Đặc phái viên LHQ kêu gọi lập chính phủ chuyển tiếp ở Syria
(Dân trí) - Đặc phái viên quốc tế Lakhdar Brahimi ngày 27/12 kêu gọi cần có "thay đổi thực sự" và thiết lập một chính phủ chuyển tiếp với đầy đủ quyền lực ở Syria, song phe đối lập khẳng định chỉ chấp nhận khi Tổng thống Assad ra đi.
Ông Brahimi đưa ra sáng kiến của mình trong ngày thứ năm và là ngày cuối cùng ở thăm Damascus khi Nga, đồng minh thân cận nhất của chính quyền Syria, phủ nhận sự tồn tại một kế hoạch hòa bình chung giữa Nga và Mỹ về Syria trong nỗ lực ngoại giao cuối cùng của năm 2012 nhằm chấm dứt cuộc xung đột đẫm máu kéo dài 22 tháng qua ở nước Trung Đông này. Tuy nhiên, sau cuộc thảo luận với một phát đoàn Syria đang ở thăm Mátxcơva, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã khẳng định rằng giải pháp đàm phán là lựa chọn duy nhất cho vấn đề Syria.
“Thay đổi không chỉ là sự hào nhoáng bên ngoài, mà người dân Syria cần và đòi hỏi sự thay đổi thực sự, và mọi người đều hiểu điều đó có nghĩa là gì”, đặc phái viên chung của LHQ và Liên đoàn Ả rập về Syria nói trong sứ mệnh hòa bình mới nhất của ông về Syria.
“Chúng ta cần thiết lập một chính phủ chuyển tiếp với quyền lực đầy đủ.... nắm giữ quyền lực trong giai đoạn chuyển tiếp. Giai đoạn này sẽ kết thúc khi nào các cuộc bầu cử có thể được tiến hành”, ông Brahimi nói.
Ông không đưa ra thời hạn cụ thể nào cho các cuộc bầu cử dự tính, có thể là bầu cử tổng thống hoặc là bầu cử quốc hội - phụ thuộc vào những gì mà các bên có thể nhất trí. Ông Brahimi cũng không đề cập đến số phận của Tổng thống Bashar al-Assad với nhiệm kỳ hiện nay kết thúc vào năm 2014.
“Giai đoạn chuyển tiếp không nên dẫn đến sự sụp đổ của nhà nước cũng như các thể chế”, ông Brahimi nói và cho biết thêm sáng kiến này là chưa đầy đủ.
Trong khi đó, trong tuyên bố đưa ra ngày 27/12, phe đối lập vũ trang tại Syria tuyên bố không chấp nhận Tổng thống Bashar al-Assad trong tiến trình chuyển giao chính trị.
Người phát ngôn Liên minh Dân tộc đối lập được các nước phương Tây công nhận của Syria, Walid al-Bunni, nêu rõ lực lượng này sẽ chỉ chấp nhận các giải pháp chính trị khi giải pháp đó loại bỏ Tổng thống Bashar al-Assad và những thành viên trong gia đình ông.
“Điều kiện đầu tiên là những người này phải rời khỏi Syria”, ông Walid nói.
Cùng ngày 27/12, một phó phát ngôn của Bộ Ngoại giao Pháp nói rằng Tổng thống Syria Bashar al-Assad "không thể có vai trò nào" trong tiến trình chuyển giao chính trị của quốc gia này vì "phải chịu trách nhiệm" cho 45.000 nạn nhân thiệt mạng trong cuộc xung đột.
Tổ chức giám sát nhân quyền Syria có trụ sở tại Anh dẫn các báo cáo cho biết đã có hơn 45.000 người thiệt mạng trong cuộc xung đột bùng phát trong làn sóng biểu tình tháng 3/2011 chống chính quyền Assad, song trên thực tế số người thiệt mạng ở đất nước ven bờ Địa Trung Hải này có thể đã lên tới 100.000 người.