1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Đại dương tồn tại trên Sao Hỏa

(Dân trí) - Một khảo sát mới đây cho biết Sao Hỏa từng có đại dương. Những dải đất dài và mấp mô ở khu vực phía bắc Sao Hỏa có thể là tàn tích của một vùng duyên hải đã phủ kín 1/3 diện tích hành tinh này cách đây 2 tỷ năm.

Các nhà khoa học cho biết nét địa lý kéo dài cả ngàn dặm này lần đầu tiên được vệ tinh Viking phát hiện từ thập niên 80.

 

Đến thập niên 90, vệ tinh Global Surveyor của NASA đã phát hiện có nhiều khoảng đất lớn nhấp nhô như núi trong khu vực “khả nghi” trên. Điều này có vẻ không ăn khớp với đặc tính địa lý của vùng duyên hải - nơi địa hình không có sự khác biệt lớn về độ cao. Do đó, nhiều ý kiến nghi ngờ khả năng đã từng tồn tại biển ở khu vực này. 

 

Tuy nhiên mới đây, trên tờ Nature, các nhà khoa học cho rằng có thể hai cực của Sao Hỏa, cũng như trục quay của nó, đã chuyển dịch tới 2.000 dặm (3219 km) trong khoảng 2-3 tỷ năm trước đây, khiến cho diện mạo khu vực bờ biển trước đây (nếu có) của Sao Hỏa bị thay đổi như ngày nay.

 

Giáo sư Taylor Perron của Đại học Havard, tác giả công trình nghiên cứu này, cho biết: “Các cực của Sao Hỏa di chuyển và tác động này đã làm cong bờ biển. Chúng ta không thể có bằng chứng trực tiếp về việc ở đây đã từng tồn tại đại dương vì nước không còn nữa. Nhưng không phải vì thế mà đi đến kết luận chưa bao giờ có nước trên Hỏa Tinh”.

 

Trong quá khứ, các cực của Trái đất cũng đã từng di chuyển. 

 

Các nhà nghiên cứu cho rằng có thể trước đây biển đã bao phủ tới 1/3 diện tích Sao Hỏa trong khoảng nửa thời gian đầu hình thành Sao Hỏa.

 

Giáo sư Perrron tin rằng đại dương đã biến mất của Sao Hỏa có kích thước giống như Thái Bình Dương ở Trái Đất.

 

Thanh Hoàng

Theo CNN