1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Đại dịch cúm A/H1N1 - bê bối y tế lớn nhất thế kỷ?

(Dân trí) - Hội đồng châu ÂU (EC) thông báo họ sẽ điều tra khả năng có ảnh hưởng quá mức từ ngành dược phẩm tới quyết định của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về đại dịch cúm A/H1N1, sau khi có cáo buộc gọi đây là “bê bối thế kỷ”.

Đại dịch cúm A/H1N1 - bê bối y tế lớn nhất thế kỷ? - 1

Một gia đình người Anh bị cách ly tại sân bay Bắc Kinh vì lo ngại truyền nhiễm cúm A/H1N1

Theo trang web Global Research, Ủy ban Y tế của Nghị viện châu Âu mới đây đã nhất trí thông qua nghị quyết tiến hành cuộc điều tra này trong tháng 1 năm nay.

Ủy ban trên cho rằng tuyên bố mà WHO đưa ra hồi tháng 6 năm ngoái về một đại dịch cúm A/H1N1, theo lời khuyên của nhóm các chuyên gia, là đáng ngờ. Theo ủy ban này, hầu hết các chuyên gia đều bị cáo buộc có những liên hệ tài chính quan trọng với các hãng dược phẩm như GlaxoSmithKline, Roche và Novartis – những hãng sẽ kiếm lợi nhiều triệu USD từ sản xuất vắc xin phòng cúm A/H1N1.

Trước đó, Chủ tịch Ủy ban Y tế của Nghị viện châu Âu, Tiến sĩ Wolfgang Wodarg nói tại Nghị viện châu Âu rằng chiến dịch “đại dịch” cúm A/H1N1 của WHO là “một trong những bê bối y tế lớn nhất” thế kỷ.

Trong tuyên bố chính thức của mình trước ủy ban, Tiến sĩ Wodarg đã chỉ trích ảnh hưởng của ngành dược phẩm với các nhà khoa học và quan chức trong WHO, cho rằng điều này đã dẫn đến tình trạng “hàng triệu người khỏe mạnh vô cớ bị tiêm những liều vắc xin được kiểm tra sơ sài”, và vì một chủng cúm “thậm chí còn ít hại hơn” các dịch cúm trước đây.

Cáo buộc của tiến sĩ Wodarg được đưa đúng lúc Anh đang vật lộn với khoản chi tới 1 tỷ USD cho vắc xin phòng cúm, được đặt mua do tâm lý hoảng sợ của người dân trước cảnh báo rằng sẽ có 65.000 ca tử vong. Nhưng thực tế, theo ông, chỉ có chưa đến 5.000 người ở Anh bị cúm vào tuần trước và tổng cộng mới có 251 người chết.

Theo Tiến sĩ Wodarg, để bảo đảm hơn lợi ích của mình, các hãng dược phẩm hàng đầu thậm chí đã cài cắm “người của họ” vào các vị trí của WHO và những tổ chức có ảnh hưởng khác. Ảnh hưởng của những người này đã khiến WHO nới lỏng hơn các định nghĩa về đại dịch, dẫn đến lời tuyên bố về một đại dịch thế giới vào tháng 6/2009.

Tuy nhiên, Giáo sư David Salisbury, người đứng đầu một cơ quan phụ trách tiêm chủng của chính phủ Anh, cho rằng không có bằng chứng nào ủng hộ những cáo buộc của Tiến sĩ Wodarg. Ông cho rằng những người có xung đột lợi ích đều đứng ngoài tiến trình đưa ra quyết định của WHO.

Còn một người phát ngôn của GSK, một trong những hãng dược phẩm được dự báo là sẽ thu được khoản lợi lớn nhất từ vắc xin cúm A/H1N1, nói: “Những cáo buộc về ảnh hưởng quá mức là sai lầm và vô căn cứ. Tuyên bố của WHO về cúm A/H1N1 là phù hợp với thông số về một đại dịch”.
 

Châu Âu “bán tháo” dự trữ vắc xin cúm A/H1N1

 

Hôm qua Pháp là quốc gia mới nhất gia nhập cùng các quốc gia châu Âu khác bán hạ giá hàng triệu liều vắc xin chống cúm A/H1N1, với lý do họ đã mua thừa nhu cầu thực tế của nước này.   

 

Giống như Đức, Hà Lan và một số nước châu Âu khác, Pháp cũng phải chứng kiến cảnh nhu cầu thực tế ít hơn dự đoán rất nhiều, sau khi chi 1,25 tỷ USD cho vắc xin chống virut A/H1N1.

 

Được biết, Pháp đã mua 94 triệu liều (1 liều rưỡi cho mỗi người dân Pháp), nhưng cho đến nay chỉ có khoảng 5 triệu liều được tiêm kể từ khi chương trình tiêm phòng được tiến hành hồi tháng 10 năm ngoái.

 

Qatar đã mua 300.000 liều, trong khi Ai Cập đang đàm phán mua 2 triệu liều. Pháp cũng đang đàm phán với Mexico cùng Ukraine.

 

Hồi tháng 12, Đức cho biết họ đang xem xét bán giảm giá vắc xin mặc dù đến tháng 3 này đơn đặt hàng 50 triệu liều mới được chuyển hết. Tại Đức, chỉ khoảng 5% dân số tiêm vắc xin.

 

Trước đó, hồi tháng 11, Hà Lan cũng công bố sẽ bán 19 triệu trên tổng số 34 triệu liều vắc xin nước này đặt mua cho các nước thiếu, sau khi nhận thấy mối nguy hiểm đã qua.

 

Trong khi đó Bộ trưởng Y tế Tây Ban Nha hôm chủ nhật vừa qua cho biết Madrid dự kiến sẽ mua tổng cộng khoảng 13 triệu liều, ít hơn 1/3 so với ước tính 37 triệu liều trước đó.

 

Tại Anh, người phát ngôn Bộ Y tế hôm qua cho biết ưu tiên của họ vẫn là cung cấp cho các nhóm có nguy cơ cao, như trẻ em, người già, phụ nữ mang thai, và những người có vấn đề về sức khỏe. Và Anh cũng “đang xem xét bán cho các nước đang tìm kiếm vắc xin”.
 

Còn tại Italia, người đứng đầu cơ quan thuốc phòng bệnh cho biết họ chưa có quyết định bán lượng vắc xin thừa của nước này. Tuy nhiên, Italia trước đó đã đảm nhiệm cho 10% lượng vắc xin của họ cho các nước nghèo hơn. Cho đến nay, mới chỉ 840.00 liều trong tổng số 48 triệu liều họ mua được tiêm.
 

Phan Anh(Theo AP)

 

Việt Hà
Theo Daily Mail, Cayman Net News