1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Đại gia Trung Quốc và thú chơi chim bồ câu đua

(Dân trí) - Các đại gia Trung Quốc sành chơi chim bồ câu đua sẵn sàng chi hàng chục nghìn USD để mua những con chim đua giống tốt của Bỉ, khiến những người địa phương đam mê môn thể thao đua chim không thể cạnh tranh nổi trong các vụ đấu giá cao ngất trời.


Đại gia Trung Quốc và thú chơi chim bồ câu đua
Môn thể thao đua chim đang trở thành thú vui của giới nhà giàu Trung Quốc.
 
Nhân giống chim bồ câu là một niềm đam mê có từ lâu đời của Trung Quốc, mặc dù môn thể thao đua chim bồ câu đường dài chưa bao giờ được quan tâm như ở phía bắc châu Âu.

Tại Bỉ, Hà Lan, phía bắc nước Pháp và Anh, môn thể thao đua chim bồ câu có thể diễn ra ở những quãng đường trên 1.000km, khi những con chim bồ câu đua nhau trở về tổ càng nhanh càng tốt. Bản năng cho phép chúng tìm đường quay về tổ.

Những con chim vô địch trong các cuộc đua có thể mang lại những số tiền lớn cho các chủ nhân.

Tại Bỉ, niềm đam mê chim bồ câu đã giảm đi trong những năm gần đây, nhưng sự xuất hiện của những người đam mê đua chim bồ câu từ Trung Quốc đã làm thay đổi động lực của thị trường.

Môn thể thao đua chim bồ câu tại Trung Quốc có từ triều đại nhà Minh, khi chúng trở thành chim bồ câu đưa thư. Bị cấm trong Cách mạng văn hoá nhưng nó đã trở lại vào những năm 1970.

Theo báo chí nhà nước Trung Quốc, hiện có khoảng 300.000 người tại nước này tham gia môn thể thao đua chim.
 
Đại gia Trung Quốc và thú chơi chim bồ câu đua
Chim bồ câu đua được trưng bày tại hội chợ chim quốc tế lần 2 ở Kortrijk, Bỉ hôm 18/2.

Hồi cuối tháng 1, “đại gia” Trung Quốc Hun Zhen Yu đã đã tới châu Âu và chi 250.000 euro (328.000 USD) để mua một con chim bồ câu của Hà Lan, giá kỷ lục cho một con chim bồ câu.

Người chủ cũ của con chim, Pieter Veenstra, từ Hà Lan, đã bán được 245 con chim bồ câu trong vài năm qua với giá hơn 2 triệu euro, theo trang web PIPA của Bỉ chuyên đấu giá chim bồ câu, vốn khẳng định rằng một nửa các khách hàng của họ là từ Trung Quốc.

Những người Trung Quốc giàu có sành chơi chim sẽ trả số tiền rất lớn “nếu con chim từng giành vài giải thưởng và xuất thân từ dòng giống tốt”, Nikolaas Gyselbrecht, người đứng đầu trang PIPA, cho biết bên lề hội chợ chim bồ câu thế giới lần thứ 2 tại Kortrijk, Bỉ.

“Tôi nghĩ Bỉ là vương quốc của chim bồ câu đưa thư”, Johnson Kiang, từ Đài Loan, một trong những du khách tham quan hội chợ, nói.

Nhưng không phải mọi người đều hài lòng với vị thế mới của Trung Quốc.

“Tôi thấy nó quá đắt, 200.000 euro, đó không phải là cái giá thông thường”, Marcel Candenir, người tới tham quan hội chọ từ Lille, phía bắc nước Pháp, bày tỏ.

“Thật ngớ ngẩn, điều đó đang giết chết môn thể thao. Làm sao một người trẻ có thể khởi đầu môn thể thao này?”, Gilles Vanneuville, cũng là một người Pháp, nói.

Willy Anquinet, người đàn ông 75 tuổi từ ngôi làng Gooik, gần Brussels, đã trở thành nạn nhân của cơn sốt mới này.

Hồi đầu tháng 1, một trong số những con chim đua vô địch của ông - tên gọi “Black” - đã bị đánh cắp khỏi chuồng chim. “Tôi đã được trả giá 15.000 euros nhưng tôi chào giá 20.000 euro để có đủ tiền mua một chiếc xe mới”.

Đại gia Trung Quốc và thú chơi chim bồ câu đua
Gian trưng bày tại hội chợ chim quốc tế ở Kortrijk.

Vài ngày sau chuyến viếng thăm của các khách hàng tiềm năng, lồng chim đã bị đập vỡ.

“Chúng đã ăn trộm Black và định lấy đi một con chim khác nhưng không thành”, ông nói.

Marc De Cock, người sở hữu 600 con chim bồ câu tại Temse, phía bắc Bỉ, đã đầu tư vào việc tăng cường hệ thống an ninh cho đàn chim, trị giá khoảng 100.000 euro.

Chúng được giám sát bằng 15 camera, có thệ thống tắm và phơi nắng riêng, và được đối xử giống như các nhà vô địch thể thao hàng đầu.

Ông De Cock đang hi vọng có thể bán nhiều chim bồ câu cho các khách hàng châu Á.

“Người Trung Quốc rất quan trọng về thanh thế. Dù họ không muốn nhân giống hay đua chúng, họ vẫn muốn mua một con chim bồ câu đắt tiền giống như một nhà sưu tập tranh muốn mua tranh của các danh hoạ Rubens hay Rembrandt”, ông nói.

An Bình
Theo AFP