Đại sứ Nga: Tấn công Belarus đồng nghĩa tấn công Nga
(Dân trí) - Đại sứ Nga tại Belarus tuyên bố Nga sẽ coi bất kỳ cuộc tấn công nào vào Belarus là hành động gây hấn với Nga.
Phát biểu với đài truyền hình STV của Belarus hôm 20/8, Đại sứ Nga tại Belarus Boris Gryzlov cảnh báo bất kỳ bên thứ ba nào tấn công Belarus, một đồng minh của Nga, cũng bị coi là tấn công Nga.
"Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói rõ ràng rằng trong trường hợp Belarus bị tấn công, chúng tôi sẽ coi đây là một cuộc tấn công nhằm vào Nga. Học thuyết quân sự của Liên bang Nga quy định, trong trường hợp như vậy, phải đáp trả bằng tất cả vũ khí của chúng tôi", ông Gryzlov tuyên bố, dường như ngụ ý về lựa chọn sử dụng vũ khí hạt nhân.
Trước đó, tại cuộc họp của Hội đồng An ninh Nga hồi tháng 7, Tổng thống Putin tuyên bố "đối với Belarus, đây là một phần của Nhà nước Liên minh, do vậy việc gây hấn chống lại Belarus sẽ đồng nghĩa với gây hấn với Liên bang Nga".
"Chúng tôi sẽ phản ứng với hành động gây hấn này bằng tất cả các phương tiện có sẵn của mình", ông Putin nhấn mạnh.
Hồi tháng 4, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cho biết ông muốn Nga sẽ bảo vệ Belarus trong trường hợp nước này bị tấn công. Ông Lukashenko cũng cảm ơn Moscow vì đã duy trì hàng nghìn binh sĩ Nga trên lãnh thổ Belarus.
Trước đó, Tổng thống Belarus hồi tháng 2 cũng khẳng định, quân đội nước này sẵn sàng chiến đấu cùng Nga nếu một nước khác tấn công Belarus.
Tổng thống Putin hồi tháng 6 xác nhận, những vũ khí hạt nhân chiến thuật đầu tiên của Nga đã được chuyển đến Belarus theo thỏa thuận giữa hai nước. Đây là lần đầu tiên Nga triển khai kho vũ khí hạt nhân bên ngoài biên giới kể từ khi Liên Xô sụp đổ năm 1991.
Belarus, một đồng minh của Nga, có đường biên giới dài 1.250km với các nước thành viên NATO gồm Latvia, Lithuania, Ba Lan và cách thủ đô Ukraine tại điểm gần nhất chưa đầy 100km. Belarus cũng là đồng minh thân cận của Nga, cho phép Nga triển khai hàng chục nghìn binh sĩ diễn tập quân sự từ trước khi Moscow mở chiến dịch ở Ukraine.
Chính quyền Tổng thống Alexander Lukashenko khẳng định, mục tiêu quan trọng nhất của Belarus là ngăn chặn xung đột lan sang lãnh thổ nước này, đồng thời bảo vệ người dân Belarus khỏi nguy cơ bị tấn công từ các quốc gia không thân thiện trong khu vực.
Nga và Belarus nhiều lần cáo buộc phương Tây tìm cách phá hoại nước này, do vậy việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật là cần thiết để răn đe. Mặt khác, chính quyền Tổng thống Lukashenko khẳng định sẽ không tham gia chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.
Vào cuối tháng 6, Tổng thống Belarus đã làm trung gian cho thỏa thuận nhằm thuyết phục ông trùm Wagner Yevgeny Prigozhin chấm dứt cuộc nổi loạn ở thành phố phía nam Nga. Đổi lại, Belarus đã đồng ý cho ông Prigozhin và các binh sĩ Wagner chuyển sang nước này. Đề xuất đã nhận được sự đồng ý của Tổng thống Nga.
Bộ Quốc phòng Belarus cho biết, khi Wagner đến và triển khai lực lượng huấn luyện, trao đổi kinh nghiệm, Belarus sẽ đặc biệt chú ý đến việc chia sẻ các kỹ thuật và phương pháp tác chiến mà lực lượng vũ trang Belarus đang sử dụng.
Ngay khi thỏa thuận Wagner chuyển đến Belarus được tiết lộ, các nước NATO đã bày tỏ lo ngại nguy cơ bất ổn mới ở khu vực.