Lực lượng có thể xoay chuyển tình hình Myanmar hậu đảo chính
(Dân trí) - Các nhóm dân tộc thiểu số có lực lượng vũ trang và chính quyền riêng có thể trở thành yếu tố định đoạt lại tình hình Myanmar sau khi quốc gia này chìm trong hỗn loạn vì cuộc đảo chính quân sự.
Ngày 1/2, viện dẫn cáo buộc có gian lận trong cuộc bầu cử tháng 11/2020, quân đội Myanmar đã bắt giữ các lãnh đạo dân sự và giành quyền kiểm soát đất nước. Kể từ đó, hàng trăm nghìn người Myanmar đã xuống đường biểu tình mỗi ngày để phản đối cuộc đảo chính của quân đội.
Khoảng 54 người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình diễn ra trong những ngày qua và Myanmar bị đẩy vào tình trạng bất ổn và rối ren. Các phong trào xuống đường, đình công làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới các lĩnh vực dịch vụ dân sự, ngân hàng và làm tê liệt giao thông công cộng. Căng thẳng vẫn đang có xu hướng leo thang.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng phong trào biểu tình này sẽ không thể kéo dài mãi. Myanmar là một quốc gia đang gặp khó khăn và bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19, vì vậy, hầu hết mọi người không thể đình công, bỏ việc trong một thời gian dài vì phải lo tiếp tục kiếm kế sinh nhai.
Trong khi đó, đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) - đảng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử bị quân đội tố là gian lận - được cho đang trong tình cảnh rối ren sau khi lãnh đạo Aung San Suu Kyi bị bắt giữ và nhiều nghị sĩ của NLD cũng đang phải tạm lánh.
Trong tình hình này, cựu cố vấn chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc Philipp Annawitt, người từng làm việc ở Myanmar từ năm 2015-2020, cho rằng một trong những lực lượng có thể làm xoay chuyển tình thế là các nhóm dân tộc thiểu số ở nước này.
Theo ông Annawitt, các nhóm dân tộc thiểu số có thể là yếu tố quyết định số phận của cuộc đảo chính. Myanmar có 130 nhóm dân tộc được công nhận, trong đó người Miến là dân tộc đông dân nhất. Người Miến chiếm đa số trong lực lượng của quân đội và NLD và sinh sống chủ yếu tại các khu vực dọc sông Irrawaddy thuộc khu vực trung tâm của đất nước. Trong khi đó, các nhóm thiểu số thường phân bổ hầu hết ở các khu vực nằm sát biên giới.
Các nhóm thiểu số đều có đảng chính trị riêng, lực lượng vũ trang riêng và vẫn trong quá trình đấu tranh với quân đội Myanmar để giành thêm quyền tự chủ. Nhiều nhóm dân tộc thậm chí còn đang quản lý các vùng lãnh thổ nằm ngoài tầm ảnh hưởng của chính phủ trung ương.
Theo Nikkei, cả chính phủ quân đội và phía NLD đều cần sự ủng hộ của các nhóm thiểu số. Theo ông Annawitt, phía quân đội nhận được sự ủng hộ lớn hơn từ phía các nhóm dân tộc thiểu số ở phía tây. Trong khi đó, ở phía bắc, các nhóm vũ trang dân tộc hầu như không quan tâm tới vụ chính biến.
Giới quan sát cho rằng, NLD có thể hướng về phía đông để tìm kiếm sự ủng hộ từ các nhóm dân tộc thiểu số phản đối mạnh mẽ cuộc đảo chính như Karen, Mon, Karenni và Shan. Nhiều nhóm đã kêu gọi người dân chống lại đảo chính. Một nhóm gồm 10 lực lượng vũ trang dân tộc thiểu số đã tuyên bố họ sẽ hỗ trợ người biểu tình "bằng mọi phương pháp có thể".
Theo Nikkei, NLD trong thời gian qua đã có động thái mà giới quan sát nhận định là họ muốn lập một liên minh với các nhóm dân tộc thiểu số để tạo nên đối trọng với phía quân đội.
Mặt khác, một thành viên của một nhóm vũ trang hoạt động ở vùng đông nam Myanmar nói rằng lực lượng này phản đối đảo chính, sẵn sàng hợp tác nhưng không chỉ để giúp NLD quay lại nắm quyền. Điều này đồng nghĩa với việc NLD có thể sẽ phải chấp nhận nhượng bộ một phần quyền lực cho các nhóm nếu họ giành lại được quyền điều hành đất nước.
Theo giới chuyên gia, trước áp lực từ phong trào biểu tình, sự phối hợp từ các nhóm vũ trang, áp lực từ cộng đồng quốc tế, có thể xảy ra một kịch bản rằng quân đội Myanmar sẽ hướng tới giải pháp hòa bình để tháo gỡ căng thẳng.