1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Đại sứ Mỹ Ted Osius: Tôi thấy mình như trúng số

(Dân trí) - Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin PBS trước thềm chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Barack Obama, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius cho biết ông cảm thấy may mắn như trúng số khi có cơ hội tới Việt Nam sinh sống và làm việc. Ông cũng chia sẻ những tình cảm chân thành của ông dành cho Việt Nam và những hoạt động nhằm duy trì mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước.

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius (Ảnh: Vietnamnet)
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius (Ảnh: Vietnamnet)

Sứ mệnh ngoại giao của Đại sứ Ted Osius tại Việt Nam khởi đầu bằng hành trình đạp xe xuyên Việt gần 2.000 km từ Hà Nội đến Thành phố Hồ Chí Minh với tư cách là nhân viên của Lãnh sự quán Mỹ tại Việt Nam. Chuyến đi đó được thực hiện cách đây 21 năm, sau khi Việt Nam và Mỹ chính thức bình thường hóa quan hệ năm 1995. Ngoại giao xe đạp sau này đã trở thành dấu ấn gắn liền với hình ảnh của Đại sứ Ted Osius, giúp ông dễ dàng giao lưu với người dân Việt Nam cũng như các quan chức chính phủ tại địa phương.

Năm 1996, ông Osius, khi ấy còn là một nhà ngoại giao trẻ mới sang công tác tại Việt Nam, đã ghé thăm cầu Hiền Lương trong chuyến hành trình đạp xe xuyên Việt. Tại đây, ông đã nói chuyện với một người phụ nữ Việt Nam và cảm thấy bất ngờ về những suy nghĩ, cảm nhận của người dân Việt Nam lúc ấy đối với cuộc chiến tranh đã qua.

“Tôi hỏi người phụ nữ tại sao ở đây có nhiều ao đến vậy. Bà trả lời rằng đó không phải ao mà là những chỗ bị bom Mỹ dội xuống. Ngôi làng của bà cũng bị dội bom và bà đã mất hết người thân trong gia đình sau những trận dội bom đó”, ông Osius kể lại.

“Sau đó tôi nói với bà rằng tôi là người Mỹ và tôi làm việc cho Đại sứ quán Mỹ, bà đã trả lời tôi rằng: Hôm nay, chúng ta là anh chị em”, ông Osius nói thêm.

Cũng theo ông Osius, nỗi đau mà chiến tranh để lại không chỉ là của riêng bên nào. Rất nhiều người Việt Nam đã ngã xuống sau chiến tranh, nhưng người dân Việt Nam luôn mong muốn gác lại quá khứ đau buồn để hướng tới tương lai tốt đẹp.

Không chối bỏ quá khứ

Khi được hỏi về những di sản của cuộc chiến mà thế hệ những người Việt Nam sinh sau chiến tranh đến nay vẫn phải hứng chịu như vấn đề bom mìn chưa được rà phá hết hay vấn đề ô nhiễm môi trường tại những khu vực trước đây bị rải chất độc màu da cam khiến nhiều thế hệ trẻ em Việt Nam sinh ra không được lành lặn và phải chịu nhiều tổn hại về sức khỏe, Đại sứ Ted Osius trả lời rằng ông không chối bỏ quá khứ và chính phủ Mỹ cũng đã có nhiều hành động để giúp Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh.

Một trong những việc mà ông cùng các đồng nghiệp đã làm đó là xử lý hậu quả của chất độc màu da cam tại Việt Nam. Ông Osius cho biết những việc làm này đã gặt hái được những thành công đáng kể tại thành phố Đà Nẵng, góp phần dọn sạch tàn dư chất độc màu da cam còn sót lại tại đây.

Liên quan tới vấn đề Biển Đông, nhà ngoại giao Mỹ nhận định, Trung Quốc gần đây liên tục có những động thái khiêu khích trên biển như các hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo, từ đó làm thay đổi hiện trạng trên Biển Đông. Ông Osius cho biết quan điểm của Mỹ trong vấn đề này luôn đồng nhất từ trước tới nay, đó là ủng hộ các quy định của luật pháp quốc tế.

Ông Osius nói ông yêu mến tiếng Việt, văn hóa, lịch sử và con người Việt Nam. Ông cảm thấy thích thú khi được sống và làm việc tại đây. Ông chia sẻ rằng tiếng Việt là một ngôn ngữ khó học nhưng ông có thể nói tiếng Việt khá tốt.

“Tôi thực sự rất thích cuộc sống nơi đây. Tôi có cảm giác như mình trúng số vì tôi thực sự mong muốn dành sự quan tâm đối với Việt Nam. Được đến đây, làm công việc đó, vào thời điểm này, với tôi đó thực sự là một đặc ân hiếm hoi. Mỗi ngày tôi đều thấy mình may mắn vì điều đó”, ông Osius chia sẻ.

Thành Đạt

Theo PBS