1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Đặc phái viên Liên Hợp Quốc kêu gọi hành động khẩn cấp ở Myanmar

Minh Phương

(Dân trí) - Đặc phái viên Liên Hợp Quốc Christine Schraner Burgener cho rằng các nước cần chung tay hành động bởi tình hình ở Myanmar đang có nguy cơ trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng.

Đặc phái viên Liên Hợp Quốc kêu gọi hành động khẩn cấp ở Myanmar - 1

Một cuộc biểu tình phản đối đảo chính ở thành phố Yangon, Myanmar. (Ảnh: Reuters)

Tại cuộc họp ngày 5/3, đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Myanmar Christine Schraner Burgener kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hành động khẩn cấp để ngăn chặn tình hình bạo lực nhằm vào người biểu tình ôn hòa ở Myanmar và khôi phục nền dân chủ ở đây sau cuộc đảo chính. Bà Burgener nhấn mạnh, tình hình ở Myanmar đang trên đà trở thành "một cuộc khủng hoảng nhân đạo".

"Điều quan trọng là Hội đồng Bảo an cần kiên quyết và đồng lòng để cảnh báo các lực lượng an ninh Myanmar và đứng về phía người dân, ủng hộ kết quả bầu cử hồi tháng 11. Cần chung tay hành động khẩn cấp", bà Burgener phát biểu trong cuộc họp kín của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 5/3.

Bà Burgener cho biết đã nhận được khoảng 20.000 thông điệp từ Myanmar kêu gọi quốc tế hành động. Đặc phái viên Liên Hợp Quốc một lần nữa kêu gọi các nước không công nhận chính quyền quân sự Myanmar. Bà cũng hối thúc Hội đồng Bảo an ủng hộ Đại sứ Myanmar tại Liên Hợp Quốc Kyaw Moe Tun.

Myanmar rúng động bởi các cuộc biểu tình kể từ sau cuộc đảo chính ngày 1/2. Tính đến nay, hơn 50 người đã thiệt mạng khi lực lượng an ninh Myanmar nổ súng vào người biểu tình. Tuy nhiên, các cuộc biểu tình vẫn chưa có dấu hiệu lắng xuống.

Tháng trước, Hội đồng Bảo an đã ra tuyên bố bày tỏ quan ngại về tình hình ở Myanmar nhưng không thể đưa ra tuyên bố lên án đảo chính do phản đối từ Nga và Trung Quốc với lý do đây là "vấn đề nội bộ" của Myanmar.

Các nước trong đó có Anh, Mỹ đã áp hàng loạt lệnh trừng phạt nhằm vào quân đội Myanmar. Phát biểu sau cuộc họp hôm qua, Đại sứ Anh tại Liên Hợp Quốc Barbara Woodward nói: "Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi tình hình và hành động để Hội đồng Bảo an có thể đạt được thỏa thuận về vấn đề Myanmar".

Về phía Trung Quốc, trong thông cáo sau cuộc họp hôm qua, Đại sứ Trung Quốc Zhang Jun nhấn mạnh: "Các bên cần kiềm chế, bình tĩnh, tránh leo thang căng thẳng hay sử dụng bạo lực. Thông điệp và các giải pháp của cộng đồng quốc tế cần mang tính xây dựng cho các bên ở Myanmar để thu hẹp bất đồng, giải quyết các vấn đề, tránh làm leo thang căng thẳng hoặc phức tạp tình hình".

Giới ngoại giao cho hay, Hội đồng Bảo an đang cân nhắc đưa ra một tuyên bố nữa về Myanmar. Điều tra viên độc lập về nhân quyền của Liên Hợp Quốc, Thomas Andrews, kêu gọi áp lệnh cấm vận vũ khí toàn cầu và trừng phạt kinh tế với quân đội Myanmar. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, kịch bản áp lệnh trừng phạt như vậy trước mắt khó có thể thành hiện thực do có thể vấp phải sự phản đối của Nga và Trung Quốc - hai trong số 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an có quyền phủ quyết cùng với Mỹ, Anh và Pháp.

Dòng sự kiện: Đảo chính tại Myanmar