1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Đại hội Đảng Triều Tiên: khi ông Kim Jong-un khẳng định siêu quyền lực

Nhiều chuyên gia nhận định, Đại hội Đảng lần thứ 7 của Triều Tiên sẽ là thời điểm vàng để nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un củng cố và gia tăng quyền lực.

Mới đây, truyền thông Triều Tiên đưa tin, Bộ chính trị Trung ương đảng Lao động Triều Tiên đã ra quyết định tổ chức đại hội đảng lần thứ 7 tại Thủ đô Bình Nhưỡng vào ngày 6/5.

Đây là lần Đại hội Đảng đầu tiên của Triều Tiên kể từ Đại hội Đảng lần thứ 6 vào tháng 10/1980. Đại hội lần đó diễn ra dưới sự chủ trì của ông Kim Jong-il, cố lãnh đạo Triều Tiên và cũng là thân sinh của ông Kim Jong-un.

Triều Tiên ấn định ngày tổ chức Đại hội Đảng là ngày 6/5. Ảnh: Reuters.
Triều Tiên ấn định ngày tổ chức Đại hội Đảng là ngày 6/5. Ảnh: Reuters.

Dự kiến khoảng 3.000 đại biểu sẽ tham dự Đại hội. Đây sẽ là đại hội lớn đầu tiên của Đảng Lao động Triều Tiên sau 36 năm và cũng là đại hội đầu tiên diễn ra dưới thời nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Theo thông lệ, Đại hội Đảng Lao động sẽ là lúc các nhà lãnh đạo Triều Tiên đề ra đường lối cũng như các kế hoạch sắp tới của Đảng, trong đó có việc lựa chọn Bí thư thứ nhất của Đảng.

Hiện tại, Bí thư thứ nhất của Đảng Lao động Triều Tiên đang là lãnh đạo Kim Jong-un. Nhiều chuyên gia nhận định, Đại hội lần này sẽ là thời điểm vàng để nhà lãnh đạo Triều Tiên củng cố và gia tăng quyền lực.

“Tất cả được chuẩn bị cho ông Kim Jong-un”

“Đại hội lần này có nghĩa là tất cả mọi thứ được chuẩn bị cho ông Kim Jong-un”, AFP dẫn lời John Delury, một chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Yonsei ở Seoul, Hàn Quốc nhận định.

Đồng quan điểm, ông Ken Gause, một nhà nghiên cứu Triều Tiên, thuộc viện nghiên cứu CAN (Mỹ), cho rằng Đại hội lần này không chỉ là sự khẳng định lần nữa về quyền lực của nhà lãnh đạo Triều Tiên mà còn là dịp để công bố “sự lên ngôi của thời đại Kim Jong-un”.

Nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un chào quân đội trong một cuộc diễu hành. (Ảnh: AFP).
Nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un chào quân đội trong một cuộc diễu hành. (Ảnh: AFP).

Ông Kim Jong-un kế thừa vị trí lãnh đạo tối cao Triều Tiên sau khi cha ông là Kim Jong-il qua đời vào năm 2011. Đã 4 năm trôi qua kể từ ông Kim Jong-un lên nắm quyền, Triều Tiên đã có nhiều thay đổi cả trong nội bộ chính quyền và cả vị trí trên chính trường thế giới.

Theo AFP, đã có nhiều người hoài nghi khi ông Kim Jong-un trở về từ Thụy Sỹ để đảm nhiệm vị trí lãnh đạo tối cao. Họ cho rằng, nhà lãnh đạo còn rất trẻ này thiếu các kỹ năng sống cần thiết trong thế giới chính trị phức tạp của Triều Tiên. Tuy nhiên, sau 4 năm cầm quyền, với các chính sách cứng rắn của mình, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã chứng minh rằng ý kiến này là không đúng.

Hạt nhân, tên lửa sẽ “nóng” trong Đại hội sắp tới

Đại hội Đảng của Triều Tiên sắp tới diễn ra trong bối cảnh những tháng gần đây, đất nước này liên tục bị quốc tế lên án khi tiến hành thử hạt nhân và tên lửa bất chấp lệnh cấm của Liên Hiệp Quốc.

Gần đây nhất là vào ngày 28/4, Bình Nhưỡng đã tiến hành 2 vụ phóng tên lửa tầm trung nhưng đều thất bại.

Vụ phóng thử đầu tiên diễn ra vào lúc 6h40 sáng gần bờ biển phía Đông thành phố Wonsan. Quả tên lửa Musudan trong vụ phóng thử này đã rơi xuống chỉ vài giây sau khi được phóng đi.

Trong vụ phóng thử thứ 2 diễn ra lúc 19h26, Triều Tiên cũng phóng cùng loại tên lửa này ở cùng một khu vực như vụ đầu tiên và cũng đã thất bại.

Tên lửa Musudan của Triều Tiên trên lý thuyết có tầm bắn lên đến 3.000km hoàn toàn có thể tấn công Nhật Bản và đảo Guam của Mỹ. Tuy nhiên, loại tên lửa này chưa lần nào được phóng thử thành công.

Một vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Ảnh Reuters.
Một vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Ảnh Reuters.

Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Moon Sang-Kyun cho biết, có khả năng Triều Tiên vẫn sẽ tiếp tục thực hiện thêm các vụ phóng tên lửa mới. Người phát ngôn Quân đội Hàn Quốc Moon Sang-Kyun cho biết, quân đội Hàn Quốc đang theo dõi chặt chẽ hình hình và trong tình trạng sẵn sàng đối phó với khả năng Triều Tiên phóng thử tên lửa hay tiến hành vụ thử hạt nhân.

Thậm chí, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye còn lo ngại, có nhiều dấu hiệu cho thấy khả năng Triều Tiên sắp tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 5 trước thềm Đại hội lần thứ 7 của đảng Lao động Triều Tiên. Bà Park tuyên bố, Triều Tiên đã làm gia tăng các mối đe dọa an ninh khi liên tiếp tiến hành các vụ phóng thử tên lửa, đồng thời nhấn mạnh Triều Tiên sẽ phải đối mặt với các trừng phạt mạnh hơn và ngày càng bị cô lập nếu tiếp tục thử hạt nhân.

Nhưng bất chấp phản đối từ các nước láng giềng và Liên Hợp Quốc, chưa hề có một biểu hiện nào từ nhà lãnh đạo Kim Jong-un cho thấy Triều Tiên sẽ từ bỏ chính sách hạt nhân của mình. Các nhà quan sát dự đoán, tên lửa, hạt nhân sẽ là vấn đề “nóng” trong Đại hội Đảng của Bình Nhưỡng sắp tới.

Theo các nhà quan sát, một trong những chính sách mà ông Kim Jong-un sẽ nêu bật trong Đại hội Đảng lần này là chính sách "byeongjin". Chính sách này nhấn mạnh việc Triều Tiên theo đuổi chương trình phát triển vũ khí hạt nhân song song với phát triển kinh tế.

Bên cạnh các chính sách về tên lửa và hạt nhân,các đại biểu tham dự Đại hội cũng sẽ thảo luận một loạt những vấn đề quan trọng khác bao gồm các quyết sách về chính trị và kinh tế, các đề xuất phát triển trung hạn và dài hạn, đồng thời cũng sẽ có một số điều chỉnh về nhân sự cấp cao trong chính quyền Bình Nhưỡng.

Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên đã ra quyết định tổ chức Đại hội vào ngày 6/5, tuy nhiên không công bố Đại hội sẽ diễn ra trong bao lâu. Được biết, Đại hội Đảng Lao động Triều Tiên trước đó (tổ chức vào năm 1980) diễn ra trong 4 ngày.

Phát triển kinh tế- thách thức lớn với nhà lãnh đạo trẻ

Mặc dù quyền lực của ông Kim Jong-un ngày càng được củng cố trong chính quyền Bình Nhưỡng, điều này cũng đồng nghĩa với việc trách nhiệm mà ông phải gánh vác ngày càng cao. Phát triển kinh tế đất nước trong bối cảnh các lệnh trừng phạt bủa vây là bài toán không dễ dàng giải quyết đối với nhà lãnh đạo trẻ Triều Tiên. Đây cũng là một vấn đề quan trọng được các nhà quan sát phương Tây dự đoán sẽ bàn luận trong Đại hội Đảng Lao động Triều Tiên ngày 6/5 tới.

Theo Đài KBS (Hàn Quốc), ngày 29/3, Hiệp hội thương mại quốc tế Hàn Quốc (KITA) đã công bố bản báo cáo có tiêu đề “Ảnh hưởng của nghị quyết trừng phạt của Liên Hợp Quốc đến xuất nhập khẩu của Triều Tiên”. Bản báo cáo cho biết kinh tế Triều Tiên phải chịu ảnh hưởng nghiêm trọng do lệnh cấm vận của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, quy mô xuất khẩu của Triều Tiên đã bị giảm xuống một nửa.

Đài KBS cũng dẫn phân tích của Hiệp hội thương mại quốc tế Hàn Quốc và chuyên gia kinh tế Jo Bong-hyun cho biết, nếu Triều Tiên tiếp tục bị cấm vận sẽ dẫn đến tình trạng nước này bị cạn kiệt ngoại hối, gây ảnh hưởng lớn đến kinh tế và công nghiệp.

Mặc dù Bình Nhưỡng sẽ mở rộng xuất khẩu các sản phẩm không bị cấm vận, nhưng nguồn cung cấp điện không ổn định ở trong nước cộng thêm việc bị hạn chế về vận chuyển đường biển và tài chính sẽ khiến cho nền kinh tế Bình Nhưỡng đối diện với nguy cơ suy thoái nghiêm trọng, ông Jo Bong-hyun cho biết thêm.

Công nhân một nhà máy dệt lụa ở Bình Nhưỡng. (ảnh: Reuters).
Công nhân một nhà máy dệt lụa ở Bình Nhưỡng. (ảnh: Reuters).

Ông Jo Bong-hyun cho biết, kinh tế Triều Tiên phụ thuộc nhiều vào việc xuất khẩu khoáng sản. Ước tính Triều Tiên đã thất thu khoảng 1 tỷ USD ngoại hối do đình trệ trong xuất khẩu khoáng sản. Thêm vào đó, kim ngạch xuất khẩu cũng giảm khoảng 400 triệu USD do giao dịch không diễn ra suôn sẻ. Cộng thêm tất cả các hạn chế khác nữa, tổng quy mô xuất khẩu của nước này đã giảm khoảng 1,5 tỷ USD.

Tuy nhiên, trái với số liệu bi quan nói trên, thống kê của Tổng cục Hải quan Trung Quốc lại cho thấy kim ngạch thương mại song phương năm 2015 của Trung Quốc với Triều Tiên đạt 5,511 tỷ USD; trong đó kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Triều Tiên đạt 2,945 tỷ USD và con số theo chiều ngược lại là 2,565 tỷ USD.

Số liệu này chứng minh rằng việc xuất khẩu của Triều Tiên vẫn ổn định trong năm 2015 so với những năm trước. Hơn thế nữa, lệnh cấm vận của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc áp dụng đối với các mặt hàng là các loại vũ khí, thiết bị và công nghiệp liên quan trực tiếp đến hoạt động vũ khí hạt nhân và các loại nhiên liệu hàng không, tên lửa. Những mặt hàng này không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của người dân Triều Tiên.

Theo AFP, kịch bản của những người lạc quan sẽ là, trong thời gian tới, với con bài “hạt nhân” ở trong túi, nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể sẽ tuyên bố rằng an ninh của Triều Tiên giờ đây đã được đảm bảo, và trọng tâm của đất nước sẽ chuyến sang việc phát triển nền kinh tế.

Còn nhớ, cách đây 4 năm, tại một cuộc diễu hành của quân đội vào tháng 4/2012, nhà lãnh đạo Kim Jong-un từng cam kết rằng người dân Triều Tiên sẽ “không bao giờ phải thắt lưng buộc bụng thêm một lần nào nữa”.

Con đường phía trước sẽ rất dài và nhiều chông gai đối với nhà lãnh đạo 33 tuổi Kim Jong-un. Có lẽ câu hỏi về việc liệu rằng ông Kim sẽ tiếp tục đảm nhiệm vị trí lãnh đạo của mình như thế nào sau Đại hội Đảng cần thêm thời gian để trả lời./.

Theo Phương Chi/VOV.VN