vấn báo chí về quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ.

Hội thảo do Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp với Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế của Hoa Kỳ (CSIS) và Trường Đại học Portland (Hoa Kỳ) tổ chức, có sự tham dự của những nhà ngoại giao hàng đầu ở Việt Nam và Hoa Kỳ.

Đại sứ Osius muốn Mỹ là đối tác thương mại, đầu tư số 1 tại VN

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius tại cuộc Hội thảo "Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ: 20 năm thành công hơn nữa”

Ông có thể cho biết những nét lớn trong hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam-Hoa Kỳ?

Hoa Kỳ sẽ giúp Việt Nam nâng cao năng lực của cảnh sát biển và đây là điều rất quan trọng đối với 2 nước, đồng thời cũng góp phần đảm bảo cho tình hình an ninh ở khu vực châu Á. Hòa bình, ổn định sẽ giúp cho các nước được hưởng lợi từ các tuyến hàng hải, giúp hàng hóa được vận chuyển tự do giữa các nước. Chúng tôi sẽ tiếp tục giúp đỡ và hợp tác với Việt Nam.

Tổng thống Mỹ Barack Obama trong bản Thông điệp liên bang mới đây nhấn mạnh về vấn đề đối nội hơn là đối ngoại và trong các chính sách đối ngoại cũng nói rất ít đến các tranh chấp hàng hải ở châu Á. Như vậy liệu có nghĩa là Mỹ sẽ dành ít nguồn lực cho vấn đề này trong 2 năm cuối của nhiệm kỳ của ông Obama hay không?

Thực tế là không phải như vậy. Ông Obama cũng đã nói khá nhiều về Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), cũng như Hiệp định thương mại tự do giữa Mỹ và châu Âu. Đó cũng là trọng tâm của chúng tôi đối với tầm nhìn về hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực châu Á.

Tổng thống Obama cũng đã nói về những lợi ích của TPP đối với Mỹ cũng như các nước trong khu vực và cũng nhấn mạnh về việc cần nhanh chóng kết thúc TPP cũng như tiến tới thực hiện TPP.

Việt Nam là 1 trong số 12 nước đang tích cực tham gia đàm phán về TPP. Cả Hoa Kỳ và Việt Nam đều coi TPP là một thỏa thuận có tính chiến lược, một thỏa thuận tốt về mặt kinh tế. Tôi lạc quan rằng chúng ta có thể kết thúc đàm phán hiệp định TPP trong năm nay. Và đây sẽ là một trong những thành tựu quan trọng để kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa 2 nước.

Theo ông, khi nào 2 nước có thể thiết lập quan hệ hợp tác chiến lược?

Tôi nghĩ rằng điều quan trọng là nội hàm của quan hệ chứ không phải cái tên của quan hệ. Như ngài Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Hà Kim Ngọc đã nói về 9 trụ cột trong quan hệ của 2 nước,  tôi thấy các lãnh đạo Việt Nam và Hoa Kỳ đều rất tham vọng về quan hệ đối tác của 2 nước và họ muốn nhấn mạnh đến tính thực chất, đến những công việc mà 2 bên có thể làm cùng với nhau. Điều đó có tính quan trọng hơn nhiều so với cái tên của quan hệ.

Những ưu tiên của ông trong nhiệm kỳ tại Việt Nam?

Trong nhiệm kỳ của tôi, tôi muốn làm sâu sắc thêm quan hệ giữa 2 nước. Tôi có tham vọng lớn là Mỹ không phải là đối tác thương mại, đầu tư đứng thứ 2 hay thứ 3 ở Việt Nam mà phải ở vị trí số 1. Thứ 2 là tôi cũng rất chú trọng vào quản lý nhà nước, trong đó chú trọng vào việc chống tham nhũng cũng như tôn trọng pháp luật và nhân quyền. Thứ 3 là thúc đẩy hợp tác về an ninh, đặc biệt là an ninh hàng hải.

Thứ 4 là đẩy mạnh hợp tác giáo dục giữa 2 nước, hướng tới thành lập được trường Đại học Fullbright ở Việt Nam. Đây sẽ không chỉ là trường đại học vào loại tốt nhất ở Việt Nam mà còn tốt nhất thế giới.

Cuối cùng, tôi cũng sẽ ưu tiên chú trọng lĩnh vực hợp tác khoa học, kỹ thuật, y tế. Chúng ta đã có rất nhiều việc để làm cùng nhau trong 20 năm qua nhưng trong 20 năm tới, chúng ta cũng sẽ hợp tác rất nhiều trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, y tế và môi trường...


Nam Hằng (ghi)