1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Đã đến lúc phương Tây chìa ra một thỏa thuận với Nga

Tờ Financial Times (Thời báo Tài chính) của Anh mới đây đã cho đăng bài xã luận của nhà báo John Thornhill, có tiêu đề “Đã đến lúc Phương Tây và Ukraine đưa ra một thỏa thuận với Tổng thống Putin’. Nội dung có một số điểm đáng chú ý sau:

Việc nhiều nhà lãnh đạo phương Tây tấn công, “chọc giận” Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Brisbane vừa qua có thể mang lại chút hào quang tinh thần đối với cá nhân họ, nhưng chẳng giúp tạo lập hòa bình ở Ukraine. Nền chính trị cử chỉ thiên về vẻ bề ngoài không thể thay được một chiến lược thống nhất cần thiết giúp xử lý mối đe dọa an ninh khẩn thiết nhất đối với châu Âu sau sự sụp đổ của Liên Xô.

Lãnh đạo phương Tây cũng đã đúng khi áp cấm vận chống Nga, sau sự kiện Crimea sáp nhập vào Nga, cùng với đó là bất ổn ở miền Đông Ukraine được cho là có sự can dự của Moskva. Thế nhưng cấm vận, dù là một hình thức trừng phạt cần thiết, đã không mang lại hiệu quả răn đe như mong muốn. Chúng không làm Nga thay đổi cách hành xử. Thậm chí, cấm vận làm cuộc khủng hoảng thêm trầm trọng và giúp nâng cao uy tín của chính quyền Nga.
 
Xung đột đang biến miền Đông Ukraine thành đống đổ nát (ảnh: EPA)
Xung đột đang biến miền Đông Ukraine thành đống đổ nát (ảnh: EPA)

Điều gì tiếp theo? Những người theo chủ nghĩa hiện thực thì nói rằng, đã đến lúc phương Tây và Ukraine cần cố gắng “đạt thỏa thuận” với Nga. Tác động của các lệnh cấm cùng với đe dọa cho gia tăng cường độ cấm vận đã tạo ra những ảnh hưởng cần thiết. Vì một nước Ukraine ổn định, phương Tây nên sử dụng hiệu ứng này để đạt tới một giải pháp ngoại giao.

Mục tiêu then chốt của Washington và Brussels là gây dựng một nước Ukraine thịnh vượng và an ninh từ đống đổ nát. Đây là một thách thức vô cùng to lớn. Một điều chắc chắn là, nó sẽ không thể thành công nếu bên cạnh Ukraine vẫn là một nước Nga thù địch.

Một hướng khác là gây sức ép buộc Nga phải thoái lui. Nhưng làm vậy đồng nghĩa với chiến tranh thế giới thứ III – điều chắc chắn sẽ không xảy ra. Phương Tây giờ cũng chưa có ý định triển khai binh sĩ tới bảo vệ Ukraine, hoặc tỉ như việc sẵn lòng cung cấp vũ khí hạng nặng cho Kiev. Tệ hơn, Mỹ và các đồng minh châu Âu vẫn không cung cấp nguồn hỗ trợ tài chính đủ để Ukraine đưa nền kinh tế nước này tránh sụp đổ, với tốc độ suy giảm được dự báo vào khoảng 7% trong năm nay.

Thỏa thuận Minsk cùng với lệnh ngừng bắn được đại diện Nga và Ukraine ký kết hôm 5/9 dưới sự giám sát của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) sẽ là nền tảng đưa tới một thỏa thuận chính trị toàn diện theo hướng này. Các bước đi cụ thể sẽ gồm những gì?

Về mặt kinh tế, Kiev cần phải bảo đảm rằng thỏa thuận thương mại với EU không “phá” các hợp tác kinh tế với Moskva. Trước thời điểm xảy ra xung đột, Nga vẫn là thị trường đối với 1/4 hàng hóa xuất khẩu của Ukraine. Liên quan đến an ninh, phương Tây cần đưa ra lời phản hồi trước mong muốn của Tổng thống Nga thảo luận cấu trúc an ninh tại châu Âu. Mỹ và châu Âu cũng phải làm rõ “An ninh Tập thể” của NATO là như thế nào, nhất là ở khu vực Baltic. Mục đích là để tạo minh bạch và trấn an đối với Nga. Quan trọng hơn, NATO phải chấp nhận sẽ không cấp quy chế thành viên cho Urkaine.

Đương nhiên, chưa có gì bảo đảm chắc chắn rằng ông Putin sẽ đồng ý về một thỏa thuận như vậy. Nhưng hãy đọc lại bài viết nổi tiếng có tên gọi “Nhân tố X” của George F. Kennan đăng trên tờ Tạp chí Chính sách đối ngoại (Foreign Affairs) từ năm 1947 đề cập đến chính sách kiềm tỏa Liên Xô để thấy rằng “yêu sách buộc Nga phải thay đổi chính sách cần phải được tiến hành theo một cách thức luôn chừa ra một cánh cửa cho sự đồng lòng, mà không làm nước Nga mất thể diện”.

Theo Hoài Thanh (theo FT)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm