1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Đã đến lúc Ấn Độ đánh dấu sự hiện diện ở biển Đông

Đó là đầu đề bài viết của chuyên gia Darshana M. Baruah ở Quỹ Nghiên cứu người quan sát (Ấn Độ) đăng trên tạp chí Eurasia Review của Mỹ ngày 17-11 (giờ địa phương).

Hải quân Ấn Độ
Hải quân Ấn Độ
Bài viết ghi nhận lúc căng thẳng biển Đông lên cao, Ấn Độ tỏ thái độ tránh xa bất kỳ chiến lược nào ngăn chặn Trung Quốc. Tuy nhiên, từ khi Thủ tướng Narendra Modi lên cầm quyền, chính phủ mới Ấn Độ đã khôi phục mối quan tâm về an ninh hàng hải và mong muốn tham gia định dạng cấu trúc an ninh khu vực Ấn Độ Dương-Tây Thái Bình Dương.

Tại hội nghị Đông Á và hội nghị ASEAN-Ấn Độ mới rồi ở Myanmar, Thủ tướng Modi đã nhấn mạnh cần tuân thủ các chuẩn mực quốc tế để duy trì hòa bình và ổn định ở biển Đông. Ấn Độ đang củng cố quan hệ hợp tác hàng hải với các lực lượng hải quân trong khu vực như Úc, Nhật, Singapore, Việt Nam.

Trong tuyên bố chung ngày 3-9, Thủ tướng Modi và người đồng cấp Nhật Shinzo Abe đã nhất trí tăng cường tập trận hải quân song phương và tập trận hải quân ba bên Nhật-Mỹ-Ấn. Trong tuyên bố chung kết thúc chuyến thăm Mỹ ngày 30-9, Thủ tướng Modi và Tổng thống Obama khẳng định cần bảo vệ an ninh biển, quyền tự do hàng hải và bay qua trong khu vực, đặc biệt tại biển Đông.

Tuyên bố chung về chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hồi cuối tháng 10 ghi nhận hai bên kêu gọi bảo đảm tự do hàng hải ở biển Đông và các bên tranh chấp nỗ lực sớm hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông.

Theo chuyên gia Darshana M. Baruah, Ấn Độ liên tục đề cập đến biển Đông trong các tuyên bố chung nêu trên là dấu mốc đánh dấu thay đổi so với các tuyên bố chung trước đây (không đề cập đến khu vực tranh chấp cụ thể nào). Cần lưu ý là Ấn Độ đưa ra các tuyên bố chung trên trong bối cảnh Trung Quốc vẫn đang gia tăng sức ép ở biển Đông.

Lâu nay Ấn Độ e dè vì e ngại đụng chạm đến Trung Quốc. Nay trong bối cảnh cấu trúc an ninh khu vực đang thay đổi và Trung Quốc đang mở rộng sự hiện diện ở Ấn Độ Dương, Ấn Độ nhận thấy đã đến lúc phải thoát khỏi tâm lý e ngại Trung Quốc và thúc đẩy hợp tác an ninh hàng hải với các đối tác trong khu vực.

Theo Thạch Anh
Pháp luật TPHCM