1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Đài Loan lên kế hoạch phát triển lĩnh vực công nghiệp quốc phòng

(Dân trí) - Nhằm nâng cao năng lực của các đơn vị quân đội, nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn đang lên kế hoạch phát triển ngành công nghiệp quốc phòng trong thời gian tới.


Máy bay huấn luyện AT-3. (Ảnh: FocusTaiwan)

Máy bay huấn luyện AT-3. (Ảnh: FocusTaiwan)

Các chuyên gia cho rằng, dù Mỹ cân nhắc bán thêm các loại vũ khí cho Đài Loan song chính quyền vùng lãnh thổ này đang phải xoay chuyển chiến lược để đáp ứng với tình hình hiện nay.

Tờ Bưu điện Hoa nam buổi sáng dẫn lời Giáo sư Arthur Ding nhận định: "Đài Loan đã phải chi rất nhiều để mua vũ khí của Mỹ và chính quyền hiện nay vẫn đang phải thanh toán cho các thương vụ mua vũ khí từ những chính quyền trước. Tuy nhiên, vũ khí mà Đài Loan cần lúc này không chỉ là các loại vũ khí công nghệ cao mà còn cần phát triển ngành công nghiệp quốc phòng của họ để đối phó với những khó khăn do suy thoái kinh tế".

Trong khi đó, chuyên gia Andrei Chang, nhà sáng lập tạp chí quân sự Hán Hoà, cho rằng Đài Loan sẽ phải chi tới 15 tỷ USD để mua tất cả số vũ khí từ Mỹ. Danh mục mua sắm của Đài Loan sẽ bao gồm 66 mẫu chiến đấu cơ F-16C/D, hơn 10 mẫu máy bay chống ngầm và tuần tra hàng hải P-3 Orion, 4 tuần dương hạm lớp Ticonderoga, cùng nhiều loại khí tài khác liên quan.

Tổ chức nghiên cứu Rand Corporation năm ngoái đã công bố báo cáo cho rằng, để đáp ứng được những nhu cầu hiện nay, Đài Loan sẽ phải chi khoảng 25,3 tỷ USD để nâng cấp các hệ thống vũ khí trong 20 năm tới.

Tuy nhiên, không như những người tiền nhiệm, nhà lãnh đạo Thái Anh Văn đang thực hiện cam kết mà bà từng đưa ra trong chiến dịch vận động tranh cử là phát triển lĩnh vực công nghiệp quốc phòng của Đài Loan.

Hồi tháng 2 vừa qua, nhà lãnh đạo Đài Loan đã công bố kế hoạch sản xuất 66 máy bay huấn luyện trong giai đoạn từ này tới năm 2026. Đây là kế hoạch trị giá 3,13 tỷ USD và được triển khai để thay thế các mẫu máy bay huấn luyện đã lạc hậu của Đài Loan như mẫu AT-3 hay F-5. Tháng trước, bà Thái Anh Văn cũng công bố kế hoạch đóng 8 tàu ngầm chạy bằng động cơ điện-diesel trong 10 năm tới.

Đánh giá về chiến lược của bà Thái Anh Văn, chuyên gia phân tích quân sự Antony Wong Dong cho rằng đây là chiến lược hướng tới dài hạn. Ông nhận định: "Đài Loan từng có những chuyên gia và kỹ thuật viên thuộc lĩnh vực phát triển chiến đấu cơ rất tốt. Đó là khi họ phát triển một cơ quan chuyên trách lĩnh vực này vào những năm 1980. Tuy nhiên, dự án đó sau đó đã bị đình lại vào năm 2000".

Theo ông Antony Wong Dong, quyết định hoãn dự án trên đã dẫn tới việc nhiều chuyên gia chuyển sang làm việc ở Hàn Quốc. Hiện nhiều người trong số này đang tham gia vào chương trình phát triển máy bay T-50 Golden Eagle của Hàn Quốc. Do vậy, việc khôi phục lại ngành công nghiệp quốc phòng của bà Thái Anh Văn được kỳ vọng sẽ tạo ra cơ hội làm việc chất lượng cao cho những người trẻ tuổi và các tài năng ở Đài Loan.

Ngọc Anh

Theo SCMP